Độ này nom anh hồng hào, béo ra. Vẻ mặt phấn khởi, hay cười. Chẳng còn cái bộ dạng thấp thỏm, sầu não như hồi gặp anh liên hệ viết bài, cách đây 2 năm.
“Anh chẳng biết có sống để mà nhận sổ hưu không?”, Nguyễn Văn Tạo (SN 1969) nói với tôi khi ấy. Đó cũng là câu được tôi đưa lên title bài.
![]() |
Anh Tạo (thứ tư, từ phải) và các đồng nghiệp cười tươi trong buổi liên hoan mừng thắng lợi của công cuộc đòi quyền lợi BHXH - Ảnh: MINH KHÔI |
Hồi đó, cái hồi anh mới có… 52 tuổi đã luôn thở dài thườn thượt khi nghĩ tới viễn cảnh buồn bã, rằng một ngày xấu trời nào đó chẳng may phải về với ông bà ông vải mà quyền lợi chưa được hưởng ngày nào…
Buồn ơi là buồn!
Thực ra anh có lý do để buồn và để lo bởi sau vụ tai nạn hỏng một mắt, thương tật 71%, đáng lẽ anh được về hưu trước tuổi. Khổ nỗi, Công ty CP Ô tô 1-5 (Đông Anh, Hà Nội), nơi anh gắn bó gần 30 năm đang nợ BHXH gần 15 tỷ đồng. Quyền lợi của anh và hàng trăm đồng nghiệp bị “khoá” chặt.
Hồi đó (năm 2021), vấn nạn nợ, chây ì, chậm đóng BHXH tại các doanh nghiệp trong cả nước ở mức báo động đỏ, với gần 21 nghìn tỷ đồng – theo thống kê của BHXH Việt Nam. Cơ quan chức năng thừa nhận rất khó xử lý. Anh Tạo càng thêm hoang mang.
Công ty thì hoạt động nhúc nhắc, duy trì vài nhân sự hành chính, còn lại cho nghỉ chờ việc. Anh em thợ máy chạy đôn đáo khắp nơi kiếm việc, hầu hết làm tự do vì hợp đồng vẫn chưa hoặc không được chấm dứt. Anh Tạo cũng nằm trong vòng xoáy đó, hằng ngày đi làm tại một xưởng cơ khí gần nhà.
Câu chuyện của anh Tạo và hàng trăm công nhân Công ty Ô tô 1-5 được chúng tôi phản ánh qua nhiều bài viết, đồng hành ròng rã suốt 2 năm.
Trong lúc ấy thì tôi có làm nhiều vụ việc khác nữa nhưng phải thừa nhận rằng hiếm thấy nơi nào công nhân có được sự đoàn kết và tình nghĩa như anh chị em Công ty Ô tô 1-5. Họ bảo ban nhau xuống đường, vào nhà máy thương lượng với ông chủ, đi gặp nhà báo, luật sư, toà án… Việc gì cũng được bàn thảo kỹ lưỡng từng đường đi nước bước. Thống nhất rồi thì cứ thế mà làm. Kiên trì mà làm.
![]() |
Anh Tạo cười tươi, khoe vừa nhận sổ hưu - Ảnh: HẢI HÀ |
Điều đó tạo nên sức mạnh, buộc Công ty phải đưa ra lộ trình đóng BHXH. Mỗi tháng 5 - 6 người, theo thứ tự ưu tiên.
Tôi từng kể trong một bài viết gần đây, rằng có lần phía Công ty chậm giải quyết so với lộ trình đã đưa, nhóm công nhân lại kéo đến nhà máy tạo sức ép, yêu cầu trả lời. Trong đoàn đi có cả những người đã được chốt sổ. Thấy lạ, ông Phó tổng Giám đốc gọi vào phòng hỏi: “Các anh chị còn vướng mắc gì nữa mà đến đây?”. Một người dõng dạc tuyên bố: “Còn một người chưa được trả quyền lợi, chúng tôi còn đến”.
Vị kia tậm tịt, lắc đầu ngao ngán.
Sau lần ấy thì chẳng thấy Công ty chậm đóng nữa.
Tháng 9/2023 người công nhân cuối cùng đã được chốt sổ BHXH. Họ bảo nhau góp tiền liên hoan, đặt nhà hàng oách, đồ ăn ngon. Có sân khấu nhỏ, có loa thùng để hát hò. 3 dãy bàn dài chật kín cả trăm công nhân. Rượu rót ra, tay chụm lại. Hai, ba… dô!
Anh Tạo hớn hở cầm chén đi khắp hội trường, gặp bàn nào cũng sà vào chúc tụng. Nhân thể anh khoe luôn cái sổ hưu mới nhận. Cười sung sướng!
![]() Tan ca. Nhìn dòng người túa ra cổng nhà máy, anh Chỉnh chợt hồi tưởng lại khung cảnh cách đây vài chục năm. Cánh đồng ... |
![]() Từ hành động nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, chị Nguyễn Thị Tuyên, công nhân tại Nhà máy viên năng lượng Cam ... |
![]() “2 lần đi xin việc không được chỉ vì mình là người khuyết tật, sức khỏe không đáp ứng được, đến khi nộp hồ sơ ... |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
