Đây là một đề án riêng nằm trong Đề án chung “Phát triển kinh tế đô thị đến năm 2025, tầm nhìn 2030" mà TP Hà Nội vừa phê duyệt. Trong đó, chính quyền thành phố giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng lập đề án "phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".
Ngay sau khi đề án này được công bố trên báo chí, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phân tích và cho thấy, đề án này của Hà Nội là thiếu tính khả thi, khó có thể thực hiện được vào thời điểm năm 2030. Bài viết này xin được tổng thuật lại ý kiến của một số chuyên gia đã phát biểu trên báo chí về đề án cấm xe máy của Hà Nội.
Người đầu tiên là TS Nguyễn Xuân Thuỷ - Chuyên gia giao thông đô thị. Ông Thuỷ cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông Hà Nội còn yếu kém, đường sá hẹp, việc cấm xe máy hoạt động sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại. Hà Nội đang có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó trên 6 triệu xe máy, chưa kể xe của khách vãng lai từ các tỉnh thành khác chạy qua Hà Nội. Mỗi ngày, toàn thành phố có khoảng 14 triệu lượt đi lại, nhưng giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng hơn 10%. Nếu vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội chưa thể đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân thì chưa thể cấm xe máy.
TS Thủy cũng đưa ra các nguyên nhân cụ thể để chứng minh cho việc không thể cấm xe máy trong nội đô Hà Nội. Thứ nhất, về mặt khoa học, xe máy là một phương tiện cơ động, tốc độ, giá thành vừa túi tiền của người dân, chiếm diện tích đường chỉ bằng 1/5- 1/10 so với ô tô. Thứ hai, xe máy chỉ gây ô nhiễm bằng 1/5 – 1/10 ô tô. Do đó, không thể nói xe máy là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, xe máy phù hợp với điều kiện đường sá và hạ tầng của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Thứ ba, phương tiện xe máy hiện nay ở Thủ đô đang chiếm 70% lưu lượng. Nếu cấm xe máy trong khi giao thông công cộng chưa phát triển thì người dân đi lại, làm ăn bằng gì, đặc biệt là những người thường xuyên phải di chuyển bằng xe máy. Hiện nay, 80% người trưởng thành đi xe máy, trong đó ít nhất 60% là phương tiện phục vụ công việc để nuôi gia đình. “Nếu cấm thì người ta đi bằng gì, sống thế nào? Tôi nghĩ đến năm 2030 không thể cấm xe máy", ông Thủy nhận định.
Ngoài ra, ông Thuỷ còn đặt câu hỏi, xe máy gây ô nhiễm ít hơn nhiều so với ô tô, xe máy cũng chiếm diện tích ít hơn so với ô tô. Vậy tại sao chỉ cấm xe máy mà không cấm ô tô cá nhân? Từ nay đến năm 2040, Hà Nội vẫn sẽ có 20 – 30% người dân đi xe máy.
Ông Thuỷ cũng lo ngại trong trường hợp TP Hà Nội cấm xe máy, người dân có thể đổ xô đi mua ô tô hoặc chọn ô tô làm phương tiện di chuyển chính. Trong khi hạ tầng còn yếu kém, nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ở nội đô có thể tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.
Chuyên gia thứ hai, cũng là người có chung quan điểm với TS. Thuỷ về việc cấm xe máy, là ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Ông Thanh cho rằng, trước khi cấm xe máy, Hà Nội phải phát triển được vận tải hành khách công cộng như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh, xe buýt thường, phải cam kết đến năm 2023, năm 2024 làm được gì để phục vụ cho người dân đi lại thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, Hà Nội phải đưa được các trường đại học, cơ sở kinh tế, cơ quan hành chính ra ngoài nội đô. Đồng thời, phải phục vụ đủ các tuyến xe buýt chuyên chạy những tuyến đường này thì mới giải quyết được phương tiện đi lại cho người dân. Theo ông Thanh, bản thân ông rất muốn hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô và đồng tình với đề án này. Tuy nhiên, Hà Nội phải có quy hoạch cụ thể chứ đề án này được đưa ra gần chục năm vẫn “giậm chân tại chỗ”. Quá trình xây dựng đề án, sở ngành của Hà Nội cần đưa ra mốc thời gian và mục tiêu cụ thể. Việc này nhằm thông báo cho người dân biết để thích nghi dần.
Về mốc thời gian 2030, ông Thanh khẳng định Hà Nội khó thực hiện được. Ông lý giải trong 10 năm, thành phố mới có thể hoàn thành 12 km của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đến năm 2030, thành phố khả năng chỉ có thêm một tuyến Nhổn - Ga Hà Nội. Hai tuyến này chưa đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân.
“7 năm nữa Hà Nội phải làm sao để đạt được 50% phương tiện vận tải công cộng thì hãy nghĩ đến việc cấm xe máy cá nhân, nếu không đạt được thì đừng nói”, ông Thanh nhấn mạnh và cho biết, trong khi đó ô tô là phương tiện gây nguy cơ ùn tắc và tạo ra lượng khí thải cao hơn xe máy.
Người thứ ba, một chuyên gia giao thông khác là TS Phan Lê Bình. Ông Bình đặt vấn đề: Nếu nhu cầu đi xe máy chuyển sang giao thông công cộng thì giao thông công cộng có tải nổi không? Mặc dù hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội gồm buýt, BRT, metro đã khá mạnh, mạng lưới phủ dày, tần suất xe cao. "Tuy vậy, để có thể gánh hết toàn bộ nhu cầu giao thông từ xe máy chuyển sang thì e là chưa đủ sức”, ông Bình nhận định.
Hơn thế, không hẳn khi cấm xe máy thì 100% người đi xe máy sẽ chuyển sang giao thông công cộng mà một bộ phận có khả năng chuyển sang đi ô tô cá nhân. “Nếu tỉ lệ này cao thì sẽ có nguy cơ dù cấm xe máy vẫn không giảm được ùn tắc. Bởi vì ô tô chiếm diện tích lớn hơn nhiều và không linh hoạt bằng xe máy”, ông Bình lưu ý. Đồng tình với quan điểm này của TS Bình, các chuyên gia giao thông khác cũng dự đoán, nếu cấm xe máy thì có thể người dân sẽ đua nhau mua ô tô, và lúc ấy thì chắc chắn “đường phố Hà Nội sẽ không còn chỗ mà len".
Vậy là Hà Nội chỉ còn 7 năm nữa để thực hiện mục tiêu cấm xe máy trong 12 quận nội đô. Căn cứ vào tình hình thực tiễn hạ tầng giao thông công cộng của Hà Nội, tham khảo những ý kiến của các chuyên gia giao thông kể trên, ta có thể thấy việc Hà Nội đặt ra mốc 2030 đó là thiếu cơ sở khoa học và không khả thi. Trước hết là vì, hiện nay, hệ thống giao thông công cộng Hà Nội chưa phát triển, kết nối hạ tầng chưa đồng bộ, một loạt các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, hệ thống xe buýt không tiếp cận đến những ngõ ngách của Hà Nội, vận tải hành khách công cộng chỉ đáp ứng 10% nhu cầu. Một điều nữa mà TP Hà Nội cần nghiên cứu để có hướng giải quyết là, cùng với vấn nạn ùn tắc giao thông ngày càng trở nên trầm trọng, thì song song với đó là chuyện đời sống của phần lớn người dân Thủ đô vẫn còn khó khăn, phần lớn người dân phải dùng xe máy là phương tiện để kiếm sống. Do đó, việc cấm xe máy có thể gây mất việc làm cho rất đông người dân Thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội chỉ có thể thực hiện được việc cấm xe máy khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân.
Vì vậy, việc cấm xe máy hoạt động ở nội đô Hà Nội vào năm 2030 là một đề án thiếu khả thi. Sở GTVT HN cần nghiên cứu lại đề án chi tiết cho kỹ lưỡng, khoa học và mang tính thực tiễn cao, ngõ hầu nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia giao thông, của đông đảo người dân tham gia giao thông tại Hà Nội.
Ai cũng sợ ùn tắc, ai cũng muốn đường thông hè thoáng, nhưng hãy lấy việc giải phóng vỉa hè bao năm nay vẫn chưa hoàn thành để làm một bài học cho việc cấm xe máy. Đó là, ai ai cũng cần phải lo kiếm sống, phải sống được đã, trước khi lo tới việc ùn tắc giao thông và trật tự vỉa hè.
Chỉ khi nhận rõ bài học đó, chỉ khi giải được bài toán cực khó đó, thì đề án cấm xe máy nội đô của TP Hà Nội mới có thể mang tính khả thi, bền vững và được Nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng.
AN VINH
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả An Vinh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. "Buy me a coffee" Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả An Vinh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả An Vinh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục Cà phê tối, nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |
Kinh tế - Chính sách
Cổ phiếu VFS sau ngày đầu hứng khởi

Giữ quận Hoàn Kiếm và tinh thần của Hà Nội

Không thừa thế xông lên để “gậy ông đập lưng ông”

Ba con số thiếu chủ ngữ

Khi công nhân “bàn luận” với Chủ tịch Quốc hội
Văn hóa - Xã hội

Mong ước đầu năm học

Tính cách của Nguyễn Thanh Long và số phận của ông Nguyễn Trường Sơn 1

Nghĩ về một ngày lễ lớn của lực lượng Công an Nhân dân

Oppenheimer và cách kể một câu chuyện lịch sử

300 ngàn thí sinh và lựa chọn không vào đại học
Môi trường - Sức khỏe

Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Vụ bắt cóc 20 giây

Tang thương Phố Núi

Bằng chứng F

Vụ sạt lở do… “nhân tai”
Tin mới

Đã đến lúc phải nhìn lại AI

Đằng sau trào lưu “búp bê hóa” con người

Viên “kẹo rau” đắng ngắt!
Tin tức khác

Sự lặp lại thú vị của lịch sử

“Giang hồ mạng” đi quảng bá thương hiệu

Lùm xùm ViruSs và dopamine hóng hớt

Động đất thì phải làm gì?

Tờ vé số 2 tỷ không “nguyên hình, nguyên khổ”
