Người lao động

"Nghẹt thở" tìm kiếm thợ mỏ bị vùi lấp tại Công ty Than Vàng Danh

MINH KHÔI
Tác giả: MINH KHÔI
Nghe tin đồng nghiệp gặp nạn, Hồng Văn Día (SN 1997) vội thay quần áo, lên xe phi thẳng tới mỏ Vàng Danh (TP Uông Bí, Quảng Ninh) để hỗ trợ cứu nạn.

“Sợ mình làm mạnh, đụng phải anh ấy”

Lúc đó vào khoảng 8 giờ tối ngày 26/8, Día đang tranh thủ chơi với hai đứa nhỏ trước phòng trọ. Đồng nghiệp gọi điện cho Día nói rằng phân xưởng xảy ra chuyện, than vùi 4 người. Không cần biết đó là những ai, bị vùi ở lò nào, Día thay đồ bảo hộ nhanh chóng lao đến công ty.

Tại đây, Día được nghe thông tin địa điểm xảy ra tai nạn là điểm khai thác khu vực lò thượng +50/+80 vỉa 5, khu Cánh gà. Trong lúc này, song loan (xe tời chở công nhân) đang đưa một nhóm người xuống hiện trường. Sốt ruột, Día cùng một đồng nghiệp mang theo búa chim, 2 bi đông nước đi thẳng xuống hầm theo hướng khác. Đèn pin trên đầu, họ vừa đi vừa chạy, mất khoảng 15 phút thì tiếp cận được hiện trường.

Nghẹt thở tìm kiếm thợ mỏ bị vùi lấp tại Công ty Than Vàng Danh

Hồng Văn Día (SN 1997), người tham gia tìm kiếm đồng nghiệp sau vụ tai nạn lao động tại Công ty Than Vàng Danh - Ảnh: Minh Khôi

Chàng trai người Mông nói rằng mọi thứ tại đây thật khó tả. Trong ánh đèn pin lấp loáng, anh thấy than đá lấp kín cửa, bùn, nước trộn nhão những bụi than... Có nhiều người đang đào bới dưới sự hướng dẫn của chỉ huy, vừa khẩn trương, vừa thận trọng để giữ an toàn.

“Thi thể anh Đại, anh Thảo, anh Dũng được đưa ra rồi. Còn mỗi anh Nam chưa tìm thấy”, Día cho biết tình hình lúc đó.

Día bảo khi lao vào hầm, tâm trạng đã rất lo lắng bởi đó đều là những người anh em của mình. “Khi biết còn lại anh Nam, em càng thấy lo lắng, cuống quýt hơn, muốn đưa anh ấy ra sớm, chỉ mong anh ấy còn hơi thở...”.

Día chơi với anh Nam từ lúc rời quê ra đây làm mỏ. Trong ký ức của chàng trai quê Đồng Hỷ, Thái Nguyên, anh Nam là tổ trưởng sống chân thành, tạo được sự đoàn kết trong anh em. “Vợ chồng em lúc mới ra, tay trắng chẳng có gì, anh ấy hỗ trợ, cho vay mượn tiền thuê trọ, thiếu gì lại giúp”, Día bộc bạch.

Suốt mấy tiếng tìm kiếm đồng nghiệp, anh luôn chấp hành lệnh của chỉ huy. “Bảo lùi ra là lùi, bảo lấy gì thì em làm theo. Chỉ mong sao lấy người ra càng nhanh càng tốt”, Día kể.

Anh Lại Văn Ửng (SN 1984), từ lúc anh vào làm việc, đây là lần đầu tiên xảy ra vụ tai nạn lao động tại phân xưởng của mình. Lúc nghe tin, anh dù đang ở nhà vội đến công ty hỗ trợ tìm kiếm đồng nghiệp. “Mình nghĩ anh em ca 2 chắc rất mệt, nên dù chưa đến ca 3 cũng cố vào sớm thay phiên cho anh em”, anh Ửng nói.

Nghẹt thở tìm kiếm thợ mỏ bị vùi lấp tại Công ty Than Vàng Danh

Anh Lại Văn Ửng kể lại cuộc tìm kiếm đồng nghiệp - Ảnh: Minh Khôi

Theo anh Ửng, đội cứu hộ phán đoán vị trí anh Nam gặp nạn dựa vào vị trí của chiếc mũ bảo hiểm bị văng phía ngoài, từ đó tập trung đào bới. Nhóm thợ mỏ thay phiên nhau đào bới, ai mệt thì nghỉ, nhóm khác lại đào suốt mấy tiếng đồng hồ. “Bỗng một người hô to: Thấy ủng rồi. Tôi moi vào, lắc lắc xác định đó là cái chân. Anh em lại tiếp tục đào bới”, anh Ửng cho biết lúc này không ai còn hy vọng gì nữa nhưng dốc sức đào bới, bằng 10 lần bình thường.

Cuộc tìm kiếm nạn nhân cuối cùng trong vụ tai nạn lao động tại mỏ than Vàng Danh diễn ra đến khoảng 12 giờ đêm. Lần đầu tham gia đào bới tìm thi thể đồng nghiệp, anh Ửng vừa làm vừa sợ: “Sợ mình làm mạnh, đụng phải anh ấy”.

Với 17 năm kinh nghiệm đi lò, anh Ửng phán đoán nguyên nhân: “Khả năng do mưa nhiều, nước tích tụ lại, nước ngấm vào than, đất, đá, đến mức độ nào đó nó ập xuống, xô đất đá trào hết xuống”.

Thi thể anh Lương Hoài Nam (SN 1993) được đồng nghiệp tìm thấy rồi chuyển xuống lò -50, chở ra bằng song loan trước khi được chuyển tới Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (TP Uông Bí).

Trước đó, thi thể 3 anh Trương Văn Đại (SN 1990, quê phường Vàng Danh, TP Uông Bí); Nguyễn Đức Thảo (SN 1988, quê Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ, Thái Bình) và Phạm Tiến Dũng (SN 1987, quê Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh) cũng được chuyển đến bệnh viện này.

Ngay trong đêm xảy ra vụ việc, Công ty Than Vàng Danh đã tổ chức 4 đoàn công tác đến chia buồn, thăm hỏi, hỗ trợ trước mắt 70 triệu đồng cho mỗi gia đình công nhân tử vong.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ mỗi gia đình lần lượt 20 triệu đồng, 10 triệu đồng. UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ mỗi gia đình số tiền 20 triệu đồng.

Nỗi niềm thợ mỏ

Ngồi bên linh cữu chồng, chị Dương – vợ anh Lương Hoài Nam đôi mắt thâm quầng, mệt mỏi, song cố giữ bình tĩnh khi trò chuyện với chúng tôi. Chị đã khóc hết nước mắt vào tối 26/8, khi nghe tin chồng gặp nạn.

“Em sốc lắm. Biết tin chồng bị vùi nhưng mà em vẫn hy vọng chắc là vẫn còn cơ hội sống sót, chỉ phải đi cấp cứu thôi. Nhưng mọi người bảo ra hết nhà xác rồi, không còn hy vọng gì nữa. Bây giờ em còn con, còn bố mẹ, mình phải mạnh mẽ vượt qua, chứ ngã ra đấy thì ai trông vào? Ông bà, con cái còn phải dựa vào mình, vì còn ai nữa đâu anh?”, chị Dương chia sẻ.

Nghẹt thở tìm kiếm thợ mỏ bị vùi lấp tại Công ty Than Vàng Danh

Lễ tang anh Lương Hoài Nam ở phường Vàng Danh, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Minh Khôi

Vợ chồng chị Dương kết hôn năm 2019, có một cậu con trai 20 tháng tuổi. Đứa bé còn quá nhỏ để nhận thức chuyện gì đang diễn ra. Mấy năm nay, chị làm công nhân ở Hải Phòng, sáng đi, tối muộn mới về. Vừa rồi chồng động viên mãi chị mới bỏ nhà máy, xin vào Công ty Than Vàng Danh làm ở bộ phận Sàng tuyển than – đúng nghề chị được đào tạo, lại được làm gần nhà, có thời gian chăm sóc con cái.

“Em mới hết thời gian thử việc, được ký hợp đồng chính thức. Nhưng tiếc là ngày em trở thành công nhân chính thức của than Vàng Danh cũng là ngày chồng bỏ em mà đi”, Dương bật khóc.

Ông Cường, bố ruột anh Nam cho biết gia đình có truyền thống làm thợ mỏ. Bản thân ông từng làm cơ điện hầm lò. Năm 2014 ông về hưu, cũng là năm anh Nam tốt nghiệp ngành Khai thác của ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, về làm đúng chuyên môn tại Công ty Than Vàng Danh.

Hôm con gặp nạn, ông Cường được cho vào lật từng thi thể để nhận con. Ông nói, dù than, bùn đen kịt cả 4 người nhưng ông vẫn nhận ra con bởi dấu hiệu nhận biết là anh Nam bị cụt 2/3 đốt ngón tay – hậu quả sau lần tai nạn cách đây mấy năm.

Giọng ông nghẹn lại: “Số nó không may, không ở được với bố mẹ, vợ con nữa. Thì biết làm sao được? Đau xót lắm... Nhưng đã làm hầm lò thì phải chấp nhận cả những rủi ro”.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn lao động tại Công ty Than Vàng Danh khiến 4 công nhân tử vong là do trong thời gian qua khu vực Mỏ Than Vàng Danh có nhiều trận mưa với lưu lượng từ 30 - 70mm, dẫn đến bị ngấm nước. Quá trình nhóm công nhân đang làm việc đã bị bùn và than trôi từ thượng vận chuyển số 3 (từ lò thượng +50/+80 vỉa 5, khu cánh gà, phân xưởng khai thác 3) xuống gây tai nạn.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có công điện, gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới thân nhân, gia đình công nhân bị nạn. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm nếu có; kịp thời hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho gia đình người bị nạn và thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người bị nạn theo quy định.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương chỉ đạo rà soát kỹ các quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, vận hành hầm lò, kịp thời khắc phục các hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động, từ sớm, từ xa, nhất là trong các điều kiện thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay.

TNLĐ tại Công ty Than Vàng Danh: Đã bàn giao thi thể 4 công nhân tử vong TNLĐ tại Công ty Than Vàng Danh: Đã bàn giao thi thể 4 công nhân tử vong

Một vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Than Vàng Danh (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) ...

UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin về nguyên nhân vụ tai nạn lao động tại Than Vàng Danh UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin về nguyên nhân vụ tai nạn lao động tại Than Vàng Danh

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có thông tin chính thức về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn lao động tại Công ty Than Vàng ...

Thủ tướng chỉ đạo khẩn vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty Than Vàng Danh Thủ tướng chỉ đạo khẩn vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty Than Vàng Danh

Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo về vụ tai nạn lao động hầm lò nghiêm trọng tại Công ty CP Than Vàng ...

Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bản thân người lao động phải tái định vị chính mình, từ tư duy “làm để được trả lương” sang “làm để đóng góp, làm để phát triển”. Chỉ khi người lao động coi mỗi công việc là một trải nghiệm học tập, một cơ hội rèn luyện kỹ năng và phát triển bản thân, họ mới thực sự trở thành nhân tố không thể thiếu trong chuỗi giá trị, trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, đặc biệt đối với người có từ 15 năm công tác trở lên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khiến họ chịu thiệt thòi so với người làm việc ở các vùng khác.
Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Khi pháp luật thôi là rào cản, mà trở thành điểm tựa, người công nhân sẽ không còn là người “thi hành ý tưởng” mà có thể là người “khởi xướng đổi mới”. Chính sách pháp lý ấy, nếu được thực thi đúng đắn sẽ đưa tầng lớp lao động bước vào vai trò trung tâm của cuộc cách mạng đổi mới quốc gia.

Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Ở nơi mùi hóa chất hòa vào tiếng máy móc ầm ầm vận hành mỗi ngày, có một người đàn ông lặng lẽ dành cả tâm huyết của mình để biến điều không thể thành có thể. Đó là anh Nguyễn Thanh Lâm (SN 1976) – cán bộ kỹ thuật phụ trách An toàn lao động, đồng thời là Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần TICO TP. HCM – một người lao động tận tụy, đam mê nghề đến mức luôn “nghĩ về nhà máy” ngay cả sau giờ làm việc…
Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

Việc Chính phủ được đề nghị phân bổ tối thiểu 3% ngân sách nhà nước cho khoa học – công nghệ và nâng dần lên 2% GDP, là bước chuyển từ “lời nói” thành “hành động”. Đây là tín hiệu cho thấy, Nhà nước đang xác lập một ưu tiên quốc gia mới và ưu tiên ấy không chỉ dành cho các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm cao cấp mà còn dành cho công nhân, kỹ sư, người lao động nơi xưởng máy, công trình, đồng ruộng.
“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Từ ruộng đồng đến nhà máy, từ làng quê đến khu công nghiệp, hàng triệu công nhân và người lao động Việt Nam đang từng ngày nỗ lực vươn lên bằng chính sức mình.
Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị được Tổng Bí thư Tô Lâm ví như một “Khoán 10” trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cho thấy khát vọng bứt phá mà còn khơi dậy tinh thần đổi mới và vai trò trung tâm của lực lượng lao động.
“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ, việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Người "thắp lửa" tự động hóa nơi nhà máy

Người "thắp lửa" tự động hóa nơi nhà máy

Trong phân xưởng sản xuất hiện đại tại Nhà máy Unilever – Củ Chi, TP. HCM, nơi dây chuyền máy móc hoạt động không ngơi nghỉ, có một người đàn ông luôn âm thầm đi bên cạnh từng cải tiến. Đó là anh Trần Tiến Đạt (SN 1994) – Trưởng nhóm Bảo trì & Dự án tự động hóa thông minh phân xưởng PBC.
Xem thêm