![]() |
Các thành viên trong Hội Phụ nữ thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) kiểm tra thân nhiệt từng người ra vào thôn để phòng chống Covid-19 - Ảnh: M.K |
Đã gần 7h tối nhưng lượng người đi qua chốt kiểm soát y tế đầu đường Văn Học để vào thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội vẫn cứ đông kìn kịt. Ba người phụ nữ trong trang phục bảo hộ kín từ đỉnh đầu xuống dưới chân, mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc bết bát. Tấm kính ngăn giọt bắn che kín mặt mỗi người, bị phủ trắng bởi một lớp hơi nước lấm tấm mờ khiến chúng tôi chẳng thể nhìn rõ mặt. Lúc này, họ vẫn luôn chân luôn tay, hai người đo thân nhiệt, một người ghi chép vào cuốn sổ, cơm nước chưa ăn.
Anh Đinh Văn Công (Nam Định), công nhân KCN Bắc Thăng Long vừa trở về từ công ty, như thường lệ đi qua chốt kiểm soát anh tiếp tục được đo thân nhiệt. Nhiệt độ ở mức bình thường (35,8 độ), anh được cho qua. Chia sẻ với PV Cuộc sống an toàn, anh Công nói: “Phải nói rằng lúc đầu chúng tôi cũng cảm thấy phiền toái vì phải đứng lại kiểm tra thân nhiệt. Hết kiểm tra ở công ty rồi về đây cũng lại kiểm tra. Nhưng chúng tôi hiểu rằng đó là điều cần thiết, phải làm theo quy định của nhà nước để đảm bảo an toàn, chứ không thì dịch bệnh lây lan rất nguy hiểm. Tôi thấy các anh các chị ở đây làm việc rất nghiêm túc, tỉ mỉ, đương nhiên là rất vất vả vì phải đứng suốt. Chỉ mong sao dịch bệnh qua nhanh để ổn định lại cuộc sống”.
Ước tính, có tới hàng nghìn công nhân thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đang sinh sống rải rác tại các xóm trọ ở thôn Bầu. Và đây là chốt kiểm soát y tế có mật độ người qua lại lớn nhất trong tất cả các chốt kiểm soát ra vào quanh thôn, đặc biệt vào mỗi buổi sáng sớm và buổi chiều tối, thời điểm công nhân đi làm và tan ca.
Bà Lê Thị Thu, Hội Phụ nữ đội 5, thôn Bầu nói: “Trực thời điểm chiều tối rất vất vả. Người đi về đông, ai cũng muốn nhanh nhanh chóng chóng để về cơm nước, nhưng chúng tôi vẫn phải kiểm tra thân nhiệt cho từng người, rồi ghi lại số lượng người theo đúng quy định".
![]() |
Thời điểm chiều tối có rất đông người đi qua chốt kiểm soát y tế - Ảnh: M.K |
Từ ngày 1/4, khi Chính phủ và UBND TP Hà Nội triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, trong đó quy định về việc giãn cách xã hội, các chốt kiểm soát y tế ở thôn Bầu cũng được thiết lập dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Gọi là chốt kiểm soát, nhưng nhìn bề ngoài lại khá đơn sơ. Cơ sở của “lều dã chiến” được tiếp quản lại từ quán trà đá ven đường, cũng có miếng bạt che tạm bợ dưới tán cây trứng cá, một chiếc chõng tre để thay nhau nghỉ ngơi vào ban đêm. Vài cây tre chặt vội trong làng, sơn khúc trắng khúc đỏ, thế là thành barie. Chiếc bàn nhựa đặt nơi góc đường, bên trên có chai nước rửa tay khô, cái bút bi và cuốn sổ nhật ký giám sát công dân đi, đến thôn Bầu.
Cái chính vẫn là tinh thần của người trực chốt: “Mọi người đều động viên nhau nêu cao tinh thần trách nhiệm, bởi chúng tôi ý thức được rằng phải có người ra ngoài chốt này để đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho cả xóm làng. Hầu hết mọi người trong Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và đoàn viên thanh niên trong thôn tình nguyện tham gia”, bà Lê Thị Lĩnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo xã, thôn rất quan tâm đến anh chị em trong chốt trực. Các thành viên được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế: Găng tay, nước rửa tay, khẩu trang, kính chống giọt bắn, bộ quần áo bảo hộ... Ngoài ra, những người trực chốt đêm còn được bồi dưỡng sữa, mì tôm…
Việc phân công trực rất hợp lý, 3 người/ca. Ca 1 từ 6h sáng đến 12h trưa; ca 2 từ 12h trưa đến 19h tối; ca 3 từ 19h tối đến 23h đêm; ca 4 từ 23h đêm đến 6h sáng. Ban ngày thì có phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân; còn ban đêm thì “nhường” cho các đoàn viên thanh niên trẻ khoẻ. Nhiều công nhân ban ngày đi làm, đêm vẫn cố gắng ra trực chốt.
![]() |
Tất cả mọi người đều được kiểm tra thân nhiệt - Ảnh: M.K |
Người từ địa phương khác vào làng sẽ được ghi thông tin nhiệt độ cơ thể, số điện thoại và địa chỉ. Trường hợp nào có nhiệt độ cơ thể cao hơn mức bình thường cũng được ghi cặn kẽ để báo cáo.
Với đặc thù là địa bàn có nhiều công nhân từ các địa phương khác đến thuê trọ, nên việc kiểm soát y tế tại đây càng phải thắt chặt, không được phép lơ là, chủ quan. Song, nhìn chung người dân và các công nhân đều có ý thức tốt trong việc chấp hành kiểm tra thân nhiệt, khai báo tình trạng sức khoẻ nếu có bất thường.
Quan sát hoạt động của nhóm phụ nữ tại chốt kiểm soát y tế thôn Bầu, chúng tôi nhận thấy thái độ làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ và trên hết là tinh thần trách nhiệm lớn lao với cộng đồng.
Bà Lê Thị Lĩnh cho biết, từ ngày tham gia trực chốt, việc cơm nước giao phó lại cho chồng con: “Đúng là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Nhưng chúng tôi tự hào khi tham gia vào công việc ý nghĩa, góp phần sức lực đồng hành cùng Chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi làm trên tinh thần rất vui vẻ, không có cái gì khó khăn, phàn nàn cả. Mọi người trong gia đình cũng hết sức ủng hộ”.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
