Gọi như thế vì họ bị bao trùm một nỗi ám ảnh: ám ảnh về những dòng nước bất ngờ mênh mông hung dữ càn quét bất cứ thứ gì. Và gọi như thế cũng là vì họ biết rằng, dòng nước hiền hòa bao đời nay không tự nhiên kéo đất sạt lở, nhấn chìm nhà cửa, hoa màu.
Hôm trước, đập dẫn nước Thủy điện Ia Glae 2 đang thi công trên địa bàn xã Ia Gla (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) bị vỡ. Những cảnh tượng tan hoang, những giọt nước mắt lăn dài của nông dân làm rẫy trắng tay sau một đêm đặt thêm câu hỏi an toàn về quá trình thi công thủy điện vừa và nhỏ bên cạnh câu hỏi thủy điện xả lũ bấy lâu nay.
Chưa biết lợi ích của Thủy điện Ia Glae 2 đóng góp như thế nào nhưng những con số thiệt hại thì đã rõ mồn một. Những mảng đồi xanh bị chặt phá, hệ sinh thái của dòng chảy bị thay đổi, đường tới công trình gây nguy cơ sạt lở, chất thải, khí thải, an sinh xã hội,… như đã được dự đoán và nay thì mấy chục héc-ta hoa màu - là sinh kế của bà con ở Chư Prông bất ngờ bị cuốn theo sau một đêm. Nặng nề hơn là cư dân hạ nguồn nơi đó thường trực một nỗi lo sợ. Vì chưa có gì bảo đảm rằng sẽ không có những sự cố tương tự trong tương lai.
Tôi không cho rằng, nói sự việc xảy ra là do rủi ro lũ quét đổ về mạnh, đã gây thiệt hại cho cả chủ đầu tư và người dân như cách trả lời báo chí của ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Khải Hoàng là thấu tình đạt lý. Vì, như thế nghĩa là, lũ là tại … ông trời! Mà đã là tại ông trời thì đó là chuyện phải chấp nhận như một lẽ thường tình.
Tôi không cho rằng, nguyên nhân của sự cố đến như cách viện dẫn của một vị lãnh đạo trả lời được báo chí phỏng vấn: hai đập ngăn nước phục vụ tưới tiêu của bà con ở trên dòng chảy này vỡ tạo áp lực dòng chảy lớn và đột ngột làm cho đập dẫn nước Thủy điện Ia Glae 2 vỡ. Bởi vì, khi phê duyệt chủ trương đầu tư và trong quá trình thi công, điều đó phải được các bên liên quan tính toán trước.
Cách đây 10 năm, sau một sự cố vỡ đập thủy điện cũng ở Gia Lai, lúc đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Không phải vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý hết trách nhiệm”; là bởi vì không có một ranh giới nào bảo đảm việc vỡ đập gây chết người và vỡ đập không gây chết người. Và cần nhớ rằng, cả nước có khoảng 800 dự án thủy điện nhỏ và vừa đã, đang và sẽ được đầu tư trên cả nước theo quy hoạch; chỉ cần 1/10 trong số đó “rủi ro tại ông trời” thì những thiệt hại về môi trường và an sinh sẽ không thể đong đếm được.
Khi có sự cố vỡ đập thủy điện, tôi thường theo dõi các cuộc thị sát của các cấp, ngành. Hai vấn đề chính thường được nhắc đến là khắc phục hậu quả (thống kê đền bù thiệt hại) và truy tìm nguyên nhân (thường được cho là do lũ quét đổ về). Nhưng có điều, không thấy nhắc đến bản đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tôi tự hỏi, như trường hợp của Ia Glae 2, việc phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường ở giai đoạn thi công xây dựng thì trách nhiệm theo dõi những cảnh báo khí tượng thủy văn về dự báo lũ quét, lũ ống kịp thời thuộc về ai? Những biện pháp thông thường như dẫn dòng, xả lũ thi công trong mùa lũ đã được tính toán khi phê duyệt dự án hay chưa?
Trả lời được những câu hỏi này chính là chúng ta đang đi tìm nguyên nhân thực chất của sự cố. Vì, truy tìm nguyên nhân là để quy trách nhiệm và xử lý vi phạm. Và vì, thuỷ điện là năng lượng sạch, là năng lượng tái tạo, không thể bỏ thủy điện, chỉ có người làm sai chứ thủy điện không sai. Khi không tính toán thiết kế được các công trình làm sao cho hài hòa với tự nhiên để vừa có nguồn điện năng vừa không làm biến đổi tự nhiên thì những sự cố vỡ đập sẽ không còn hi hữu.
Khi mục đích kinh tế lấn át những tác động đến môi trường và an sinh thì địa phương sẽ dễ dàng trong phê duyệt dự án. Điều đó sẽ khoét sâu những bất bình đẳng giữa hưởng lợi ích kinh tế của chủ đầu tư thủy điện và thiệt hại của người dân hạ lưu.
Thiếu những đánh giá tác động một cách bài bản, nghiêm túc khi cấp phép, để xảy ra sự cố rồi mới khắc phục hậu quả hay giật mình rà soát là đi ngược lại với tư duy phát triển bền vững. Rơi vào tình huống đó, khi sự cố xảy ra, chúng ta hoàn toàn có thể nhận định dạng như: "Sự việc xảy ra là do rủi ro lũ quét đổ về mạnh". Câu nói này, có thể lưu lại để dùng như một phản ứng tức thời khi sự cố vỡ đập xảy ra. Nhưng tuyệt nhiên đó không phải là nguyên nhân.
QUỐC THẮNG
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả Quốc Thắng một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. "Buy me a coffee"
Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả Quốc Thắng bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả Quốc Thắng". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |
Kinh tế - Chính sách
Cổ phiếu VFS sau ngày đầu hứng khởi

Giữ quận Hoàn Kiếm và tinh thần của Hà Nội

Không thừa thế xông lên để “gậy ông đập lưng ông”

Ba con số thiếu chủ ngữ

Khi công nhân “bàn luận” với Chủ tịch Quốc hội
Văn hóa - Xã hội

Mong ước đầu năm học

Tính cách của Nguyễn Thanh Long và số phận của ông Nguyễn Trường Sơn 1

Nghĩ về một ngày lễ lớn của lực lượng Công an Nhân dân

Oppenheimer và cách kể một câu chuyện lịch sử

300 ngàn thí sinh và lựa chọn không vào đại học
Môi trường - Sức khỏe

Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Vụ bắt cóc 20 giây

Tang thương Phố Núi

Bằng chứng F

Vụ sạt lở do… “nhân tai”
Tin mới

Đã đến lúc phải nhìn lại AI

Đằng sau trào lưu “búp bê hóa” con người

Viên “kẹo rau” đắng ngắt!
Tin tức khác

Sự lặp lại thú vị của lịch sử

“Giang hồ mạng” đi quảng bá thương hiệu

Lùm xùm ViruSs và dopamine hóng hớt

Động đất thì phải làm gì?

Tờ vé số 2 tỷ không “nguyên hình, nguyên khổ”
