![]() |
Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam trao kinh phí hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” cho gia đình CNLĐ. |
Làm chủ tịch công đoàn ngoài nhà nước không khó
Tôi gặp Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam dịp cuối năm 2018, trong đợt công tác chuyên đề tại Thanh Hóa. Suốt buổi trò chuyện ngay tại các nhà xưởng của doanh nghiệp, chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi các cuộc trao đổi ngắn của anh với CNLĐ. “Anh thông cảm nhé, hơn 11 ngàn CNLĐ, có rất nhiều vấn đề mà em cần phải giải quyết, có rất nhiều anh em CNLĐ cần sự vào cuộc của cán bộ công đoàn, nếu mình lơ đãng CNLĐ sẽ thiệt thòi, công đoàn doanh nghiệp sẽ mờ nhạt ngay trong mắt NLĐ…” - Quang phân bua với tôi như sợ tôi phật ý.
Nguyễn Hữu Quang cho biết: Công ty TNHH Sakurai Việt Nam thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008. Đây là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, sản xuất ở lĩnh vực gia công hàng may mặc xuất khẩu. Ban đầu công ty chỉ có 1 xưởng sản xuất với 500 công nhân nhưng qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay quy mô doanh nghiệp liên tục mở rộng, phát triển. Hiện tại, công ty đã có 14 xưởng sản xuất với hơn 11.000 CNLĐ. Với đặc thù là doanh nghiệp FDI, có số lượng CNLĐ đông đảo, trong đó 98% NLĐ là nữ giới, trình độ văn hóa không đồng đều, độ tuổi lao động trẻ… nên quan hệ lao động tương đối phức tạp. Đây cũng là khó khăn, thách thức của cán bộ CĐCS trong việc cân bằng lợi ích giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động; trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Từ những ngày đầu thành lập CĐCS, anh và các cán bộ công đoàn công ty đã chú tâm vào việc tổ chức các hội nghị NLĐ và ký kết TƯLĐTT. Không những thế, hằng năm còn liên tục bổ sung, sửa đổi các bản thỏa ước theo hướng tăng thêm các điều khoản có lợi cho CNLĐ. Anh và đội ngũ cán bộ công đoàn cũng chủ động đề nghị ban giám đốc doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương và định mức lao động theo hướng có lợi cho NLĐ, như: nâng lương định kỳ cho NLĐ có thâm niên, tay nghề; điều chỉnh đơn giá sản phẩm phù hợp cho từng công đoạn; thưởng Tết cho NLĐ ít nhất bằng một tháng lương cơ bản, thanh toán tiền phép năm 300% cho những lao động chưa nghỉ hết số ngày phép theo quy định; các ngày lễ và thứ 7 hằng tuần không tăng ca.
Bên cạnh đó, quy chế đối thoại giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp đã được anh và BCH công đoàn xây dựng, thực hiện định kỳ 3 tháng một lần đã góp phần “cởi bỏ” kịp thời nhiều khúc mắc của CNLĐ trong hoạt động sản xuất, trong chi trả lương và chế độ phúc lợi của công ty.
Đến với NLĐ và nghĩ nhiều hơn cho doanh nghiệp
Làm cán bộ công đoàn trước hết cần gần gũi với NLĐ. Quang cho rằng, càng hoạt động công đoàn lâu năm, anh càng thấm nhuần chân lý này. Nếu không hiểu được công nhân thì những chương trình hoạt động của CĐCS sẽ thiếu đi hơi thở cuộc sống, trở nên khô cứng và không đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của CNLĐ.
“ Làm cán bộ công đoàn là bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ. Vẫn biết CNLĐ chúng ta rất khó khăn, vất vả. Nhưng có đặt chân tới phòng trọ nơi họ sống, nhìn cách ăn, ở của họ mới thấu hiểu được họ khổ, họ nghèo như thế nào. Phòng ốc chật chội, ẩm thấp, nóng bức; bữa cơm đạm bạc thừa rau nhưng thiếu đạm; đời sống tinh thần thiếu thốn; tình yêu hôn nhân, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn; cạm bẫy luôn bủa vây… Cán bộ công đoàn có biết, có hiểu, có đặt mình vào vị trí của họ thì mới giúp được họ” - Quang chia sẻ.
Anh Quang cho biết, ở công ty chưa có sân bóng, khu thể thao; không có sân khấu để tổ chức các hoạt động văn nghệ… nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nơi anh “trắng” các hoạt động bề nổi đó.
![]() |
Chủ tịch công đoàn Nguyễn Hữu Quang thường xuyên trao đổi với CNLĐ. |
“Thiếu sân bóng thì công đoàn đi thuê cho CNLĐ; thiếu sân khấu có thể biến nhà ăn thành nơi tổ chức… có sao đâu. Hiện nay, công ty có một câu lạc bộ văn nghệ quần chúng khá mạnh; một câu lạc bộ bóng đá với 18 đội không những hằng năm tổ chức giao lưu trong đơn vị mà còn thường xuyên phối hợp tổ chức giao lưu với các đơn vị bạn. Quan điểm của CĐCS là NLĐ cần gì, công đoàn đáp ứng cái đó, miễn đó là thứ văn hóa lành mạnh, chính đáng. Đời sống tinh thần của NLĐ cũng cần được quan tâm, chăm sóc như đời sống vật chất vậy” - Quang chia sẻ.
Anh cho biết, cán bộ công đoàn ngoài nhà nước ăn lương của chủ nên muốn chủ tạo điều kiện để công đoàn hoạt động tốt, chăm lo tốt cho NLĐ thì cán bộ công đoàn cũng phải nghĩ cho doanh nghiệp, phải khơi dậy tinh thần hăng say lao động, sáng tạo để cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp, khuyến khích để NLĐ cùng doanh nghiệp nghĩ ra cách tăng năng suất, chất lượng sản phẩm… Điều này sẽ khiến cho chủ doanh nghiệp thấy được hiệu quả của công đoàn, sức mạnh tập hợp đoàn kết khi có vai trò của công đoàn. Từ năm 2016 - 2018 đã có 8 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CNLĐ được công ty áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần làm lợi hàng tỷ đồng. Đây chính là kết quả của phong trào “Lao động giỏi, lao động sang tạo” do công đoàn phát động, tổ chức. Điều này khiến chủ doanh nghiệp đánh giá rất cao.
Mong muốn của anh là sắp tới có thể tổ chức được thường xuyên cuộc thi tay nghề thợ giỏi; tổ chức được các câu lạc bộ ngoại ngữ, tin học vào ban đêm cho CNLĐ… Theo anh, đây là những điều rất hữu ích đối với cả NLĐ lẫn doanh nghiệp vì nó mang lại lợi ích cho cả hai phía.
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
