![]() |
Công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh vận hành máy cắt viền cây 3 cạnh |
7 đoàn viên đón nhận Bằng Lao động sáng tạo, mỗi người đảm nhận những công việc khác nhau ở các cơ quan, doanh nghiệp và họ cùng một điểm chung là mong muốn khắc phục những hạn chế trong công việc bằng những sáng kiến thiết thực, hiệu quả. Từ những sáng kiến tưởng chừng đơn giản như chế tạo máy cắt viền cây đến sáng kiến xây dựng hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp thông tin từ các cấp đều được người lao động dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu, thiết kế và vận hành trong thực tế.
Chia sẻ với chúng tôi về chiếc máy cắt viền cây 3 cạnh, anh Trần Hữu Phong -Tổ trưởng Tổ vận hành máy, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh phấn khởi, nói: “Chế tạo được máy để đem lại lợi ích cho công ty, chúng tôi rất vui. Hiện nay máy cắt viền cây 3 cạnh đã được công ty áp dụng rộng rãi trong việc cắt tỉa cây đường viền trong toàn thành phố và các địa phương khác”.
![]() |
Máy cắt viền cây 3 cạnh được sử dụng rộng rãi ở thành phố Hà Tĩnh và các địa phương |
Nhiều năm qua, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh thực hiện cắt viền cây bằng kéo hoặc dùng máy cắt cỏ. Công việc quen thuộc tưởng như đơn giản này lại tốn nhiều công sức và có nhiều hạn chế. Đó là mỗi lần chỉ cắt được 1 mặt của đường viền, nếu công nhân không lành nghề thì các đường cắt không tạo được độ thẳng và phẳng nhất định. Quá trình cắt viền cây tốn nhiên liệu và dễ mất an toàn.
Nhằm khắc phục những hạn chế đó, anh Trần Hữu Phong đã trao đổi với Ban giám đốc và các bộ phận liên quan về việc nghiên cứu, chế tạo máy cắt viền cây. Từ kinh nghiệm nhiều năm làm kỹ thuật, anh Phong đã lên ý tưởng và thực hiện các bước chế tạo máy. Đồng hành với anh trong sáng kiến được chờ đợi này, có Giám đốc, Phó giám đốc Công ty, Trưởng phòng KHKT và Giám đốc Chi nhánh Công viên cây xanh.
Máy cắt đường viền 3 cạnh khi đưa vào sử dụng đã mang lại lợi ích về nhiều mặt. Máy cắt tỉa được 3 mặt của viền cây trong một lần di chuyển, tạo độ thẳng và phẳng cho viền cây do có định vị của khung máy. Đặc biệt, máy giúp giảm sức lao động và nâng cao năng suất gấp 3 lần. Trước đây, khi cắt viền cây theo cách thủ công, mỗi ngày, công nhân cắt được 150 m2, khi sử dụng máy cắt viền 3 cạnh đạt 450 – 500 m2. Nếu như máy cắt viền cây trước đó sử dụng xăng, thì máy cắt viền 3 cạnh sử dụng nguồn điện từ bình ắc quy, giúp tiết kiệm nhiều nhiên liệu và góp phần bảo vệ môi trường.
![]() |
Máy cắt viền cây 3 cạnh trưng bày tại công ty |
Ngoài ra, máy dễ sử dụng do quá trình di chuyển được thiết kế khung định vị để cố định đường cắt. Máy có các tấm chắn để đảm bảo an toàn cho người vận hành và khu vực xung quanh. Chi phí đầu tư để chế tạo máy chỉ có 3, 5 triệu đồng.
Anh Trần Hữu Phong chia sẻ: “Là những người lao động trực tiếp nên mình hiểu được hạn chế của các biện pháp thi công. Từ đó, trong khả năng có thể, mình tìm cách chế tạo từng bộ phận rồi lắp ghép, thử nghiệm. Điều giúp mình có động lực tìm tòi, nghiên cứu là sự đồng tình, khích lệ của Ban giám đốc và anh em các bộ phận liên quan. Mọi người đã tham gia khảo sát, góp ý và cho áp dụng ngay vào sản xuất khi máy hoàn chỉnh. Thực sự, khi thấy công nhân làm việc dễ dàng hơn, mình rất vui”.
Đối với anh Dương Kim Nga, Giám đốc Trung tâm Công báo – Tin học UBND tỉnh Hà Tĩnh, được phát huy trình độ chuyên môn để thực hiện những sáng kiến áp dụng công nghệ thông tin vào hành chính công vụ là điều anh luôn mong muốn thực hiện.
Anh Nga chia sẻ: “Trước đây, việc gửi, nhận văn bản, lưu trữ tài liệu, phân công xử lý văn bản thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống bằng hình thức giấy tờ nên có tình trạng thất lạc, khó kiểm soát được văn bản đi, đến dẫn đến sót việc và khó kiểm soát được việc chậm xử lý văn bản. Từ đó, mình đã dành thời gian nghiên cứu và xây dựng Hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử qua trục văn bản liên thông quốc gia".
![]() |
Anh Dương Kim Nga luôn mong muốn áp dụng công nghệ thông tin vào trong công việc |
Hệ thống này được nghiên cứu từ năm 2014 và xây dựng phát triển thành phần mềm ứng dụng cho các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hằng năm, hệ thống được phát triển theo từng mô hình phù hợp với thực tế và hạ tầng công nghệ. Lúc đầu, hệ thống được đưa vào sử dụng ở các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị. Qua thời gian sử dụng, nhận thấy tính thiết thực, hiệu quả, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định triển khai đồng bộ từ tỉnh đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện, xã.
Đến nay, hệ thống tạo kết nối liên thông và có trên 90% văn bản điện tử của các đơn vị được gửi, nhận hai chiều, được gửi liên thông qua 4 cấp gồm: Xã, huyện, tỉnh, các bộ, ngành Trung ương và ngược lại. Hệ thống được cài đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, gắn mã định danh, tích hợp chữ ký số, các đơn vị được cấp tài khoản và tài liệu hướng dẫn sử dụng.
Việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các đơn vị đã giúp giải quyết thông tin đi, đến kịp thời, giúp lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành linh hoạt; tích hợp được kho dữ liệu tập trung để dễ khai thác, tra cứu. Hệ thống có các chức năng kiểm soát báo cáo đã đến người nhận, đã đọc/chưa đọc để thuận tiện cho người gửi dễ kiểm soát. Áp dụng hệ thống này, đảm bảo công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên quan.
![]() |
Giao diện văn bản đi đến trên hệ thống gửi nhận văn bản điện tử |
Hiện nay, có 2.900 đơn vị sử dụng hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử qua trục văn bản liên thông quốc gia. Bình quân, mỗi đơn vị tiết kiệm được chi phí văn phòng phẩm khoảng 1 triệu đồng/năm. Như vậy, ước tính mỗi năm tiết kiệm ngân sách khoảng 3 tỷ đồng.
Anh Dương Kim Nga chia sẻ: “Là một cán bộ công tác nhiều năm ở UBND tỉnh, với chuyên môn là kỹ sư Tin học, Thạc sỹ Toán ứng dụng, mình luôn mong muốn đổi mới, áp dụng triệt để công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính. Hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử qua trục văn bản liên thông quốc gia đã mang lại hiệu quả thiết thực cho UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương; góp phần xây dựng quy trình làm việc chuyên nghiệp, hiện đại. Mình mong rằng, thời gian tới, bản thân sẽ tiếp tục có những đề tài, sáng kiến trong hoạt động Công báo – Tin học”.
Những năm qua, các cấp Công đoàn Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tham gia sôi nổi các phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất - chất lượng - hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng môi trường làm việc Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động… Qua các phong trào thi đua, đã có nhiều đề tài, sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, góp sức cho sự phát triển của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Công đoàn Hà Tĩnh cũng kịp thời biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có các sáng kiến tiêu biểu, xuất sắc. |
![]() Bản đồ COVID thành phố đỏ và nóng như nhiệt độ của Sài Gòn những ngày tháng 8. Còi xe cứu thương, biển cấm, rào ... |
![]() 5h chiều, anh Hoá đeo khẩu trang, nhét tờ phiếu đi chợ vào túi áo rồi tới nhà văn hoá thôn. |
![]() Trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, không chỉ động viên chia sẻ với những người lao động khó khăn mà các cấp công đoàn ... |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
