![]() |
Cổng Khu chế xuất Linh Trung 1 vào giờ tan tầm - Ảnh: N. Nga |
Nút giao tử thần tại các khu công nghiệp, khu chế xuất
Với những công nhân làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1, TP. HCM, đoạn đường dưới chân cầu vượt Linh Xuân giao cắt với Quốc lộ 1, đường 1K lên Bình Dương, đi An Sương và về trung tâm thành phố được coi là "ngã tư tử thần".
Dưới chân cầu vượt Linh Xuân có khá nhiều ngã rẽ nên công nhân khó có thể tránh kịp khi đèn giao thông bị tắt. Theo ghi nhận của PV Cuộc sống an toàn, nếu có cảnh sát giao thông đứng điều tiết thì mọi người đi trật tự và theo quy định. Nhưng nếu như đèn tín hiệu giao thông tắt hoặc không có cảnh sát điều khiển, giao thông tại đây giống như một "ma trận". Đây là điều rất đáng lo ngại với những ai tham gia giao thông trên cung đường này, đặc biệt là công nhân đi làm hàng ngày.
“Tôi làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1 đến nay được 4 năm, chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm tại chân cầu vượt Linh Xuân lắm rồi. Tại đây được công nhân chúng tôi gọi là 'điểm đen' tai nạn vì người ta đi lại hỗn loạn dù có đường đi rõ ràng đúng tuyến nhưng vẫn có người rẽ ngang, rẽ dọc, đi ngược chiều…, và hậu quả là tai nạn xảy ra. Mấy anh cảnh sát cũng thường xuyên đứng chốt lại địa điểm này, nếu có họ phân luồng đèn xanh đỏ thì rất ổn định. Nhưng vắng họ là y như rằng ong vỡ tổ. Chủ yếu là thời gian cao điểm lúc 5 giờ chiều và 6h30 phút sáng khi công nhân đi làm, giao thông “khủng khiếp” nhất. Tôi mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp để làm giảm sự nguy hiểm tại điểm ngã tư chân cầu Linh Xuân, nếu không thì đáng lo lắm” – anh Ngọc Lâm chia sẻ về con đường đi làm hàng ngày của mình.
Những người sinh sống tại đây ai cũng nhớ đến vụ tai nạn thương tâm xảy ra thời gian trước đây. Nam tài xế khoảng 40 tuổi điều khiển xe tải lưu thông trên Quốc lộ 1K, hướng Bình Dương về TP. HCM, khi đến ngã tư cầu vượt Linh Xuân, xe rẽ phải ra Quốc lộ 1 hướng về cầu vượt Sóng Thần thì xảy ra va chạm với một người phụ nữ chạy xe máy cùng chiều. Hậu quả là người phụ nữ này bị cuốn vào gầm xe tử vong tại chỗ, xe máy hư hỏng nặng. Được biết người phụ nữ này đi khám bệnh tại TP. HCM.
Chưa hết, mới đây nhất, ngày 18/6, một vụ tai nạn giữa xe máy và xe tải trong đường nội bộ Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Bình Tân, TP.HCM) khiến 1 người tử vong. Cụ thể, xe tải biển số 68C - 097.39 do tài xế Trần Hoàng Thanh (30 tuổi, quê Kiên Giang) điều khiển, lưu thông trên đường số 2 Khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Hướng từ đường Hương lộ 80 về đường số 7 khi đến giao lộ với đường 2D, tài xế cho xe rẽ phải vào đường này thì xảy ra va chạm với xe máy biển số 71B4 - 277.35 do anh T.Q.B (21 tuổi, quê Bến Tre) cầm lái, lưu thông cùng chiều. Hậu quả, anh T.Q.B bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.
![]() |
Người lao động dừng xe giữa đường mua thực phẩm gần Khu công nghiệp Tân Bình. Ảnh N. Nga |
Đẩy mạnh tuyên truyền giao thông cho người lao động trong khu công nghiệp
Trước tình trạng các vụ tai nạn giao thông diễn ra ngày càng căng thẳng tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP HCM nói riêng, cả nước nói chung, nhiều công đoàn cơ sở đã vào cuộc tuyên truyền ý thức tham gia giao thông cho người lao động. Cụ thể bằng nhiều hình thức khác nhau, các cấp công đoàn đặc biệt là công đoàn cơ sở đã đẩy mạnh nội dung tuyên truyền bằng tờ rơi, phát thanh… Với những việc làm này góp phần nâng cao ý thức của người lao động trong việc tham gia giao thông và làm hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 1, quận Thủ Đức chia sẻ: “Tôi trọ trên đường 1k gần công ty để đi làm cho tiện. Nhưng cũng khá nguy hiểm về giao thông, nhất là giờ tan tầm, công nhân đông, chật kín cả khu chế xuất và đoạn đường giao với Quốc lộ 1. Tôi đã làm việc tại đây hơn 10 năm, chứng kiến nhiều vụ tai nạn khủng khiếp. Cho nên, tôi luôn chọn đường tắt, đường hẻm để đi về nhà cho an toàn”.
Đồng chí Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, quận 9, TP HCM) chia sẻ rằng, Công đoàn công ty trong nhiều năm đã tổ chức tuyên truyền cho người lao động hiểu, biết và chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông. Không những thế, người lao động trong công ty còn hiểu được giá trị của sự sống, an toàn của tính mạng.
“Ngoài việc tuyên truyền luật An toàn giao thông, từ năm 2012, công đoàn chúng tôi còn tổ chức hỗ trợ cho anh chị em công nhân thi bằng lái xe. Cụ thể, đối với công nhân chưa có giấy phép lái xe, Công đoàn là nơi nhận hồ sơ thi, hướng dẫn cách học lý thuyết. Cùng với đó là liên hệ nơi cho công nhân đến thi và tham gia bố trí lịch thi vào các chủ nhật để tiện cho người lao động”, ông Hồng cho biết.
Trước đó, trong buổi thảo luận về đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2020-2025”, Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN nhấn mạnh, hiện nay vẫn còn một số công nhân lao động điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ; đi không đúng phần đường, chạy ngược chiều, thiếu chú ý quan sát, vượt xe không đúng quy định… Người đi bộ không quan sát, không tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn giao thông … Do đó việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là một trong những hoạt động quan trọng của tổ chức Công đoàn.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
