![]() |
Anh Tài đang đun nước tắm cho con gái tại sân xóm trọ - Ảnh: M.K |
Người vừa tan ca, người lại vừa trở về từ điểm phát gạo miễn phí. Họ tập trung cả ngoài sân, nói đủ thứ chuyện. Bà Hợp (52 tuổi), người lớn tuổi nhất xóm trọ cười nói: “Lúc này mới có người. Trưa có mỗi hai bà cháu, cứ lượn ra cổng rồi lại lượn vào. Mấy người đi làm ca đêm về đóng cửa ngủ hết. Vợ chồng nhà này thì vừa mới đi ca về xong”.
Bà đang nhắc đến gia đình con trai, anh Nguyễn Văn Tài (31 tuổi), công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, người đang hì hụi nhóm cái bếp củi ngay dưới gốc hồng xiêm trước cửa phòng trọ. Khi nãy tan ca, vợ chồng anh ghé qua chợ mua ít sả, kinh giới, tía tô… về đun nước tắm cho đứa con 8 tháng tuổi.
![]() |
![]() |
Xóm trọ gồm 14 phòng, chia thành 2 dãy, ở giữa là khoảng sân rộng. Giá thuê mỗi phòng 600 nghìn đồng/tháng - Ảnh: M.K |
Vợ chồng anh Tài đã sống ở đây được 3 năm, từ sau khi kết hôn. Hai đứa con cũng lần lượt ra đời và lớn lên trong xóm trọ này. Từ ngày có con, anh thuê thêm 1 phòng nữa. Ông bà nội từ Thanh Ba, Phú Thọ thay phiên nhau xuống trông nom các cháu.
Cách đây hơn 1 tháng, khi dịch Covid-19 đang bùng phát, vợ chồng anh quyết định gửi đứa lớn về quê ngoại. Đứa nhỏ chưa cai sữa buộc phải ở lại.
![]() |
Bé Nhi, 8 tháng tuổi, con gái thứ hai của anh Tài - Ảnh: M.K |
Trong thời gian cách ly xã hội, công ty cho họ tạm nghỉ việc. Bà Hợp cũng sốt ruột muốn cả nhà về quê nhưng anh bảo hãy cứ ở dưới này, theo lệnh của Chính phủ, ai ở đâu thì ở yên đó. Thành thử 3 người lớn trông 1 đứa trẻ con, cả ngày loanh quanh ra ra vào vào trong cái phòng trọ vỏn vẹn khoảng 10m2.
Anh chia sẻ: “Thu nhập giảm. Không đi làm thì lại phải tiêu vào cái số tiền mình định để dành lo cho con ăn học. Phải lấy tiền đó để ăn đã. Rồi tính tiếp. Sau khi đi làm lại thì tiếp tục để dành, lo cho con đi học. Nhưng nghỉ những ngày ấy thì công ty cũng hỗ trợ 70% lương. Cũng vẫn ổn”.
Bây giờ thì mọi chuyện đã ổn hơn. Lệnh cách ly xã hội được nới lỏng. Các công ty bắt đầu cho công nhân đi làm trở lại. Ai nấy đều phấn khởi, vui mừng.
![]() |
Bà Hợp cười vui vẻ tại phòng trọ của mình - Ảnh: M.K |
Ở cuối dãy trọ là căn phòng của gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (32 tuổi), công nhân Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam. Vợ chồng chị làm cùng công ty, có 2 con trai, đứa lớn 7 tuổi đang ở sống cùng ông bà nội ở Bắc Giang; còn đứa nhỏ 3 tuổi cũng được cho về quê tránh dịch Covid-19 cả tháng nay.
Chị đang tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần ngồi đan mũ, túi xách và ví cầm tay bằng sợi. Những sản phẩm rất đẹp và độc đáo ấy được chị đăng bán trên facebook, khá nhiều người đặt mua. Giá từ 100 - 500 nghìn/sản phẩm.
![]() |
Chị Nhung đang ngồi đan túi xách tại phòng trọ - Ảnh: M.K |
![]() |
Tay đan thoăn thoắt - Ảnh: M.K |
Khoe với chúng tôi những chiếc mũ, ví… với đủ kiểu dáng, màu sắc mà chị hoàn thành trong những ngày cách ly xã hội, chị Nhung chia sẻ: “Có việc này nên cũng vui hơn trong những ngày nghỉ. Nó cũng là cái đam mê, lại có thêm chút thu nhập. Những chiếc túi này có khách đặt rồi nhưng vì đang dịch nên tôi chưa đi gửi. Đi làm rồi thì cũng chỉ tranh thủ được thôi, có khi vài ngày mới làm được 1 cái”.
![]() |
Sản phẩm được tạo ra trong những ngày cách ly xã hội - Ảnh: M.K |
“Covid-19 cũng làm đảo lộn nhiều. Thu nhập cũng giảm. Công ty cho nghỉ từ 1/4 đến 15/4, hỗ trợ hưởng 70% lương. Sau đó thì có dịch ở Hạ Lôi, trong công ty có vài người ở đó, thành ra công nhân chúng tôi lại nghỉ thêm 1 tuần nữa. Nhưng tôi mới đi làm lại được 3 hôm nay rồi. Hy vọng dịch bệnh sớm chấm dứt để tất cả mọi người yên tâm làm việc”, chị Nhung chia sẻ.
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
