![]() |
Nghề uốn tầm vông ở Tri Tôn mang lại công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh AT. |
Nghề uốn tầm vông ở Tri Tôn đã có từ lâu đời...
Tri Tôn là huyện miền núi của tỉnh An Giang vốn được thiên nhiên hào phóng ban tặng rất nhiều cây tầm vông, nhiều nhất là các xã Lương Phi, Núi Tô, An Tức, Cô Tô, thị trấn Ba Chúc… Đây là vùng nguyên liệu giúp cho hàng ngàn lao động vùng biên giới này có việc làm ổn định, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc Chăm và Khmer.
Cây tầm vông, còn gọi là trúc Xiêm La, từng đi vào ca dao dân ca, đi vào ca khúc những năm kháng chiến, được nhiều người biết đến. Cây được dùng phổ biến trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bởi độ bền cao. Hỏi về nguồn gốc, nhiều người dân chuyên nghề uốn tầm vông tại huyện Tri Tôn nói nước đôi: Cái nghề nầy xuất phát từ tỉnh Tây Ninh và có tự bao giờ không biết...
Chị Thạch Thị Xa Răng, 45 tuổi ngụ xã An Tức cho biết: “Tôi làm nghề nầy đã trên 20 năm, mỗi ngày kiếm từ 180.000 đến 200.000 đồng, sống được lắm tuy có vất vả đôi chút nhưng phù hợp với những gia đình không đất sản xuất, học hành “lem nhem” như phụ nữ Khmer chúng tôi. Công việc bắt đầu từ 8 giờ sáng và thường kết thúc khoảng 15 giờ”.
Tầm vông cao có khi trên 10 mét, phát triển theo chiều thẳng đứng, thân không gai nhọn như tre, trúc, khoảng cách giữa các đốt rất thưa. Tầm vông có độ bền rất cao, chế chế biến thành các sản phẩm tiểu thủ công nghệ, xây dựng lán trại, vật dụng trong gia đình. Những năm gần đây, sản phẩm cây tầm vông Tri Tôn còn xuất khẩu sang các nước lân cận như Campuchia và Lào.
![]() |
Nghề uốn tầm vông ở Tri Tôn ra đời phục vụ sản xuất hàng mỹ nghệ, giúp người dân nơi đây có thu nhập, thậm chí làm giàu. Ảnh PTAT |
Cây tầm vông thường bị cong ở phần gốc và ngọn, đôi khi cong ở phần giữa nhưng rất hiếm. Trước khi đưa cây tầm vông vào sử dụng hoặc chế biến thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cây cần phải được uốn thẳng một cách tương đối. Chính vì yêu cầu này mà nghề uốn tầm vông ở huyện Tri Tôn ra đời.
Ông Chau Kinh, 74 tuổi, ngụ ở xã Lương Phi kể lại: “Gia đình tôi đã có 4 thế hệ nối tiếp nhau làm nghề nầy. Cực thì không lo nhưng lo là sắp đến sẽ cạn kiệt nguồn cây tầm vông bởi cung sẽ không đủ cầu”. Điều ông nói là thiệt, bởi nhu cầu cây tầm vông trong nền kinh tế đang tăng nhanh, song sản lượng, diện tích đất tầm vông thì ngày càng thu hẹp. “Có cung ắt có cầu, lo gì”, một người khác phản bác - “Nhu cầu tầm vông tăng, ắt giá tăng, lại có nhiều người, nhiều đất trồng tầm vông”. Điều này nghe cũng có lý.
Chứng kiến những động tác thuần thục của đội quân “nướng tre” trên những lò củi cháy rừng rực tỏa hơi nóng hầm hập, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người đang làm đẹp dáng cho tầm vông. Đa phần họ được trả công theo sản phẩm. Cụ thể, giá mỗi cây tầm vông được uốn thẳng là 2.000 đồng. Bình quân mỗi người có thể uốn từ 100 đến 150 cây một ngày tùy thuộc “tay nghề” và thời gian lao động. Họ phải tự lo buổi ăn sáng, trưa và các thức ăn “đệm” khác. Nhiều gia đình ở huyện Tri Tôn có từ 2 đến 3 người cùng làm công việc nầy nên cuộc sống khá sung túc, có được nhà kiên cố, phương tiện đi lại, nghe nhìn.
Nghề gì cũng cần kỹ năng, kinh nghiệm của nghề ấy và đòi hỏi phải học, rèn luyện, tích lũy. Anh Thạch Sùng, ngụ xã Núi Tô chia sẻ: “Người làm nghề giỏi chỉ nhìn cây tầm vông là biết phải uốn chiều nào cho “ngon” nhất, đỡ mất thời gian nhất. Cạnh đó người uốn còn phải biết điều tiết lửa trong chảo phù hợp với độ “già” của tầm vông. Lửa “áp” quá thì hư cây; lửa “non” quá thì mất nhiều thời gian uốn. Nhà tôi ngoài hai vợ chồng còn có đứa con trai lớn cùng làm, thu nhập cả gia đình cũng trên 600.000 đồng/ngày và công việc có quanh năm”.
![]() |
Nghề uốn tầm vông ở Tri Tôn với hàng chục lò uốn luôn đỏ lửa, phụ vụ nhu cầu quanh khu vực và xuất khầu. Ảnh Anh Thư. |
Nhiều lao động làm nghề này nói thêm: Công việc không quá phức tạp, khó khăn nhưng đòi hỏi sự khéo léo, cần mẫn, tỉ mỉ và kinh nghiệm thực tế. Theo trình tự thì phần gốc được uốn trước rồi đến phần ngọn uốn sau. Công đoạn khó nhất chính là việc canh lửa. Người uốn luôn phải giữ cho lửa cháy đều.
Điều đáng mừng là tầm vông ở huyện Tri Tôn có thể thích nghi với khí hậu lạnh và nóng, mùa nắng lẫn mùa mưa; không cần phải chăm sóc bón phân như các loại cây khác mà vẫn phát triển tươi tốt. Hiện nay nhiều nông dân Tri Tôn đã tập trung trồng tầm vông ở các khu đất trống, sườn đồi, ven rừng, dọc theo các tuyến đường… để có thêm nguồn nguyên liệu mà không phải đầu tư nhiều kinh phí.
Theo kinh nghiệm chung thì cây tầm vông trên 3 tuổi đời mới được đem uốn và bán cho thương lái ở khắp các địa phương như Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Vào những thời điểm “hút hàng”, các làng uốn tầm vông đỏ lửa suốt ngày đêm mới đủ cây giao cho thương lái. Thường thì đội quân lao động sẽ chia thành từng ca mới đủ “toa hàng”. Giá trả cho lao động ban đêm thường tăng thêm từ 300 đến 500 đồng/cây (từ 2.300 đến 2.500 đồng/cây). Tuy nhiên, những đợt “cao điểm” chỉ xuất hiện mỗi năm từ tháng 6 đến tháng 8 Âm lịch mà thôi.
Về Tri Tôn đâu đâu cũng bắt gặp những lò uốn tầm vông đỏ lửa như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của những làng nghề truyền thống giờ đang “bùng nổ’. Nghe người dân Tri Tôn hôm nay kể chuyện làm giàu, chuyện xây dựng, giữ gìn danh hiệu xã nông thôn mới bằng sự quyết tâm, cộng đồng trách nhiệm, bằng cái nghề làm bạn với “thần lửa” quanh năm, thấy mừng cho người lao động nơi này. Cây tầm vông ở Tri Tôn vẫn đang tươi xanh vươn mình mạnh mẽ báo hiệu cuộc sống ấm no, hạnh phúc đã và đang về với vùng đồi núi ven biên giới tỉnh An Giang.
![]() Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trong thời gian qua tại Hà Nội là do phương tiện giao ... |
![]() Bỏ hẳn mảng bán lẻ với tuyên bố giải thể Vinpro, chia tay với những dự án nông nghiệp đầy tham vọng và đóng cửa ... |
![]() Quốc lộ 32, đoạn Cầu Diễn - Nhổn từng được ví là "con đường đau khổ" bởi tiến độ thi công ì ạch trong quá ... |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
