![]() |
Đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham dự Hội nghị tổng kết hoạt động nữ công của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang. |
Hiểu biết pháp luật là quyền lợi thiết thân của người lao động. Nhưng trước đây, nhiều công nhân lao động coi kiến thức pháp luật, nhất là pháp luật lao động chưa cấp thiết bằng “cơm, áo, gạo, tiền”. Vào nhà xưởng là làm việc và khi có vướng mắc trong quan hệ lao động mới biết lỗi vi phạm thuộc về chính mình.
Liên đoàn Lao động huyện Tân Yên hiện có 135 công đoàn cơ sở với trên 13.000 công nhân lao động. Số lượng công nhân lao động tập trung tại doanh nghiệp là 10.000 người, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp may mặc, điện tử. Thu nhập bình quân của người lao động là 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang): “Qua nắm bắt của Liên đoàn Lao động huyện, những vụ việc tranh chấp lao động tập thể, vụ việc có yếu tố phức tạp trong quan hệ lao động trên địa bàn huyện không diễn ra. Công nhân thường thắc mắc các vấn đề liên quan đến chính sách lao động, nội quy doanh nghiệp, chấm dứt hợp đồng lao động, chế độ thai sản…"
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thanh Phương - người thứ hai bên phải chia sẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn. |
Nhiều công nhân thiếu kiến thức lao động. Khi ký hợp đồng lao động, người lao động không quan tâm tìm hiểu các điều khoản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, khi có mâu thuẫn phát sinh, người lao động thường không có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết có thuận lợi về mình.
Phát hiện “điểm yếu” của người lao động, Liên đoàn Lao động huyện đã tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho công nhân lao động, đặc biệt là khối doanh nghiệp. Hằng năm, ít nhất mỗi doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động một lần. Liên đoàn Lao động huyện mời báo cáo viên của Đội tuyên truyền pháp luật của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, báo cáo viên của Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh… để phổ biến pháp luật tới người lao động về các lĩnh vực lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm…
![]() |
Phát tài liệu tuyên truyền về pháp luật lao động-công đoàn-bảo hiểm xã hội cho công nhân lao động tại Công ty TNHH Intermax Việt Nam. Ảnh: ST |
Do các doanh nghiệp tập trung nhiệm vụ sản xuất kinh doanh nên việc bố trí thời gian cho phổ biến pháp luật cần được bố trí hợp lý. Với thời lượng không dài, các báo cáo viên đã đi sâu phổ biến về hợp đồng lao động, chính sách lao động nữ và dành thời gian giải đáp tình huống cụ thể như chế độ thai sản, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động…
Trong quá trình tuyên truyền gặp không ít khó khăn. Nhiều công nhân lao động muốn nghe nhưng cũng không ít người “tham công tiếc việc”, cho rằng đó là việc chưa cấp thiết bằng việc làm thêm giờ để gia tăng thu nhập. Có những công nhân vẫn bám xưởng làm thêm khiến công đoàn phải đề nghị tắt điện nhà xưởng để người lao động nghe phổ biến pháp luật.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Thanh Phương, thời gian qua, nhận thức pháp luật của người lao động chuyển biến rõ rệt. Công nhân lao động sau khi được tập huấn đã hiểu đầy đủ hơn về quyền, lợi ích và nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ lao động. Trước khi ký kết hợp đồng lao động, công nhân thường xem kỹ các điều khoản, nếu thắc mắc có tìm hiểu và nhờ tư vấn. Từ đó, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động giảm rõ rệt.
![]() |
Liên đoàn Lao động huyện Tân Yên được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2020. |
Đồng chí Tô Thị Huyên - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Deayang Hà Nội (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Công ty có 800 công nhân lao động, chủ yếu ở độ tuổi 18 - 35 tuổi. Hầu hết, người lao động của Công ty đều nắm được chính sách, quyền lợi liên quan đến bản thân sau những buổi tập huấn về pháp luật do công đoàn tổ chức. Tuy nhiên, công đoàn vẫn thường xuyên sâu sát nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động để kiến nghị với người sử dụng lao động xem xét, giải quyết kịp thời những vấn đề công nhân lao động quan tâm”.
Cụ thể, năm 2019, công nhân có thắc mắc chế độ dành cho lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Sau khi đề xuất, Ban lãnh đạo Công ty đã đồng ý trợ cấp cho lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi được hỗ trợ 50.000 đồng/cháu/tháng. Hoặc công nhân mong muốn chính quyền quan tâm khi làm thêm 3 tiếng trở lên/ngày được hỗ trợ suất ăn phụ trị giá 10.000 đồng/người đã được chuyên môn đáp ứng. Người sử dụng lao động đã đồng ý tăng suất ăn ca từ 18.000 đồng lên 22.000 đồng/người. Và hỗ trợ trang phục của công nhân làm việc trong môi trường đặc biệt từ 20.000 lên 22.000 đồng. Đây là những quyền lợi “nằm ngoài quy định của hợp đồng lao động”.
![]() |
Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen cho các cá nhân điển hình tiên tiến của Liên đoàn Lao động huyện Tân Yên. |
Với những thành tích xuất sắc, Liên đoàn Lao động huyện Tân Yên đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc và Cờ thi đua toàn diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hoạt động công đoàn trong giai đoạn 2018 - 2020.
![]() Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 1/7, tổng số người nhiễm trên toàn cầu đã lên tới hơn 10,5 triệu, hơn 513 ... |
![]() Những người công nhân có việc và mất việc hiện đều rất khó khăn. Sự đùm bọc, giúp đỡ, động viên nhau là rất cần ... |
![]() Người lao động nộp thuế sẽ có thêm nhiều quyền lợi từ ngày 1/7/2020 khi Luật Quản lý thuế 2019 chính thức có hiệu lực. |