
Quan hệ lao động hài hoà: “Nền móng” cho “đòn bẩy” kinh tế tư nhân |
Doanh nghiệp tư nhân muốn vươn xa không thể tách rời trách nhiệm xã hội, sự chủ động của người lao động và sự đồng hành của công đoàn. Một môi trường lao động hiện đại, cạnh tranh và nhân văn chỉ có thể được hình thành từ sự thay đổi tư duy và hành động từ cả ba phía.
Chia sẻ với Tạp chí Lao động và Công đoàn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, phát triển doanh nghiệp không thể tách rời trách nhiệm xã hội, trong đó quan hệ lao động là một trong những yếu tố cốt lõi để “phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” như bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm.
![]() |
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. |
Trong bối cảnh kinh tế tư nhân được xác định là “đòn bẩy phát triển”, theo bà mối quan hệ lao động hài hòa đóng vai trò như thế nào?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Mối quan hệ lao động không thể tách rời quá trình phát triển doanh nghiệp. Hiện nay, khoảng 70% doanh nghiệp Việt Nam đã hoặc đang cố gắng thực hiện tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Trong đó, “xã hội” và “quản trị” bao gồm cả điều kiện làm việc, quan hệ lao động là nội hàm quan trọng. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được, họ sẽ khó cạnh tranh, khó được người tiêu dùng ủng hộ và dễ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan hệ lao động không còn là “ưu tiên” mà là yếu tố để tồn tại. Không có quan hệ lao động hài hòa, doanh nghiệp không thể quản trị tốt, không thể phát triển bền vững.
Về phía người lao động cũng cần phải hiểu doanh nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức lớn về cạnh tranh và yêu cầu đổi mới sáng tạo. Do đó, người lao động phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc, kỷ luật và năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu mới về kỹ năng, hiệu suất. Đặc biệt trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, nhiều công việc chân tay dễ bị thay thế. Ngay cả kỹ thuật viên, quản trị trung gian cũng phải cạnh tranh với máy móc, AI. Ai không tự nâng tầm sẽ có nguy cơ bị đào thải.
Nhà nước và doanh nghiệp có thể mở lớp đào tạo, nhưng sự chủ động học hỏi vươn lên của người lao động là then chốt. Đây không chỉ là vì doanh nghiệp, mà là vì chính người lao động. Năng suất tốt thì thu nhập mới cao, vị trí mới bền. Suy nghĩ “làm vì ông chủ” là lỗi thời rồi. Làm tốt là làm cho chính mình.
Về phía công đoàn cũng phải thay đổi tư duy. Vai trò công đoàn bây giờ là kết nối - đoàn kết người lao động và các nhà quản trị, chủ doanh nghiệp để cùng nhau phát triển. Công đoàn nên hỗ trợ, khuyến khích những người lao động tham gia các chương trình học tập, đào tạo lại, đào tạo mới, tham quan doanh nghiệp khác để học hỏi, nâng cao hiểu biết và tay nghề, đồng thời lắng nghe để nắm bắt, phản ánh kịp thời cho các nhà quản trị và chủ doanh nghiệp biết những ý kiến của người lao động về điều kiện làm việc, nguyện vọng, sức khỏe công nhân... Tất cả nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của chính người lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói về vai trò của mối quan hệ lao động hài hòa trong bối cảnh mới.
Theo bà, nền tảng nào để mối quan hệ lao động có thể bền vững trước những biến động khôn lường?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Cốt lõi là tư duy, nhận thức - từ người quản trị đến người lao động. Lãnh đạo doanh nghiệp cần hiểu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào cách tổ chức, quản trị và hiệu quả hoạt động của toàn bộ con người trong guồng máy của mình. Còn người lao động cần nhận thức rõ, nếu doanh nghiệp phát triển thì mình mới có việc làm, có thu nhập, có cơ hội thăng tiến. Người chủ, các nhà quản trị và người lao động trong mỗi doanh nghiệp cần hiểu họ cùng nhau chung sống trên một con thuyền, người cầm lái, người cầm chèo, có gắn kết và hoạt động nhịp nhàng thì thuyền mới lướt nhanh và vượt qua sóng gió, bão táp được. Trước những biến động mới, phải cùng nhau suy nghĩ, chung sức cùng nhau khắc phục khó khăn, đổi mới mạnh mẽ để vượt lên.
Chúng ta đã thấy, COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động. Không thể trách chủ doanh nghiệp được vì quá nhiều khó khăn lớn ập đến bất ngờ, nằm ngoài khả năng chống chịu của họ. Nhưng sau khủng hoảng đó, ai có tư duy đổi mới, thích ứng với bối cảnh mới, tập trung sức nâng cao năng lực để đáp ứng những yêu cầu mới thì phục hồi và trụ vững kể cả trước những thách thức mới. Vậy nên, cần thay đổi nhận thức từ hai phía về vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, về mục tiêu và lợi ích chung, và sẵn sàng chia sẻ rủi ro. Đó là gốc rễ của mối quan hệ hài hòa, bền vững.
Bà đánh giá thế nào về vai trò “kênh ba bên” giữa nhà nước - doanh nghiệp - công đoàn?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Kênh ba bên” gồm Nhà nước (đại diện trước đây là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nay là Bộ Nội vụ), giới chủ doanh nghiệp (đại diện là VCCI) và người lao động (thông qua tổ chức công đoàn) đã hình thành nhiều năm ở nước ta và có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn hiện nay. Mô hình này đã giúp tạo dựng một diễn đàn đối thoại thường xuyên, nơi ba bên cùng thương lượng, chia sẻ trách nhiệm và đồng hành trong giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động. Ngày nay kênh đối thoại này cần đẩy mạnh theo hướng ba bên trao đổi thông tin, suy nghĩ về những vấn đề mới nảy sinh, những cơ hội, thách thức, yêu cầu mới, đặc biệt về góc độ chất lượng nguồn nhân lực, công ăn việc làm trước sự phát triển của công nghệ, biến động thị trường và xu hướng dân số. Từ đó cùng nhau bàn bạc các giải pháp và chương trình hành động để giúp doanh nghiệp và nền kinh tế nâng cao khả năng thích ứng và phát triển bền vững.
Một trong những chức năng quan trọng nhất của “kênh ba bên” là điều hòa lợi ích. Nền kinh tế thị trường vốn dĩ luôn chứa đựng xung đột lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nếu không có một cơ chế trung gian minh bạch, công bằng và hiệu quả như “kênh ba bên”, các mâu thuẫn nhỏ có thể trở thành xung đột lớn, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế và trật tự xã hội.
Khi ba bên ngồi lại cùng nhau, sự thấu hiểu lẫn nhau tăng lên. Nhà nước không chỉ đưa ra những qui định cứng nhắc mà lắng nghe thực tiễn từ doanh nghiệp và công nhân. Doanh nghiệp cũng hiểu được những kỳ vọng chính đáng của người lao động để cố gắng đáp ứng. Công đoàn có thể hiểu hơn bối cảnh chung để tham gia hoạch định chính sách, đóng góp cho chiến lược phát triển của cả nhà nước và doanh nghiệp.
Không ai có thể đi một mình trên con đường phát triển. Nhà nước cần doanh nghiệp để phát triển kinh tế. Doanh nghiệp cần công nhân giỏi, công nhân cần doanh nghiệp mạnh, cả hai đều cần một Nhà nước kiến tạo đồng hành. “Kênh ba bên” không chỉ là cơ chế đối thoại mà là nền tảng của một nền kinh tế - xã hội thịnh vượng.
Trong thời đại nhiều biến động như hiện nay, khi yêu cầu về phát triển bền vững, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn ESG, tự động hóa, AI và các rủi ro thị trường toàn cầu luôn rình rập… thì việc duy trì và nâng tầm “kênh ba bên” là lựa chọn bắt buộc nếu chúng ta muốn xây dựng một nền kinh tế năng động, sáng tạo, công bằng và nhân văn hơn.
Cuối cùng, bà muốn nhắn gửi điều gì đến người lao động và các nhà quản trị doanh nghiệp?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tôi chỉ mong tất cả cùng thay đổi tư duy và hành động. Người lao động đừng xem mình chỉ là “người làm thuê”, các nhà quản trị doanh nghiệp đừng coi đầu tư cho công nhân là “chi phí”. Mỗi người đều là một phần trong chuỗi giá trị. Khi doanh nghiệp thành công, mọi người cùng hưởng lợi. Nếu doanh nghiệp “chìm” thì tất cả cùng chịu thiệt.
Một môi trường lao động hiện đại không thể chỉ dựa vào một phía. Doanh nghiệp, người lao động, công đoàn và Nhà nước phải cùng nhìn về một hướng. Đó là phát triển bền vững trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người, cùng nhau tiến mạnh vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Trân trọng cảm ơn bà!
![]() Bằng việc xác lập vị thế trung tâm cho kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm ... |
![]() Một công đoàn mạnh, hoạt động thực chất chính là “chứng chỉ” niềm tin, một tấm “hộ chiếu nhân văn” để doanh nghiệp bước vững ... |
![]() Nếu doanh nghiệp là “tế bào” của nền kinh tế, thì người lao động chính là “linh hồn” tạo nên sức sống cho “tế bào” ... |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

Người "thắp lửa" tự động hóa nơi nhà máy
