![]() |
Chị Tình là công nhân PouYuen, sau khi mất việc ở công ty, Tình chuẩn bị hồ sơ để tìm một công việc mới. |
“Vào “Bon Chen” từng là khát khao của em…”
Học vừa xong lớp 9, Tình rời Nghệ An vào miền Nam lập nghiệp. Tình bảo, khi đó mình mới 14 tuổi, vào làm cho một tổ hợp may ở quận Bình Tân, nơi Công ty “Bon Chen” (Cách công nhân gọi PouYuen - PV) đặt nhà xưởng. “Lúc đó, cái tổ hợp may của em nhỏ xíu, lương thấp, không có bảo hiểm gì hết nên thấy mấy chị lớn tuổi hơn đi làm “Bon Chen”, em ngưỡng mộ lắm. Lúc đó, được vào “Bon Chen” là khát khao của em nên vừa đúng 18 tuổi là em làm hồ sơ nộp đơn vào “Bon Chen” liền”.
Thời điểm đó, được vào làm ở Công ty PouYuen Việt Nam không phải dễ. May mắn, Tình có một người đồng hương cùng khu trọ bảo lãnh nên Tình được nhận vào làm. Làm được hơn 3 năm, Tình bị đau dạ dày, uống thuốc nhiều nhưng không khỏi nên xin nghỉ việc về quê nghỉ dưỡng bệnh. Trên chuyến xe về quê, Tình gặp một người đồng hương, người trở thành cha của con Tình bây giờ. Một cái đám cưới diễn ra nhanh chóng nhưng có lẽ, như lời Tình nói, vì cưới quá vội vàng nên cuộc sống hôn nhân trục trặc. 3 tháng sau, Tình ly hôn khi đã mang thai cậu con trai bây giờ.
Sinh con được 8 tháng, Tình để con cho ông bà ngoại chăm sóc, một mình vào lại miền Nam, lần thứ hai nộp hồ sơ vào Công ty PouYuen Việt Nam. Tình bộc bạch: “Mỗi năm em về quê hai lần thăm con, một lần là Tết đi theo xe công đoàn, một lần là hè. Mỗi lần gần con được vài ngày”. Tình rơm rớm nước mắt: “Có lẽ việc gần con quá ít như vậy nên em đã không phát hiện ra được những bất thường của con trai em. Con em chạy nhảy liên tục, không chú ý vào một cái gì đó được lâu. Đi học cô giáo mắng vốn suốt. Đến khi con em 5 tuổi, em mới giật mình, lên mạng tìm hiểu, em mơ hồ nhận ra con mình có vấn đề nhưng chỉ nghĩ là do con thiếu tình cảm của cha mẹ nên mới như vậy. Năm 2017, em quyết định đưa con vào miền Nam”.
![]() |
Nhiều công nhân PouYuen như Tình, sau khi nghỉ việc cuộc sống sẽ đối diện với nhiều khó khăn |
Lúc này, Tình đã gặp được một người bạn đồng hành làm cùng công ty, quê ở Long An, yêu thương mẹ con Tình thật lòng. Người bạn của Tình đề nghị cả nhà 3 người về Long An sống, mỗi ngày đi theo xe đưa đón đi làm, con trai của Tình để ba mẹ của người bạn đưa đón đi học. “Con em cũng không khá hơn, các cô giáo lại tiếp tục mắng vốn vì con em cứ liên tục chạy nhảy, không tập trung. Bọn em lại dọn lên Sài Gòn, thuê trọ gần công ty. Em đưa con đi khám thì biết là con em bị tăng động, giảm chú ý. Bác sĩ bảo em bé đã hơn 5 tuổi, qua thời điểm vàng để chữa trị tốt nhất nhưng nếu cố gắng thì mọi thứ cũng sẽ ổn thôi. Em ôm con, khóc hết nước mắt”.
Người bạn đồng hành của Tình quyết định nghỉ làm, đăng ký chạy xe ôm công nghệ để có thời gian đưa đón con trai của Tình đi học và chơi với con. “Tiền thuốc của con em mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác nên có một công việc ổn định đối với em cực kỳ quan trọng. Đi làm ở “Bon Chen”, mỗi tháng được hơn 7 triệu đồng, em chi tiêu tiết kiệm thì lo cho con em cũng tạm ổn. Cho nên hôm bữa cán bộ gọi cho em thông báo là ngày 20/6 lên xưởng để gặp công ty là em biết chắc mình sẽ nằm trong nhóm cắt giảm nhân sự. Em sốc và đau khổ vô cùng”, Tình kể lại.
Tuy nhiên, sau cuộc làm việc sáng 20/6, Tình cũng thừa nhận là mình cảm thấy an ủi rất nhiều khi công ty thông báo sẽ hỗ trợ mỗi năm làm việc 1 tháng lương. Với 5 năm 8 tháng làm việc, công ty tính cho Tình tròn 6 năm, Tình được hỗ trợ hơn 34 triệu đồng.
Bắt đầu một hành trình mới khó khăn hơn rất nhiều
Tình chia sẻ: “Thực ra cái em cần nhất là công việc nhưng trong hoàn cảnh này, em phải chấp nhận thôi”. Hơn 1 tháng qua, khi công ty không có đơn hàng, tuần làm, tuần nghỉ, thu nhập của Tình đã giảm đi so với trước, chỉ còn hơn 5 triệu đồng/tháng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc chạy xe ôm công nghệ của người bạn đồng hành cũng không được thuận lợi, thu nhập giảm. Nhưng tiền thuốc cho con, tiền nhà trọ, các khoản khác vẫn không thay đổi, ba mẹ hai bên lại đau nữa, cần tiền để điều trị. Tình làm thêm đủ thứ, ai chỉ gì cũng làm nhưng thu nhập thì lại giảm nên cuộc sống vẫn túng thiếu. Công nhân thiếu việc như Tình, giảm thu nhập phải đi vay lãi, vay 1 triệu đồng thì mỗi tháng trả 100 ngàn đồng tiền lãi.
![]() |
Mấy hôm nay, người bạn đồng hành của Tình về quê, Tình lại nghỉ việc nên sẽ đưa đón con đi học. |
“Buổi sáng ngày 20/6 là một ngày đặc biệt đối với em. Nhiều anh chị nhận được hỗ trợ một trăm, hai trăm, ba trăm triệu đồng thì đúng là vui thật. Sự gắn bó với công ty của anh chị đã được công ty ghi nhận và tri ân xứng đáng. Bản thân em cũng bất ngờ với sự hỗ trợ của công ty dành cho anh chị em công nhân. Nó quá tốt so với những gì mà công nhân bọn em trông đợi. Bản thân em cũng vậy, gần 6 năm làm việc và 34 triệu đồng. Dù vậy, em vẫn thấy hoang mang”, Tình bộc bạch. Với Tình, 34 triệu đồng là số tiền không phải nhỏ đối với thu nhập và tình hình dịch bệnh hiện nay nhưng có 34 triệu đồng trong tay mà không có việc thì 34 triệu đồng đó cũng sẽ nhanh hết thôi!
“Em thực sự không biết mình có nên lên Phòng Công đoàn và đề nghị công đoàn can thiệp được ở lại làm việc không? Em nghĩ nếu em đề nghị thì chỗ bố Nghiệp (cách công nhân Công ty PouYuen Việt Nam gọi Chủ tịch Công đoàn Củ Phát Nghiệp - PV) sẽ hỗ trợ thôi. Mấy lần trước, em có đề nghị hỗ trợ, bố đều giúp hết. Nhưng mà nếu ở lại em lại sợ. Sợ nếu sắp tới tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, công ty không có đơn hàng, tuần làm, tuần nghỉ như tháng qua thì tiền lương của em sẽ không đủ để nuôi con. Em sợ nếu có một đợt giảm biên chế nữa thì sao, mình có “thoát” được không, lúc đó công nhân thất nghiệp quá đông, cơ hội việc làm cho mình ở chỗ khác cũng sẽ giảm… Em sợ nhiều thứ quá nên buổi sáng hôm đó em không có phản ứng gì, ký vào các giấy tờ rồi ra về mà lòng vừa buồn vừa vui”, chị trần tình.
Theo thông báo từ Công ty PouYuen Việt Nam, từ ngày 20/6, những công nhân được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động như Tình không phải đến công ty làm việc nữa nhưng công ty vẫn sẽ trả đủ lương. Tiền lương trên hợp đồng bao gồm lương cơ bản, phụ cấp môi trường, phụ cấp công việc, phụ cấp chuyên môn, thưởng chuyên cần, trợ cấp sinh hoạt, trợ cấp nuôi con nhỏ. Ai còn ngày phép công ty cũng sẽ thanh toán luôn. Thời gian này, công ty vẫn sẽ đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, riêng tháng 8/2020, công ty sẽ trả 1,5% chi phí bảo hiểm y tế cho công nhân. Và Tình đã bắt đầu tìm công việc mới.
“Em vừa nộp hồ sơ vào siêu thị Big C. Bác bảo vệ nhận hồ sơ rồi, bác nói để hai, ba hôm nữa bên nhân sự sẽ gọi. Hôm qua có một anh biết em thất nghiệp nên kêu em phụ quán ăn. Làm nguyên ngày chủ nhật, mỗi giờ được 30 ngàn đồng. Một bạn khác rủ em làm thêm cho một chị chuyên bán hàng online, công việc của mình là ngồi xem khách đặt hàng, chốt đơn khi chị ấy livestream bán hàng. Làm từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Ngoài ra, em cũng đang tập tành bán hàng online nhưng mà mình mới quá. Em lấy về 5 sản phẩm rồi mà mới bán được 1 sản phẩm thôi…”, Tình liệt kê những việc mà Tình đã và đang dự định làm để xoay xở trong giai đoạn này.
![]() |
Niềm hạnh phúc của Tình là nhìn con trai đọc sách một cách chăm chú. |
“Sắp tới sẽ rất khó khăn nhưng em sẽ cố gắng vì con. Con em được như hôm nay cũng là một điều may mắn đối với em. Em tin mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Em sẽ cố gắng tìm một công việc có thu nhập ổn định và làm thêm. Em cũng mong Công ty “Bon Chen” sẽ nhanh phục hồi sản xuất, có đơn hàng, tuyển lại công nhân. Các bác bên công ty nói là nếu tuyển lại sẽ ưu tiên cho tụi em. Lúc đó, em sẽ lại nộp đơn vào “Bon Chen””, Tình bày tỏ. Đang trò chuyện thì Tình nhờ tôi “trông nhà” để đi đón con. Gần 12 giờ trưa, hai mẹ con về tới phòng trọ. Con của Tình tên Hiếu, năm nay 7 tuổi, chuẩn bị vào lớp 2. Gặp người lạ, Hiếu khoanh tay chào. Đi học về Hiếu tự cất cặp, thay áo quần, đồ thay ra để đúng nơi đúng chỗ. Tình sửa soạn nấu bữa trưa, Hiếu lấy sách ra đọc.
![]() Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 24/6, tổng số người nhiễm trên toàn cầu đã vượt 9,3 triệu người với hơn 478 ... |
![]() Chăm lo, quan tâm và bố trí giờ giữ trẻ phù hợp với thời gian tăng ca là cách mà Trường Mầm non May 10 ... |
![]() Bà Gái - U70, khách hàng của Điện lực Quảng Ninh không khỏi choáng váng bởi cái hóa đơn 89 triệu 350 ngàn. Bà lúc ... |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
