
Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số hóa, toàn cầu hóa, trí tuệ nhân tạo và hội nhập sâu rộng, vai trò của người lao động càng trở nên quan trọng. Nhưng để “vươn mình”, để không bị bỏ lại phía sau, người công nhân Việt Nam và tổ chức công đoàn cần làm gì?
Trước hết, cần một thế hệ công nhân mới - trí tuệ hơn, chủ động hơn, khát vọng hơn.
Công nhân Việt Nam hôm nay không chỉ là người cầm búa, cầm máy, mà đang dần trở thành người vận hành công nghệ, người cải tiến kỹ thuật, người đề xuất sáng kiến. Nhưng để làm được điều đó, mỗi người lao động phải không ngừng học tập, rèn luyện. Đã đến lúc chúng ta không thể bằng lòng với mức sống tạm đủ, với tay nghề ổn định. Tương lai chỉ mở ra với những ai biết chủ động vươn lên.
![]() |
Nữ công nhân may trong một nhà máy ở TP Đà Nẵng. Ảnh: PHAN NGUYÊN |
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang từng bước triển khai các chương trình nâng cao trình độ công nhân. Trong kế hoạch đào tạo cán bộ năm 2025, hơn 12.000 lượt học viên sẽ được tham gia các lớp đào tạo kỹ năng, lý luận, ngoại ngữ, pháp luật, tài chính… Đây không chỉ là đào tạo cán bộ Công đoàn mà là nâng chất toàn diện cho đội ngũ – để công nhân không chỉ giỏi nghề mà còn hiểu luật, có kỹ năng sống, có thể làm chủ cuộc sống chính mình.
Công nhân trẻ cần nhìn nhận rõ: Học để có nghề vững là bước đầu; học để có tư duy phản biện, để sáng tạo, để hiểu quyền và trách nhiệm là điều thiết yếu cho tương lai lâu dài. Đừng để “tuổi trẻ trôi đi trong ca kíp”, mà hãy để “tuổi trẻ là nền móng dựng lên tương lai bền vững”.
Thứ hai, tổ chức Công đoàn phải là nơi kiến tạo cơ hội, nuôi dưỡng khát vọng.
Trong những năm gần đây, vai trò của công đoàn không còn dừng lại ở việc thăm hỏi, tặng quà, tổ chức hội thi hay chăm lo Tết - mà phải trở thành “trung tâm kết nối và phát triển”. Điều này thể hiện rõ trong hai chiến dịch lớn năm 2025 mà Tổng Liên đoàn đang triển khai:
Một là, “Tháng cao điểm phát triển đoàn viên” với mục tiêu không chỉ kết nạp thêm hội viên mà phải xây dựng được các công đoàn cơ sở thực chất, có tiếng nói, có năng lực đối thoại, đại diện thực sự cho công nhân tại nơi làm việc.
![]() |
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao quà Tết cho công nhân lao động. |
Hai là, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 52-CT/TW, nhìn lại hành trình nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất - từ đó rút ra mô hình văn hóa công đoàn hiệu quả, phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Công đoàn phải trở thành “nơi công nhân tìm đến khi cần định hướng”, không chỉ là nơi giải quyết khiếu nại, mà còn là “ngôi nhà chung” nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Mỗi cán bộ công đoàn phải là một người bạn đồng hành, hiểu tâm tư công nhân, biết dẫn dắt và truyền cảm hứng.
Thứ ba, xây dựng môi trường sống, làm việc, phát triển xứng đáng với người lao động
Công nhân chỉ có thể phát triển khi được làm việc và sống trong một môi trường lành mạnh. Đó là nơi có nhà ở an toàn, có công đoàn cơ sở mạnh, có thiết chế văn hóa thể thao, có lớp học bổ túc và đào tạo nghề vào buổi tối, có nơi gửi con an toàn cho người làm ca đêm. Những điều đó tưởng như nhỏ, nhưng là điều kiện tiên quyết để công nhân có thể yên tâm cống hiến.
Tổng Liên đoàn đã đưa những yêu cầu này thành tiêu chí đánh giá công đoàn cơ sở, khuyến khích doanh nghiệp cùng phối hợp xây dựng các “khu nhà trọ văn hóa”, “nhà trẻ công nhân”, “khu thể thao công nhân”. Đây là hạ tầng thiết yếu để công nhân không chỉ sống đủ, mà sống tử tế và tự hào. Chúng ta cần một thế hệ công nhân vừa làm tốt công việc hiện tại, vừa dám mơ xa hơn, bước tiếp trong hành trình tự học, tự làm chủ, tự đổi đời.
![]() |
Công nhân lao động tham gia gameshow do công đoàn tổ chức |
Thứ tư, khát vọng vươn mình: trách nhiệm không của riêng ai
Tổng Bí thư Tô Lâm viết: “Xây dựng một thế hệ thanh niên xuất sắc về trí tuệ, vượt trội về kỹ năng và giàu lòng yêu nước là nhiệm vụ cấp thiết.” Với công nhân - đặc biệt là lực lượng trẻ chiếm gần 60% tại các khu công nghiệp - thì trách nhiệm ấy càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Đất nước muốn vươn mình, không thể thiếu những bàn tay vững vàng, những khối óc chủ động, những trái tim nhiệt thành của người lao động.
Tuổi trẻ công nhân Việt Nam cần hiểu rằng: Sự phát triển của đất nước không đến từ những khẩu hiệu sáo rỗng, mà từ từng giờ làm việc nghiêm túc, từng sáng kiến cải tiến nhỏ, từng bước tiến trong học tập. Đừng đợi ai trao cho mình một tương lai – chính chúng ta phải nắm lấy và dựng nên tương lai ấy. Hãy học thêm một kỹ năng, đăng ký một lớp ngoại ngữ, tham gia một cuộc thi sáng kiến, đề xuất một ý tưởng cho tổ đội sản xuất. Hãy sống kỷ luật, trách nhiệm và dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn. Những điều nhỏ hôm nay sẽ tạo nên bước nhảy vọt ngày mai.
![]() |
Gần 2.000 công nhân Công ty TNHH Havina Kim Liên (Nghệ An) chào cờ trước giờ làm việc. Ảnh: Diệp Thanh |
Nếu thế hệ trước đã dựng nên độc lập, thì thế hệ công nhân hôm nay phải là lực lượng dựng nên sự thịnh vượng. Nếu cha ông ta đã từng “đánh đổi máu xương để giành lấy ngày mai”, thì công nhân hôm nay phải “dốc lòng dốc sức để dựng xây tương lai”. Tổ chức Công đoàn sẽ là bệ đỡ, là bạn đồng hành. Nhưng chính mỗi người công nhân phải là người nắm lấy tay lái. Chúng ta không chỉ lao động để sống, mà sống để lao động có ý nghĩa - cho gia đình mình, cho cộng đồng, và cho đất nước. Hãy vươn mình - để xứng đáng với thời đại đang vươn mình.
Video: Chị Phùng Thị Hạnh - công nhân Tổng công ty May 10 phát biểu tham luận tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia", do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Chính phủ tổ chức, diễn ra tại Hà Nội, sáng 26/5/2024.
Tin mới hơn

Có một mái nhà chung đầy yêu thương

Đột phá khoa học công nghệ, chuyển đổi số và sứ mệnh mới của tổ chức Công đoàn

Công đoàn: “Mạch máu” dẫn truyền trách nhiệm trong “guồng quay” lợi nhuận
Tin tức khác

Công đoàn “thần tốc" phát triển đoàn viên và bài học kinh nghiệm quý giá

Công đoàn – “nền tảng đạo lý” trong kiến tạo doanh nghiệp có trách nhiệm

Kinh tế tư nhân phát triển: Công nhân lớn mạnh, công đoàn vững chắc

Chuyển đổi số trong công đoàn: Đòi hỏi sống còn, không chỉ là khẩu hiệu

Quan hệ lao động hài hoà: “Nền móng” cho “đòn bẩy” kinh tế tư nhân
