e magazine
09/04/2025 09:14
Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

09/04/2025 09:14

Ở nơi mùi hóa chất hòa vào tiếng máy móc ầm ầm vận hành mỗi ngày, có một người đàn ông lặng lẽ dành cả tâm huyết của mình để biến điều không thể thành có thể. Đó là anh Nguyễn Thanh Lâm (SN 1976) – cán bộ kỹ thuật phụ trách An toàn lao động, đồng thời là Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần TICO TP. HCM – một người lao động tận tụy, đam mê nghề đến mức luôn “nghĩ về nhà máy” ngay cả sau giờ làm việc…
Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề
Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Công ty TICO là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm hóa mỹ phẩm như bột giặt, kem giặt, xà phòng thơm, nước rửa chén… Trong quá trình vận hành dây chuyền sản xuất, một loại phế phẩm đặc biệt tên là oleum thường xuyên phát sinh – một dạng acid sulphuric có hàm lượng SO₃ cao, nồng độ trung bình lên đến 105%. Đây không phải là loại hóa chất dễ “chung sống”. Việc bảo quản hay vận chuyển oleum luôn phải đặt trong tình trạng kiểm soát nghiêm ngặt vì nguy cơ ăn mòn, gây hại cho người và môi trường rất cao.

“Trước đây, nhà máy phải trung hòa oleum với xút hoặc chuyển giao xử lý như một loại chất thải nguy hại, vừa tốn kém chi phí, vừa kéo theo rủi ro trong vận chuyển”, anh Lâm chia sẻ. Chính nỗi trăn trở từ công việc hằng ngày ấy đã thôi thúc anh tìm lời giải cho bài toán hóc búa tưởng chừng chẳng có lối ra.

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Anh Nguyễn Thanh Lâm (bìa phải) đã có nhiều sáng kiến hữu ích.

Bằng kiến thức chuyên môn và hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành kỹ thuật hóa chất, anh Lâm đã mạnh dạn đề xuất một cải tiến táo bạo nhưng khả thi: “Pha loãng oleum 105% thành acid sulphuric 75%”.

Nghe qua thì đơn giản, nhưng thực hiện được lại là cả một quá trình đánh đổi bằng sự kiên trì và những lần thử nghiệm tỉ mỉ. Anh sử dụng hệ thống bơm kết hợp cấp khí nén, hòa loãng oleum vào nước theo tỉ lệ chính xác trên hệ thống có thiết bị chống ăn mòn. Kết quả là acid sulphuric 75% được tạo ra – một sản phẩm an toàn hơn, ổn định hơn và đặc biệt có thể tái sử dụng ngay trong nhà máy cho các công đoạn xử lý tái chế phế phẩm, nước thải.

“Với cải tiến này, mỗi năm nhà máy có thể tái tạo hàng chục tấn acid sulphuric 75% từ phế phẩm oleum – vốn trước đây phải tiêu tốn chi phí xử lý như rác thải nguy hại. Giờ thì không chỉ tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng, mà còn bảo vệ môi trường tốt hơn”, anh Lâm hào hứng nói.

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Anh Nguyễn Thanh Lâm - cán bộ kỹ thuật phụ trách An toàn lao động, đồng thời là Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần TICO TP. HCM.

Lâu nay, phế phẩm trong ngành sản xuất hóa chất thường bị “gắn mác” là chất thải nguy hại – phải loại bỏ, xử lý bằng chi phí cao và rủi ro môi trường lớn. Nhưng với anh Nguyễn Thanh, mọi thứ đều có thể “sống lại” nếu ta biết cách nhìn nhận và cải tiến. Một lần nữa, anh lại chứng minh được giá trị của lao động sáng tạo qua sáng kiến tái chế phế phẩm LASF – vừa tiết kiệm hàng tỉ đồng, vừa góp phần xây dựng nền sản xuất bền vững.

Tại nhà máy ABS – một đơn vị thành viên của TICO chuyên sản xuất chất hoạt động bề mặt LAS (Linear Alkylbenzene Sulfonic Acid), mỗi tấn sản phẩm làm ra kéo theo khoảng 0,2% lượng phế phẩm LASF – một dạng axit dư thừa thu hồi từ thiết bị xử lý khí thải. Với đặc tính ăn mòn và độ màu cao, LASF từng bị xem là “vấn đề” lớn, bởi muốn xử lý theo quy định về chất thải nguy hại, nhà máy phải chi trả chi phí không hề nhỏ.

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, năm 2024, anh Nguyễn Thanh Lâm (áo trắng, bìa trái) đã vinh dự nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng của LĐLĐ TP. HCM.

“Chúng tôi từng có một đề tài cấp thành phố cho việc tái chế LASF, nhưng sau thời gian áp dụng, thiết bị phản ứng bắt đầu bị ăn mòn nghiêm trọng. Không thể chấp nhận kiểu ‘được cái này, mất cái kia’ mãi được”, anh Lâm nhớ lại. Chính từ thực tiễn ấy, anh bắt đầu mày mò cải tiến quy trình tái chế, quyết tâm biến phế phẩm thành nguyên liệu hữu ích mà vẫn đảm bảo tuổi thọ thiết bị, chất lượng sản phẩm.

Tận dụng chính nguồn acid sulphuric 75% tái chế từ oleum – một sáng kiến trước đó của anh – anh Lâm đề xuất quy trình hydrat hóa LASF bằng H₂SO₄ 75% nhằm “hạ nhiệt” tính acid, giảm màu và ổn định đặc tính hóa học của phế phẩm này. Sau khi hydrat hóa, LASF được lọc kỹ và hòa trộn trở lại vào quy trình sản xuất chính với tỉ lệ nhỏ hơn 0,2% – đủ để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm đầu ra.

Quy trình này không chỉ giải bài toán kỹ thuật, mà còn mở ra cơ hội kinh tế rất lớn cho nhà máy. “Chúng tôi đã tái chế được gần 28 tấn phế phẩm LASF trong năm 2023, tương ứng với 28 tấn sản phẩm mới được tạo ra, đồng thời tránh được chi phí xử lý rác thải nguy hại. Tính ra, tiết kiệm được cả tỉ đồng mỗi năm là chuyện không ngoa”, anh chia sẻ với ánh mắt không giấu được sự tự hào.

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Không chỉ là giải pháp kỹ thuật đơn thuần, sáng kiến của anh Nguyễn Thanh Lâm còn cho thấy một tư duy sản xuất hiện đại – hướng đến tuần hoàn, tối ưu và bền vững. Trong ngành công nghiệp hóa chất, nơi mọi sai sót đều có thể kéo theo rủi ro lớn, việc tận dụng hiệu quả từng giọt nguyên liệu, từng tấn phế phẩm là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần làm chủ, sáng tạo và trách nhiệm.

Là Chủ tịch Công đoàn, anh Lâm còn truyền cảm hứng cải tiến đến anh em công nhân, khuyến khích họ chủ động phát hiện các bất cập trong dây chuyền để cùng tìm giải pháp. “Một cải tiến nhỏ cũng có thể cứu cả hệ thống khỏi lãng phí hoặc sự cố. Quan trọng là phải biết nhìn ra giá trị từ những điều tưởng chừng vô dụng”, anh cười hiền.

Từ năm 2019 đến 2023, anh Lâm đã có ít nhất 5 sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỉ đồng. Không chỉ có giá trị kinh tế, cải tiến của anh còn có giá trị nhân văn sâu sắc: bảo vệ an toàn cho người lao động, giảm thiểu rủi ro về môi trường – những yếu tố quan trọng nhưng thường bị xem nhẹ trong sản xuất công nghiệp.

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Anh Nguyễn Thanh Lâm đã vinh dự đón nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng của LĐLĐ TP. HCM.

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Ngoài công việc chuyên môn, anh Nguyễn Thanh Lâm còn là Chủ tịch Công đoàn của công ty. Trong vai trò này, anh luôn chủ động gần gũi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của anh em công nhân, từ đó kết nối các sáng kiến, cải tiến từ thực tế lao động hằng ngày thành những đề xuất có giá trị với lãnh đạo nhà máy.

Đồng nghiệp gọi anh là “người cán bộ có trái tim công đoàn”. Không chỉ vì anh giỏi chuyên môn, mà còn bởi anh luôn lấy an toàn và phúc lợi của người lao động làm kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, hành động của mình.

Ngoài việc chăm lo cho người lao động, CĐCS dưới sự dẫn dắt của anh Lâm còn thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao; đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ kinh phí khi người lao động đi tham quan, du lịch.

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

CĐCS dưới sự dẫn dắt của anh Lâm đã luôn chăm lo tốt đời sống cho người lao động.

Đặc biệt, xuất phát từ chính những cuộc trò chuyện bên ly cà phê sáng, trong giờ nghỉ giải lao hay sau những buổi sinh hoạt Công đoàn, anh Lâm nhận ra rằng điều người lao động cần không chỉ là mức lương đủ sống, mà còn là sự an tâm, gắn bó dài lâu.

Chính vì thế, anh đã mạnh dạn đề xuất nhiều mô hình hỗ trợ thiết thực – trong đó có chính sách cho vay không lãi suất 30 triệu đồng để công nhân xây nhà, mua đất hay vượt qua khó khăn đột xuất. “Không ai muốn xin tiền, họ chỉ cần một cú đỡ nhẹ để không ngã xuống khi đời chông chênh,” anh Lâm từng chia sẻ.

Không ít lần, anh Lâm lặn lội đi tìm hiểu giá đất vùng ven, kết nối với các đối tác uy tín để giới thiệu cho người lao động những nơi có thể “an cư lạc nghiệp”. Có những trường hợp đặc biệt khó khăn, anh không ngại đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ thêm hoặc vận động mạnh thường quân đồng hành. “Chăm lo cho họ cũng là giữ chân người giỏi, giữ lấy cái tâm gắn bó với công ty,” anh Lâm nói, với cái nhìn xa và đầy trách nhiệm.

Hơn cả vai trò một cán bộ Công đoàn, anh Lâm đang góp phần xây dựng một môi trường làm việc nhân văn, nơi người lao động được tôn trọng, sẻ chia và phát triển. Với anh, Công đoàn không chỉ là tổ chức, mà là mái nhà thứ hai – nơi từng ánh mắt, nụ cười của công nhân đều đáng được nâng niu.

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

TRẦN LƯU

Ảnh: T.L - N.V.C.C

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

TRẦN LƯU

Xem phiên bản di động