
Khai mở chương mới cho kinh tế Việt Nam |
Công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn là những “mắt xích” tưởng chừng “lặng thầm” nay lại được trao vai trò chủ động trong công cuộc xây dựng nền kinh tế tri thức. Nghị quyết 57 không chỉ mở đường cho sáng tạo mà còn trao cơ hội để mỗi bàn tay lao động được thăng hoa cùng thời đại số.
![]() |
Nghị quyết 57 không chỉ là bản định hướng chiến lược mà còn là “Nghị quyết của hành động”, một "cú hích" cải cách toàn diện thể chế, chính sách, nguồn lực, nhân lực và hạ tầng số. |
Ngày 22/12/2024 đánh dấu một bước ngoặt lớn của Việt Nam trên hành trình chuyển mình: “Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết này, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, là “Khoán 10” của thế kỷ XXI.
Khác với các nghị quyết trước, Nghị quyết 57 không chỉ là bản định hướng chiến lược mà còn là “Nghị quyết của hành động”, một “cú hích” cải cách toàn diện thể chế, chính sách, nguồn lực, nhân lực và hạ tầng số.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia chủ động và thiết thực của toàn xã hội, từ nhà nước, doanh nghiệp, đến từng người dân. Và không ai khác, người công nhân chính là lực lượng đông đảo nhất, đang nắm giữ “đầu dây” của tiến trình này.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của người công nhân không còn bó hẹp trong các dây chuyền sản xuất đơn điệu. Những “cánh tay thép” giờ đây cần được trang bị trí tuệ số, kỹ năng số để có thể vận hành máy móc hiện đại, thích ứng với công nghệ tự động hóa, robot hóa, trí tuệ nhân tạo.
Nghị quyết 57, với tinh thần “chuyển từ ứng dụng công nghệ sang sáng tạo công nghệ” đã thực sự mở ra một kỷ nguyên mới, nơi người công nhân không chỉ làm theo, mà có thể góp phần tạo ra cái mới.
![]() |
Nghị quyết 57, với tinh thần “chuyển từ ứng dụng công nghệ sang sáng tạo công nghệ”, đã thực sự mở ra một kỷ nguyên mới – nơi người công nhân không chỉ làm theo, mà có thể góp phần tạo ra cái mới. |
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là “cây gậy thần” để tiến tới thịnh vượng bền vững và lực lượng sản xuất, trong đó có công nhân phải được đổi mới toàn diện. Không thể có cách mạng khoa học thành công nếu thiếu bàn tay, khối óc và ý chí của hàng triệu công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy, trang trại công nghệ cao.
Ở đó, người lao động không chỉ là người “vận hành thiết bị” mà còn là người “góp phần sáng tạo ra giải pháp”, người “thí điểm công nghệ mới”, người “phát hiện vấn đề thực tiễn để cải tiến quy trình”. Vai trò ấy phải được tôn vinh, hỗ trợ và nâng tầm bằng chính sách và hành động cụ thể.
Đặc biệt, không thể nói đến công nhân mà thiếu vai trò tổ chức công đoàn, lực lượng tổ chức, dẫn dắt và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong bối cảnh Nghị quyết 57 yêu cầu cả hệ thống chính trị phải “xắn tay áo làm việc ngay lập tức”, tổ chức công đoàn chính là “đầu mối” và “cầu nối” giữa chính sách vĩ mô và thực tiễn lao động.
Công đoàn có vai trò then chốt trong ba trụ cột triển khai Nghị quyết. Đó là, đào tạo và chuyển đổi kỹ năng số. Công đoàn cần chủ động cùng doanh nghiệp và nhà nước tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng số cho người lao động, từ kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh đến hiểu biết về dữ liệu, an toàn thông tin, và đổi mới sáng tạo. Chính công đoàn phải là người “gõ cửa” những chính sách ưu tiên đào tạo, và bảo vệ quyền được học hỏi, được cập nhật của công nhân.
Bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy sáng tạo từ cơ sở. Trong hành trình đổi mới, nhiều mô hình thử nghiệm công nghệ có thể tiềm ẩn rủi ro. Công đoàn cần tham gia phản biện, góp ý từ cơ sở để đảm bảo tiến trình diễn ra công bằng, dân chủ và người lao động được hưởng lợi thay vì bị đào thải.
![]() |
Đổi mới sáng tạo là “cây gậy thần” để tiến tới thịnh vượng, bền vững và lực lượng sản xuất, trong đó có công nhân phải được đổi mới toàn diện. |
Khơi gợi và lan tỏa phong trào thi đua sáng tạo. Một phong trào đổi mới sáng tạo trong từng phân xưởng, tổ đội, khu công nghiệp nếu được tổ chức tốt sẽ là nền tảng hiện thực hóa “cách mạng khoa học từ cơ sở”. Công đoàn có thể phát động “tháng công nhân sáng tạo”, giải thưởng “ý tưởng từ tổ máy”, diễn đàn “công nhân góp sáng kiến cải tiến quy trình”…
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ, đầu tư cho khoa học công nghệ là “đầu tư chấp nhận rủi ro” và phải coi đây là “chiến lược dài hạn”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người lao động phải học cách chấp nhận rủi ro đổi mới, sẵn sàng học lại, làm lại, thích ứng nhanh với cái mới.
Đây là “cơ hội vàng” cho công nhân, những người luôn “gần với thực tiễn nhất” có thể phát huy thế mạnh tư duy cải tiến, tinh thần tiết kiệm, tỉ mỉ, cần cù vốn có để vươn lên làm chủ công nghệ.
Nhưng, để biến cơ hội ấy thành sức mạnh thực sự thì rất cần có được sự đồng hành mạnh mẽ từ nhà nước, doanh nghiệp và công đoàn trong chính sách đào tạo, bố trí lại lao động, cơ chế khen thưởng cho sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho người lao động.
Nếu “Khoán 10” của thập niên 80 làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp, thì Nghị quyết 57 hôm nay có thể là “Khoán 10 mới” cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên tri thức.
![]() |
Không thể có cách mạng khoa học thành công nếu thiếu bàn tay, khối óc và ý chí của hàng triệu công nhân trong các khu công nghiệp, nhà máy, trang trại công nghệ cao. |
Tuy nhiên, khác với trước đây lần này không chỉ người lãnh đạo, nhà khoa học hay doanh nghiệp hành động mà mỗi công nhân, người lao động, từng tổ chức công đoàn đều mang “sứ mệnh” là người “châm ngòi” cho đột phá.
Khi người công nhân dám đề xuất cải tiến máy móc, khi công đoàn hỗ trợ để sáng kiến được bảo vệ quyền lợi, khi nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc vào đào tạo thực chất, thì lúc đó Nghị quyết 57 đã thật sự đi vào cuộc sống.
Hơn 60 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dặn dò: “Khoa học phải gắn với sản xuất, phục vụ nhân dân”. Ngày nay, Nghị quyết 57 là hiện thân sống động nhất cho tư tưởng đó. Để đột phá thành hiện thực, khoa học và công nghệ phải gắn với công nhân, người lao động – những “nhà cải tiến không bằng cấp” nhưng giàu thực tiễn.
Nghị quyết 57 không chỉ khơi nguồn cho đổi mới, mà còn mở cánh cửa cơ hội cho những bàn tay đang ngày đêm vận hành nền kinh tế. Công nhân hôm nay không còn chỉ là người “đứng máy”, mà là người “nắm giữ công nghệ” và “cùng sáng tạo ra tương lai”. Đó mới là tinh thần cách mạng khoa học, công nghệ thực sự nhân văn và bao trùm.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam. Nghị quyết 57 đề ra các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Nâng cao nhận thức và đột phá tư duy: Tạo ra sự thay đổi về tư duy và nhận thức trong toàn xã hội, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ. Hoàn thiện thể chế: Xóa bỏ các rào cản, hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường đầu tư và phát triển nhân lực: Đầu tư vào hạ tầng và phát triển nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học, công nghệ. Thúc đẩy chuyển đổi số và hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để cập nhật công nghệ mới. Nghị quyết 57 không chỉ thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước mà còn mang lại niềm tin lớn cho cộng đồng nghiên cứu khoa học. Nếu được thực thi hiệu quả, Nghị quyết này có thể giúp thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam, biến khoa học và công nghệ thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng. Nghị quyết 57 nhấn mạnh vai trò trung tâm của lực lượng lao động trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Người lao động không chỉ là những người thực hiện mà còn là những người sáng tạo ra các giải pháp công nghệ mới. Việc khơi dậy tinh thần đổi mới và sáng tạo trong lực lượng lao động sẽ giúp Việt Nam tận dụng được nguồn lực nội tại để phát triển. |
![]() Một công đoàn mạnh, hoạt động thực chất chính là “chứng chỉ” niềm tin, một tấm “hộ chiếu nhân văn” để doanh nghiệp bước vững ... |
![]() Nếu doanh nghiệp là “tế bào” của nền kinh tế, thì người lao động chính là “linh hồn” tạo nên sức sống cho “tế bào” ... |
![]() Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ, việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa không chỉ ... |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường

Người "thắp lửa" tự động hóa nơi nhà máy
