![]() |
Chị Nguyễn Thị Thắm - công nhân Công ty FWCC, KCN Bắc Thăng Long. |
“Có việc là đủ, còn nước thì còn tát”
Len lỏi vào khu trọ của công nhân KCN Bắc Thăng Long, tôi gặp chị Nguyễn Thị Thắm - công nhân Công ty FWCC đang vội vã đi chợ sau giờ tan ca. Nhìn trên xe có túi cà pháo cộng thêm vài con cá khô đủ để hiểu đó là thực đơn cho bữa tối của gia đình chị. Giữa thời điểm kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, những công nhân như chị Thắm đang phải đau đầu cân đối các khoản để có thể duy trì chi phí sinh hoạt hằng ngày.
“Chừng ấy thức ăn có đủ chất dinh dưỡng cho cả gia đình không chị?”, tôi gặng hỏi.
Dắt chiếc xe wave tàu cũ kỹ vào một góc, chị Thắm tâm sự: “Bây giờ nếu không chi tiêu hợp lý và tiết kiệm thì khó có thể đủ trang trải cho tiền nhà trọ, điện, nước, tiền học cho con và các khoản phát sinh khác. Vì vậy, mình phải “thắt lưng buộc bụng” để không bị thiếu trước, hụt sau”.
Được biết, cả hai vợ chồng chị đều là công nhân. Hiện tại, do tình hình Covid-19, công ty không xuất được hàng hóa nên buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm nhân sự. May mắn hơn những người khác, cả hai vợ chồng đều là công nhân gắn bó lâu năm nên chỉ bị nghỉ luân phiên, không tăng ca. “Nhiều người mới vào làm, hay chỉ làm hợp đồng thì dễ bị cho nghỉ việc hoặc không tái ký hợp đồng. Nhiều công nhân bị thất nghiệp lắm. Hiện tại, còn việc là tốt rồi, còn nước thì còn tát”, chị Thắm bộc bạch.
![]() |
Chị Thắm lo lắng vì dịch bệnh con phải nghỉ học, ở nhà không có ai chăm. |
Sắp xếp được thời gian trông con
Lên Hà Nội làm công nhân ngót nghét gần chục năm, hiện tại chị Thắm đã có hai cậu con trai. Không giống như một số công nhân khác là chọn cách gửi con cái về quê sống với ông bà, chị Thắm vẫn quyết tâm cho cả hai con lên Hà Nội sinh sống để tiện chăm sóc, dạy dỗ dù biết trước sẽ có vô vàn những khó khăn.
Trước đây, hằng ngày hai vợ chồng chị chia nhau đưa con đi học rồi cả hai đi làm, đến chiều thì đón con về. Tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh, tất cả học sinh đều phải ở nhà để bảo đảm an toàn. Điều này đã khiến cho không chỉ gia đình chị Thắm mà còn nhiều công nhân lao động khác phải đau đầu tìm cách cân bằng, vừa có thời gian trông con, vừa bảo đảm công việc để có thu nhập.
“Cậu con trai cả nhà mình dù đã lớn và có khả năng trông em được, nhưng tâm lý của mình vẫn rất bất an khi để hai đứa ở nhà. Vì vậy, dù đang khó khăn về kinh tế, mình vẫn quyết định chi một khoản để gửi nhờ cậu út sang nhà hàng xóm”, chị Thắm nói.
Dịch bệnh kéo dài, thu nhập bấp bênh khiến cho hai vợ chồng chị Thắm phải kiếm thêm việc làm để trang trải cuộc sống. Theo lời kể của chị Thắm, hiện tại chị đang bán hàng online trên mạng còn chồng chị tìm việc làm thêm theo giờ, ai thuê gì làm nấy, chẳng nề hà.
“Mình bắt đầu bán mỹ phẩm online từ khi sinh xong bé thứ hai, ban đầu cũng được bạn bè ủng hộ, sau một thời gian cũng chững lại do công việc và chăm con không có nhiều thời gian. Đợt này mình tiếp tục bán lại nhưng có lẽ do vướng dịch Covid-19 nên mọi người chẳng có nhu cầu làm đẹp nữa”, chị Thắm gượng cười.
Chính vì lo kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình nên hai vợ chồng không có nhiều thời gian dành cho con. Mong muốn bình dị hiện tại với chị chỉ là dịch bệnh sớm qua đi, công việc ổn định, chị cũng sẽ dành nhiều thời gian để chăm sóc và quan tâm hai con.
![]() |
Xóm trọ của công nhân bị ngập úng khi mưa lớn. |
Có an cư, mới lạc nghiệp
Vấn đề chỗ ở của công nhân vẫn luôn là bài toán được nhiều người quan tâm. Với mức lương trung bình của người lao động tại các KCN, việc công nhân bỏ tiền để thuê nhà trọ đạt tiêu chuẩn đã khó, mua cho mình căn nhà nho nhỏ để an cư lạc nghiệp lại càng khó hơn.
Với hoàn cảnh của chị Thắm, là công nhân đã gắn bó với công ty 7 năm, suốt khoảng thời gian đó, chị cùng gia đình đều phải mất 1 khoản tiền để thuê trọ. Việc mua nổi một căn nhà với vợ chồng chị là điều trong mơ cũng khó thành hiện thực. Chị Thắm nói: “Tiền nhà trọ, điện nước hàng tháng mình phải trả không dưới 1,5 triệu đồng. Tiền đóng học cho hai đứa con mỗi tháng gần hết cả tiền lương. Vậy bạn nghĩ mình có khả năng để mua nhà hay không?”.
“Đi thuê nhà thì nay đây, mai đó... nên khi đi làm sổ hộ khẩu, cơ quan chức năng thường tra hỏi có giấy chứng nhận nhà ở không? Rồi lại giấy tạm trú, tạm vắng, hợp đồng làm việc dài hạn… Kết quả là hộ khẩu không làm được, con đi học không đúng tuyến. Không đủ điều kiện đi học trường công lập. Mà đi học trường tư lại đắt đỏ, đã tốn kém còn tốn kém hơn!”, chị Thắm nói thêm.
Chị kể với tôi, trong 7 năm qua, chị chỉ chuyển nhà 4 lần. Mặc dù nơi chị thuê không đáp ứng đủ những điều kiện tốt để cả gia đình sinh sống nhưng nghĩ đến việc tìm nhà trọ mới, dọn dẹp đồ đạc lỉnh kỉnh chị lại thôi. Chị Thắm tâm sự: “Vì lương thấp, hai vợ chồng chỉ dám thuê phòng trọ nhỏ, lụp xụp. Những ngày hè thì nóng bức, ngày mưa thì ngập lụt. Phòng chỉ chưa đầy hai chục mét vuông, ngột ngạt lắm”.
Với chị Thắm, hiện tại chỉ mong sao cho dịch bệnh sớm qua, xã hội bình ổn, có sức khỏe để tiếp tục cố gắng.
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
