![]() |
Hồ sơ sức khỏe điện tử bắt đầu được triển khai từ tháng 7/2020. Ảnh minh họa |
Tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019, Chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng và triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân, thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin cơ bản với dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhiệm vụ này có thời gian triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020 và được tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 – 2025.
Việc sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân, công nhân lao động (CNLĐ) có thể quản lý và theo dõi chăm sóc sức khỏe. Được biết, hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân được Bộ Y tế triển khai từ tháng 7, trong đó có ghi nhận thông số về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh... Ngành Y tế phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khỏe. Theo đó, Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân và lộ trình từ tháng 7 sẽ triển khai trên toàn quốc. Dự kiến, trong năm 2020, mỗi người dân có thể làm chủ được hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử.
Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Y tế, cho biết: Trước hết là cần tuyên truyền, vận động cho người dân, người lao động, đoàn viên công đoàn nên đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến trước khi đến bệnh viện để thăm khám nhằm hạn chế tình trạng quá tải, mất nhiều thời gian chờ đợi. Thứ hai là đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế đến ngày 30/6, 100% các dịch vụ công sẽ triển khai. Do đó, người dân, CNLĐ và doanh nghiệp không cần thiết phải tới các cơ quan của Bộ Y tế để giải quyết thủ tục hành chính, điều này giúp giảm chi phí, thời gian đi lại. Thứ ba là hồ sơ sức khỏe điện tử. Công đoàn nên vận động CNLĐ tham gia lưu trữ, sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử.
Cục Công nghệ thông tin cũng đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xây dựng mã định danh y tế cho người dân. Theo đó, tài khoản người dùng theo địa danh tỉnh, và xây dựng chuẩn kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử với các hệ thống y tế.
Lợi ích của hồ sơ sức khỏe điện tử
![]() |
Các khu công nghiệp tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ. Ảnh minh họa. |
Hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người lao động. Theo đó, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho y, bác sĩ đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ của một người. Ngoài ra, việc kết hợp với thăm khám hiện đại, bác sĩ sẽ có nhận định về sức khỏe của người bệnh một cách toàn diện hơn, đồng thời chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chẩn đoán, điều trị, và giúp giảm bớt chi phí khám chữa bệnh không thực sự cần thiết.
Bà Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính thuộc Bộ Y tế, cho biết: Các khu công nghiệp bao giờ cũng phải có khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ. Việc xây dựng các trạm y tế hoặc trung tâm y tế ngay tại khu công nghiệp sẽ giúp ích cho CNLĐ, và người dân sống ở đây rất nhiều, giảm tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế; đồng thời còn giúp làm dày thêm dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử.
Bộ Y tế nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân, có lợi cho ngành Y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề. Đây là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời góp phần hiện đại hóa ngành Y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Tích hợp quản lý đoàn viên kết hợp với hồ sơ sức khỏe điện tử
![]() |
Hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Ảnh minh họa. |
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Nguyễn Đình Khang chia sẻ, Tổng LĐLĐ VN đang xây dựng một chương trình quản lý đoàn viên bằng thẻ tích hợp tất cả các thông tin. Nếu như sắp tới kết hợp được với hồ sơ sức khỏe điện tử vào trong thẻ quản lý đoàn viên thì điều này sẽ rất có lợi cho đoàn viên là CNLĐ. Việc này Tổng LĐLĐ VN sẽ cùng bàn bạc lại với phía Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế để xem cần phải có những thông tin gì và kết hợp ra sao.
Chị Kim Yến, công nhân KCN Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang) chia sẻ: “Tôi cũng có nghe nói về hồ sơ sức khỏe điện tử. Mặc dù vẫn chưa hiểu hết nhưng nếu hồ sơ sức khỏe điện tử nhanh gọn, tích hợp được nhiều thông tin, giúp anh em công nhân chúng tôi tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc khám chữa bệnh thì mừng lắm”.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, việc triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân sẽ được ngành Y tế thực hiện từ năm 2019 cho đến 2025. Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tổ chức triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn, bảo đảm đến cuối năm 2020 có ít nhất 80% người dân trên địa bàn tỉnh, thành phố được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử; hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu Y tế quốc gia. Theo đó, đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước. |