
Chủ tịch Công đoàn giỏi nghề và tâm huyết với người lao động |
Hết lòng vì người lao động
Luôn mong muốn mang niềm vui đến cho người khác nên chị Phạm Thị Minh Nguyệt - Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể.
Năm 2007, khi Tập đoàn KHKT Hồng Hải mới thành lập tại Việt Nam, chưa có tổ chức công đoàn, chị Minh Nguyệt luôn là người tiên phong tổ chức các hoạt động để gắn kết, mang lại niềm vui cho anh chị em đồng nghiệp.
![]() |
Chị Phạm Thị Minh Nguyệt – Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn). Ảnh: ĐVCC |
Chị Minh Nguyệt cho biết: “Chính vì những suy nghĩ và sở thích này, khi bước vào tổ chức Công đoàn, tôi mới nhận ra rằng đây chính là những tố chất cơ bản cho một cán bộ công đoàn. Và tôi cũng vẫn đùa rằng, với tôi công tác công đoàn đến với mình “nghề tìm người” là vậy”.
Gắn bó với công tác công đoàn đến nay đã 16 năm, chị Phạm Thị Minh Nguyệt luôn tận tâm, gắn bó chặt chẽ với người lao động. Dưới sự dẫn dắt của chị, Công đoàn Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải đã tổ chức rất nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động, giúp người lao động có những sân chơi bổ ích sau giờ làm việc cũng như hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình. Đặc biệt là chị còn thương lượng thành công với ban lãnh đạo công ty để cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương cũng như các chế độ phúc lợi dành cho người lao động.
“Chính vì vậy, tổ chức Công đoàn chúng tôi luôn được người lao động tin yêu, được lãnh đạo tập đoàn ghi nhận. Bởi với tôi, hạnh phúc chỉ thực sự được nhận diện và cảm thấu khi đời sống tinh thần phong phú và vui tươi”, chị Phạm Thị Minh Nguyệt tự hào chia sẻ.
Để góp phần ổn định tình hình, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong tập đoàn, chị Minh Nguyệt cùng các thành viên công đoàn thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật cho người lao động bằng nhiều hình thức như: trực tiếp, qua hệ thống loa nội bộ, mạng xã hội… Không chỉ có vậy, chị Minh Nguyệt còn là người gần gũi, luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật.
Với cương vị là thủ lĩnh công đoàn, chị Minh Nguyệt còn luôn quan tâm đến chất lượng bữa cơm, giấc ngủ cho công nhân. Chị đã cùng Ban Chấp hành Công đoàn đối thoại và thương lượng thành công nâng cao giá trị bữa ăn ca của người lao động lên mức 1.066.000 đồng/tháng. Nếu người lao động không sử dụng hết thì số tiền thừa sẽ được trả vào lương của tháng đó.
Ngoài ra, chị Phạm Thị Minh Nguyệt cùng Ban Chấp hành Công đoàn đã tích cực tham mưu, đề xuất, đồng hành cùng Ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xem xét, sửa đổi, bổ sung những điều khoản với mục đích cao hơn, có lợi hơn cho người lao động như: hỗ trợ tiền nhà ở, tiền đi lại, chi phí gửi trẻ, trợ cấp thai sản, tiền thưởng chuyên cần tháng…
Với kinh nghiệm, sự linh hoạt, mềm dẻo, chị Nguyệt đã thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản đem lại lợi ích cho người lao động.
![]() |
Chị Minh Nguyệt (thứ 2, từ trái sang) trong một hoạt động công đoàn. Ảnh: ĐVCC |
Chị Minh Nguyệt cùng Ban Chấp hành Công đoàn luôn quan tâm tới gia đình đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn, CNLĐ bị bệnh hiểm nghèo, hằng năm đã tổ chức tặng quà, đề nghị công đoàn cấp trên tặng quà mỗi suất quà trị giá từ 500.000 đồng - 2.000.000 đồng/đoàn viên.
Những dịp Tết đến, Xuân về, Công đoàn Tập đoàn rà soát và lập danh sách đề nghị Công đoàn cấp trên hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động ở xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được công đoàn cấp trên hỗ trợ một phần tiền tàu xe về quê ăn Tết.
Chị Minh Nguyệt tâm sự: “Tôi vẫn thường nói với các cán bộ công đoàn của mình, đã qua rồi thời kỳ mưu cầu hạnh phúc của con người là ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp, mà cùng với sự phát triển của xã hội, mưu cầu hạnh phúc ngày nay đã được đẩy lên một tầng nhận thức cao hơn đó là mưu cầu nâng tầm bản thân để phụng sự cộng đồng. Tôi tin rằng, khi CNLĐ hạnh phúc, sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng hoàn hảo hơn và cũng như góp phần sự ổn định và hòa bình của xã hội”.
Khó khăn nào cũng vượt qua
Để dẫn dắt một tập thể lớn và hơn chục ngàn người chưa bao giờ là dễ dàng đối với chị Phạm Thị Minh Nguyệt. Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến khó lường, gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh và sức khỏe, đời sống của đoàn viên, người lao động, chị Minh Nguyệt đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở thành viên trong Tập đoàn phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả phương án “1 cung đường, 2 điểm đến" và xây dựng phương án “3 tại chỗ” trong phòng, chống dịch bệnh, duy trì sự ổn định sản xuất kinh doanh trong tập đoàn.
![]() |
Chị Minh Nguyệt (người đứng) trong một cuộc tọa đàm với người lao động. Ảnh: ĐVCC |
Bên cạnh đó, tại Tập đoàn KHKT Hồng Hải, lực lượng CNLĐ có trình độ không đồng đều, vì vậy việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ lao động gặp không ít khó khăn. Vì vậy, với mỗi một chủ trương, chính sách mới, chị Minh Nguyệt cùng Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở thường lấy ý kiến khảo sát của người lao động và quyết định dựa trên nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số”.
“Việc thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của đại đa số (trên 50%) tập thể được coi là sự thành công. Nhưng cũng không bởi vậy mà chúng tôi không dừng lại đổi mới phương pháp và cải thiện công tác chăm lo cho người lao động, để mang lại những lợi ích hợp pháp, chính đáng nhất cho người lao động”, chị Nguyệt cho biết.
Với nữ thủ lĩnh Công đoàn Tập đoàn KHKT Hồng Hải, mỗi phút giây được làm phục vụ, được cống hiến và mang lại cho tập thể người lao động, đều như một phước lành và đều đáng nhớ.
Chị Nguyệt chia sẻ: “Có những lúc, sau mỗi hoạt động, có những bạn công nhân mà tôi chưa từng biết mặt, chạy đến ôm tôi, xin chụp một kiểu ảnh và nói em rất trân trọng và cảm ơn những điều chị đang mang đến cho công nhân lao động bọn em, lúc đó xúc động lắm, và tôi tự nhủ lòng cần nỗ lực và phát huy hơn nữa, để xứng đáng với niềm tin yêu của các bạn”.
Những nỗ lực của chị Phạm Thị Minh Nguyệt được Công đoàn cấp trên và lãnh đạo Tập đoàn KHKT Hồng Hải ghi nhận. Nhiều năm liền, chị nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh và luôn đạt danh hiệu đoàn viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức từ 30/10/2023 đến hết ngày 30/9/2024. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: vongtaycongdoan.ldcd@gmail.com |
![]() Anh Trần Văn Ánh (1972), Trưởng phòng Chế độ dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 ... |
![]() Anh Nguyễn Trí Thức- Quản đốc Phân xưởng Vận hành, Công ty Thủy điện Quảng Trị là một người có năng lực, hết lòng tận ... |
![]() Theo Công đoàn Dầu khí Việt Nam, chương trình “Bữa cơm Công đoàn” đã được các cấp công đoàn tích cực hưởng ứng và đạt ... |
Tin mới hơn

Đột phá khoa học công nghệ, chuyển đổi số và sứ mệnh mới của tổ chức Công đoàn

Chuyển đổi số trong công đoàn: Đòi hỏi sống còn, không chỉ là khẩu hiệu

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kiểm tra công đoàn để làm mới công tác giám sát
Tin tức khác

Giữ nguyên mô hình 3 cấp của Ủy ban kiểm tra: Lựa chọn cần thiết trong bối cảnh mới

Tháng Công nhân ở Huế: Đồng hành và sẻ chia

Đêm hội văn hóa thắm tình đoàn kết của người lao động Hàng hải Việt Nam

Suy nghĩ hay, hành động đẹp – khắc họa chân dung người lao động Thủ đô thời đại mới

Gương mẫu thực hiện tinh giản tổ chức bộ máy
