
Một số bất cập
Ông Liêng Hót Ha Hai – Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cho biết, địa phương đang rà soát, tổng hợp đối tượng bị ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp bộ máy. Theo ông, khi triển khai Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 178), đã bộc lộ một số điểm chưa hợp lý.
Cụ thể, Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định người lao động có đủ 15 năm làm việc tại vùng khó khăn có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 năm so với độ tuổi nghỉ hưu bình thường (62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ). Tức là họ có thể nghỉ ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ.
![]() |
Huyện Đam Rông (Lâm Đồng) thực hiện chính sách trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ảnh: Trương Lan |
Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông dẫn chứng: Hai người cùng tuổi, cùng thời gian công tác và giữ chức vụ tương đương, cùng xin nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178 nhưng lại được áp dụng chính sách khác nhau.
Người làm việc ở vùng thông thường được áp dụng Phụ lục I của Nghị định 135, nên thời gian tính để hưởng trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi dài hơn 5 năm so với người có từ đủ 15 năm làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngược lại, người làm việc từ đủ 15 năm trở lên ở vùng khó khăn chỉ được áp dụng Phụ lục II, khiến thời gian tính để hưởng trợ cấp nghỉ hưu ngắn hơn.
![]() |
Tỉnh Lâm Đồng quán triệt các văn bản mới của Trung ương về chính sách thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ảnh: Tuấn Hương |
Tình trạng bất hợp lý còn thể hiện rõ trong trường hợp hai người cùng bắt đầu công tác tại vùng khó khăn. Một người được điều chuyển sang vùng khác trước khi đủ 15 năm nên được áp dụng Phụ lục I. Trong khi đó, người còn lại tiếp tục làm việc đủ 15 năm thì lại áp dụng Phụ lục II, dẫn đến quyền lợi nghỉ hưu thấp hơn, dù thời gian gắn bó với vùng khó khăn dài hơn.
Nghịch lý này khiến người công tác lâu năm tại vùng đặc biệt khó khăn lại chịu thiệt thòi hơn so với người chỉ làm việc ngắn hạn.
![]() |
Một số kiến nghị của UBND huyện Đam Rông về thực hiện chính sách trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. |
Bất cập ngay khi cùng làm việc ở vùng khó khăn
Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, ông Liêng Hót Ha Hai cho biết: “Ngay cả giữa những người cùng công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng xảy ra chênh lệch trong việc áp dụng chính sách nghỉ hưu sớm”.
Cụ thể, hai người cùng tuổi, chức vụ tương đương và cùng làm việc tại vùng khó khăn, nhưng nếu thời gian công tác khác nhau thì sẽ được áp dụng chính sách khác nhau.
Người chưa đủ 15 năm làm việc tại vùng này được áp dụng Phụ lục I của Nghị định 135, nhờ đó được tính thời gian hưởng chế độ nghỉ hưu sớm dài hơn.
Trong khi đó, những người có từ đủ 15 năm trở lên làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn lại được áp dụng Phụ lục II của Nghị định 135, khiến thời gian tính để hưởng chế độ nghỉ hưu sớm bị rút ngắn.
Ông Liêng Hót Ha Hai cũng chỉ ra một bất cập khác: Với những người làm việc ở vùng khó khăn từ đủ 15 năm trở lên và đã bước sang tuổi 57, khi có nguyện vọng nghỉ hưu sớm để thực hiện tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy, họ lại không được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 178 như những người cùng độ tuổi nhưng làm việc ở vùng khác.
Dẫn chứng từ chính trường hợp của mình, ông Liêng Hót Ha Hai chia sẻ: “Tôi sinh năm 1968, đã có 30 năm công tác tại địa phương. Theo quy định nghỉ hưu trong điều kiện bình thường (Phụ lục I, Nghị định 135), tôi còn 5 năm công tác nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, do đã có trên 15 năm làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tôi đủ điều kiện nghỉ hưu sớm theo Phụ lục II của Nghị định 135”.
Theo ông Hai, khi thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, ông thuộc diện áp dụng điểm đ, khoản 2, Điều 7 của Nghị định 178: được nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương do nghỉ trước tuổi. Tuy vậy, ông không được hưởng chính sách hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi như những người cùng độ tuổi nhưng làm việc tại các địa bàn khác.
![]() |
Trợ cấp với viên chức, người lao động nghỉ thôi việc sau sắp sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. |
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Hoàn – chuyên viên Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Lạc Dương (Lâm Đồng) cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai Nghị định 178.
Ông Hoàn cho biết, ông đã có 23 năm 8 tháng tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó tròn 18 năm làm việc tại khu vực có phụ cấp hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021. Theo quy định tại Phụ lục II, Nghị định 135, ông còn 6 năm 4 tháng nữa mới đến tuổi nghỉ hưu.
Hưởng ứng chủ trương tinh gọn bộ máy, ông tự nguyện làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền trả lời rằng ông chưa đủ điều kiện.
Trong khi đó, những người làm việc ở vùng khác hoặc chưa đủ 15 năm tại vùng đặc biệt khó khăn, nếu còn từ 5 đến dưới 10 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu theo Phụ lục I của Nghị định 135, thì lại được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178.
“Chính sách hiện hành chưa thực sự ưu đãi cho những người gắn bó lâu dài với vùng khó khăn”, ông Hoàn bày tỏ.
Cần điều chỉnh chính sách để đảm bảo quyền lợi người công tác tại vùng khó khăn
Bà Phạm Thị Tường Vân – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã tiếp nhận kiến nghị của UBND huyện Đam Rông liên quan đến chế độ, chính sách theo Nghị định 178 và 67. Trên cơ sở đó, Sở đã tổng hợp và báo cáo Bộ Nội vụ xem xét các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Không riêng Lâm Đồng, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum cũng có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể Nghị định 178. Tại Điện Biên, Tỉnh ủy mới đây đã ban hành quyết định hủy việc cho phép một cán bộ nghỉ hưu trước tuổi sau khi thẩm định lại hồ sơ.
Cán bộ này từng được đồng ý cho nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178, nhưng sau đó được xác định đã có 17 năm 8 tháng công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đủ điều kiện nghỉ hưu theo Phụ lục II, Nghị định 135. Do đó, không thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 178. Vụ việc khiến Tỉnh ủy Điện Biên phải gửi văn bản đề nghị Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ sớm có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp tương tự.
Những bất cập nêu trên không chỉ xảy ra ở một vài địa phương, mà đang dần bộc lộ trên phạm vi rộng, cho thấy sự thiếu đồng bộ giữa các quy định hiện hành.
Luật sư Vũ Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai cho rằng, theo điểm b, khoản 1, Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, người có từ đủ 15 năm làm việc ở vùng khó khăn (bao gồm nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên trước 1/1/2021) được quyền nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 năm so với quy định chung. Đây là quyền lựa chọn giữa nghỉ đúng tuổi theo Phụ lục I hoặc nghỉ sớm theo Phụ lục II.
![]() |
Luật sư Vũ Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai |
Tuy nhiên, Nghị định 178 (sửa đổi bởi Nghị định 67) lại hạn chế quyền lựa chọn này. Đặc biệt, nhóm lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng khó khăn và còn trên 5 đến dưới 10 năm đến tuổi nghỉ hưu theo Phụ lục II lại không thuộc diện được hỗ trợ như người làm việc ở vùng khác theo Phụ lục I.
Mặt khác, khoản 7, Điều 3, Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định: “Một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách, chế độ quy định tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách, chế độ cao nhất”.
Như vậy, với trường hợp một đối tượng đủ điều kiện tại điểm b khoản 2, đồng thời đủ điều kiện tại điểm c khoản 2 Nghị định 178 sẽ không có quyền chủ động lựa chọn chính sách, chế độ cao nhất. Điều này dễ gây thiệt thòi cho người lao động trong quá trình thực hiện chính sách.
Thiết nghĩ, cần sớm nghiên cứu điều chỉnh, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm đảm bảo sự thống nhất, công bằng và đúng tinh thần ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với những người đã cống hiến tại vùng khó khăn trong tiến trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh
Tin tức khác

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số
