![]() |
Công nhân KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng lo lắng đợt dịch này có thể bị mất việc |
Cầm cự qua ngày với những đồng tiền lẻ
Giữa trưa, những con đường trong KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng vắng lặng như tờ. Thường thì công nhân tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy ra chợ mua bó rau, con cá về bỏ tủ lạnh, nhưng từ ngày thành phố ra Chỉ thị mới về phòng chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong KCN “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thật khó để tìm thấy bóng dáng công nhân ngoài đường.
Lân la qua khu chợ ọp ẹp gần KCN cũng chẳng thấy công nhân đâu, tôi chạy xe về phía đầu cổng KCN thì thấy một vài người đứng rút tiền tại 1 cây ATM bên đường. Họ là những công nhân đang thất nghiệp sau đợt dịch Covid. Chị L. T. T. N, công nhân làm việc tại 1 doanh nghiệp may trong KCN tâm sự, đợt dịch vừa qua, công ty không có đơn hàng nên phải đóng cửa. Cũng may gặp ông chủ tử tế duy trì mức lương tối thiểu cho công nhân. Nhờ đó mà tài khoản còn được mấy đồng rút về đi chợ. Chợt chị cúi mặt xuống, mắt đỏ hoe. “Nghe nói dịch dã chợ búa đóng cửa hết nên lo đi rút tiền về mua lương thực dự trữ. Mà tiền đâu có rút cho nhiều, tài khoản còn 2 triệu đồng, rút 500 ngàn mua ít mì tôm, mấy bó rau. Nhà có 2 mẹ con lủi thủi, mỗi ngày chi tiêu chừng 50.000 đồng trở lại. Nghe nói, Chính phủ hỗ trợ tiền cho công nhân mà chờ hoài chẳng thấy”, vừa nói xong chị đã quay mặt đi, như thể chạy trốn con Covid-19.
Thực ra, tôi cũng chẳng lạ gì với hoàn cảnh của công nhân tại các KCN ở Đà Nẵng. Họ là dân tứ xứ đến đây làm việc. Đa số ở nhà thuê, sáng đi làm, tối về quanh quẩn trong 4 bức tường. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, hàng trăm công nhân mất việc làm. Có người về quê nương nhờ gia đình, có người “trụ bám” để chờ ngày doanh nghiệp kêu đi làm trở lại. Anh Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 12.000 lao động bị giảm việc làm. “Các công ty vẫn “giữ chân” công nhân lao động bằng cách giãn việc. Mà đã giãn việc, giảm giờ làm thì đương nhiên là giảm thu nhập. Đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Hiện có gần 4.000 công nhân trên tổng số 73.000 công nhân tại KCN Hòa Khánh lâm cảnh khó khăn cần được hỗ trợ”.
![]() |
Nhân viên bảo vệ cho một công ty ở KCN Hòa Khánh đang cầm cự với mức thu nhập 12.000 đồng mỗi giờ. |
Nhiều rào cản trong thực hiện chính sách hỗ trợ Covid
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, đến nay, ngành mới đang “xem xét quyết định hỗ trợ” cho 17 doanh nghiệp với 691 người lao động thuộc diện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, số tiền hỗ trợ là 1.243.800.000 đồng. Hơn 16.200 lao động trong diện chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm cũng đang trong diện “xem xét” để trình UBND thành phố ra quyết định hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng đặc thù theo Quyết định 1711 của UBND thành phố là 570 người, kinh phí hơn 565 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết: “Các doanh nghiệp rất khó tiếp cận với chính sách hỗ trợ tiền bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 do không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 3, Điều 1 của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg”. Cụ thể, thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định là từ ngày 1/4/2020 đến ngày 1/6/2020.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã thực hiện thoả thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trước ngày 1/4/2020. Hơn nữa, theo quy định, thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng liên tục trở lên (tính từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020) nhưng tại một số doanh nghiệp thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với người lao động chưa đủ 1 tháng.
Một rào cản nữa đó là, theo quy định, điều kiện người lao động được hỗ trợ là phải làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31/3/2020. Trong khi, phần lớn các doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng không đảm bảo các điều kiện về tài chính theo quy định nêu trên.
Thực hiện Quyết định 643 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đã chi hỗ trợ 500 suất quà cho công nhân lao động gặp khó khăn đợt dịch này, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng. Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết, lo lắng nhất là hiện nay đã xuất hiện 4 ca dương tính với dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp. Do đó, công việc trước mắt là tập trung trấn an doanh nghiệp và tư tưởng người lao động để duy trì sản xuất. Công đoàn các cấp cũng đã hỗ trợ 50.000 khẩu trang, hàng ngàn bộ đồ bảo hộ chống dịch, hàng chục ngàn bình nước sát khuẩn để doanh nghiệp chống dịch. Sắp tới, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ có văn bản đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với người lao động bị ảnh hưởng trong đợt dịch này. |
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
