|
Cụ thể, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một hộp cơm trắng cùng một con chuột đã chế biến với dòng chú thích: “xót xa trước hộp cơm của các em học sinh vùng cao tại Nam Giang, Quảng Nam. Không phải một bữa cơm đầy đủ thịt cá, không phải hộp cơm đẹp đẽ được mẹ chuẩn bị cẩn thận mỗi buổi sớm trước khi đến lớp. Dưới đây là hình ảnh hộp cơm của một em học sinh vùng cao tại Nam Giang….”
Ngay lập tức, nửa vạn tương tác xót xa, hàng ngàn bình luận thương cảm cùng hàng trăm lượt chia sẻ. Cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định, hình ảnh là thật, không chỉnh sửa nhưng thông tin trên là tin giả.
Theo đó, lãnh đạo huyện Nam Giang chia sẻ, hình ảnh được xác định chụp cách đây gần 3 năm (tháng 12/2019). Thời điểm này, Trường Mầm non Thạnh Mỹ tổ chức chương trình “Ngày Tết quê em”. Chương trình có hoạt động lễ hội ẩm thực truyền thống.
Trong đó, các cô giáo đã vận động phụ huynh mang theo các thực phẩm truyền thống của địa phương tới trường chế biến, trưng bày tại hội thi. Một phụ huynh đã chế biến món thịt chuột rẫy là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại đây. Cô giáo thấy ấn tượng đã chụp tấm hình làm kỷ niệm và sau đó có đăng lên mạng xã hội.
Vấn đề là, một ai đó hoặc một nhóm người nào đó đã lợi dụng tấm hình này, tải xuống và đăng lại với những dòng chú thích khác hẳn với nội dung, bối cảnh của suất ăn. Điều này đã khiến nhà trường và địa phương chịu nhiều lời lẽ không hay từ cộng đồng mạng.
Đó là con đường đi điển hình của tin giả. Trước đây, khi đi nói chuyện về tin giả, tôi có chia sẻ rằng, ngoài những kỹ thuật kiểm chứng, tin giả có một đặc tính là luôn hướng tới cái chúng ta muốn tin và kịch tính hóa nó. Hãy cân nhắc trước khi chia sẻ bất cứ câu chuyện nào vẹn tròn quá, xúc động quá hay lố bịch thái quá…
Bởi, những kẻ sản xuất tin giả luôn “đói like” nhưng thừa hiểu tâm lý người dùng thích những câu chuyện mang tính tuyệt đối. Và, chúng sẽ “tiểu thuyết hóa” những câu chuyện để trở nên như vậy. Độc giả sẽ đọc được thứ mà họ muốn đọc, để like, để chia sẻ, chứ không phải là thứ mà hiện thực xảy ra.
Giả dụ như câu chuyện trên, những đứa trẻ khổ sở phải là những đứa trẻ không có thịt cá bình thường, “phải ăn thịt chuột” (ở đây, thịt chuột được nhiều người mặc định là món ăn cơ hàn). Và việc tuyệt đối hóa câu chuyện đã thành công với những tương tác "khủng".
Trong khi, vẫn hình ảnh ấy, nếu những kẻ sản xuất tin giả chia sẻ câu chuyện thật, rằng đó là một thức đặc sản, là sự nỗ lực của nhà trường trong việc khơi gợi những hiểu biết về các nhóm người khác nhau trên địa bàn, thì gần như chắc chắn, câu chuyện không được lan tỏa.
Bởi người dùng muốn tin là học sinh vùng cao đói nghèo. Họ không thấy niềm hạnh phúc của những đứa trẻ vùng cao no nắng, no gió với sân chơi là bạt ngàn ruộng nương. Họ cũng không tin các em có những ngày hội văn hóa, nơi mà bản sắc địa phương của từng tộc người được tôn vinh.
Họ càng không tin, các em được ăn thịt chuột rẫy, thức đặc sản mà người thị thành không phải muốn là được. Và chắc chắn, họ không tin là trẻ thành phố (con em họ) đang phải chịu cái khổ của chật hẹp không gian hay thiếu thốn tinh thần.
Đó là những thành kiến điển hình của người dân đô thị. Và đó cũng là con đường tin giả đi thẳng vào nhận thức, cố kết những định kiến và phát tác ra những hành động like, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội.
Nên, trong câu chuyện này, những kẻ “đói like” là đáng trách và cần xử lý. Song, sâu thẳm là thành kiến đô thị cần được cởi bỏ. Nhiều người trong chúng ta cần cởi mở hơn trong tư duy về khác biệt văn hóa.
Câu chuyện cũng là bài học sinh động về việc “tin giả” luôn phản ánh những ẩn ức thật của con người. Những ẩn ức dù chúng ta có thể cố xua đi bằng những lời nói kêu như chuông nhưng vẫn không thể ngừng khóc than sự thiếu thốn của một bữa cơm đặc sản.
Nếu bạn đồng tình với góc nhìn trong bài viết thì có thể mời tác giả Mỹ Anh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. "Buy me a coffee"
Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Mỹ Anh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Mỹ Anh".
|
![]() |
![]() |
Kinh tế - Chính sách
Cổ phiếu VFS sau ngày đầu hứng khởi

Giữ quận Hoàn Kiếm và tinh thần của Hà Nội

Không thừa thế xông lên để “gậy ông đập lưng ông”

Ba con số thiếu chủ ngữ

Khi công nhân “bàn luận” với Chủ tịch Quốc hội
Văn hóa - Xã hội

Mong ước đầu năm học

Tính cách của Nguyễn Thanh Long và số phận của ông Nguyễn Trường Sơn 1

Nghĩ về một ngày lễ lớn của lực lượng Công an Nhân dân

Oppenheimer và cách kể một câu chuyện lịch sử

300 ngàn thí sinh và lựa chọn không vào đại học
Môi trường - Sức khỏe

Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Vụ bắt cóc 20 giây

Tang thương Phố Núi

Bằng chứng F

Vụ sạt lở do… “nhân tai”
Tin mới

Sự lặp lại thú vị của lịch sử

“Giang hồ mạng” đi quảng bá thương hiệu

Lùm xùm ViruSs và dopamine hóng hớt
Tin tức khác

Đã đến lúc phải nhìn lại AI

Đằng sau trào lưu “búp bê hóa” con người

Viên “kẹo rau” đắng ngắt!

Động đất thì phải làm gì?

Tờ vé số 2 tỷ không “nguyên hình, nguyên khổ”
