![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) gặp gỡ công nhân lao động các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng tại Hà Nam, năm 2018. Ảnh: VGP/QUANG HIẾU. |
Lợi ích cơ bản của người lao động chính là mức tiền lương (bao gồm cả mức tiền lương tối thiểu), các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ hợp lý đảm bảo sức khỏe làm việc...
Lợi ích của người sử dụng lao động (chủ doanh nghiệp) chính là năng suất lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cuối cùng là lợi nhuận doanh nghiệp. Lợi ích của Nhà nước đó chính là sự ổn định xã hội, nền hòa bình xã hội, sức cạnh tranh của nền kinh tế và tăng mức thu ngân sách và từ đó làm cho xã hội phát triển không ngừng.
Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ
Đối thoại trong lĩnh vực lao động được thiết lập ở các cấp độ khác nhau nhằm mục đích đảm bảo lợi ích các bên theo từng cấp độ kinh tế: cấp quốc gia, cấp ngành nghề, cấp địa phương và cấp cơ sở (doanh nghiệp). Đối thoại cấp quốc gia giải quyết vấn đề mang tính vĩ mô liên quan đến các bên tham gia, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, đổi mới chính sách và điều chỉnh các vấn đề mang tính vĩ mô. Chẳng hạn như vấn đề tiền lương tối thiểu, vấn đề làm thêm giờ, vấn đề đóng Bảo hiểm xã hội...
Ở nhiều nước, thành lập các hội đồng, hay ủy ban ba bên quốc gia về quan hệ lao động, bao gồm các thành viên ba bên là đại diện chính phủ, đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động để giúp chính phủ đưa ra các kiến nghị về vấn đề có tính ảnh hưởng trên toàn quốc. Đây cũng chính là một cơ chế đối thoại ba bên liên quan đến quan hệ lao động.
Ngoài ra chính phủ cũng có thể tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp theo cơ chế hai bên, chẳng hạn như đối thoại với người lao động, đối thoại với các doanh nghiệp để có thêm những thông tin cần thiết nhằm đảm bảo cho quan hệ lao động phát triển lành mạnh. Đây cũng chính là cách điều chỉnh quan hệ lao động một cách dân chủ, phát huy sức sáng tạo của toàn xã hội.
Trong cơ chế ba bên điều chỉnh quan hệ lao động, chính phủ có vai trò đặc biệt. Chính phủ đồng thời vừa tham gia trong cơ chế ba bên với tư cách là một bên đại diện cho lợi ích quốc gia, nhưng chính phủ còn với vai trò là người lập pháp, xây dựng ban hành các chính sách pháp luật; người trung gian hòa giải các cuộc tranh chấp về quyền và lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo quan hệ lao động phát triển lành mạnh. Chính vì vậy, trong nền kinh tế thị trường, chính phủ đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) thăm 11 gian hàng trưng bày sản phẩm "Tự hào Trí tuệ lao động khu vực Đồng bằng sông Hồng" tại Hà Nam, năm 2018. Ảnh: VGP/QUANG HIẾU. |
Theo kinh nghiệm của hầu hết các nước có nền kinh tế thị trường, đặc biệt là các nước kinh tế thị trường phát triển trên thế giới và tổng kết của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organisation - ILO), đối thoại trong quan hệ lao động chính là cơ chế, công cụ điều chỉnh quan hệ lao động phù hợp và hữu hiệu nhất. Đối thoại góp phần quan trong trong việc hoàn thiện pháp luật, chính sách về quan hệ lao động.
Thông qua cuộc đối thoại, tham khảo ý kiến của các bên trong quan hệ lao động, những vấn đề trong hệ thống pháp luật và chính sách được làm rõ hơn. Từ đó các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và điều chỉnh pháp luật và chính sách phù hợp hơn với tình hình hiện tại của nền kinh tế. Pháp luật và chính sách nếu được tham khảo ý kiến (thông qua đối thoại) các bên trong quan hệ lao động sẽ hài hòa lợi ích của các bên. Đối thoại còn tạo điều kiện sử dụng tốt hơn nguồn nhân lực. Đối thoại giúp giải tỏa các căng thẳng trong quan hệ lao động. Nó cũng giúp làm cho môi trường làm việc thỏa mái hơn, thân thiện hơn và tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội để cải tiến, đổi mới phương pháp làm việc. Đối thoại còn giúp ngăn ngừa tranh chấp lao động, thúc đẩy sự ổn định quan hệ lao động.
Nếu không có đối thoại, những xung đột, mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên liên quan không xử lý kịp thời. Những xung đột, mâu thuẫn này sẽ tích lũy dần và có thể dẫn đến sự bùng nổ các tranh chấp và đình công. Ngoài ra, đối thoại còn thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế...
Tuy nhiên, để cuộc đối thoại trong lĩnh vực lao động đạt hiệu quả cao thì cần phải đảm bảo các điều kiện như cần tự do nêu vấn đề đối thoại, phát hiện ra vấn đề cần đối thoại, biết lắng nghe ý kiến tư vấn của người khác, có phương pháp thảo luận trao đổi thông tin...
![]() |
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin về Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022. Ảnh: VGP/THU CÚC. |
Tạo được sự tin tưởng từ phía người lao động đối với Chính phủ
Qua 5 lần đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động trên toàn quốc, các ý kiến kiến nghị của công nhân chủ yếu liên quan đến vấn đề tiền lương, bảo hiểm, y tế, chế độ chính sách, nhà ở...
Người đứng đầu Chính phủ cũng đã có nhiều quyết định, chỉ đạo các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động ở mỗi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội khác nhau.
Chẳng hạn như vấn đề người lao động được quyền lựa chọn giữa hưởng Bảo hiểm xã hội một lần khi nghỉ việc hoặc bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để tiếp tục đóng và cộng dồn hưởng hưu trí sau này.
Về phía người lao động, sau khi được Chính phủ lắng nghe ý kiến của mình đã tạo được lòng tin tưởng và từ đó có thêm động lực để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nâng cao năng xuất lao động góp phần tăng thêm thu nhập cho bản thân và cho doanh nghiệp.
Ngày 12/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc đối thoại với công nhân lao động tỉnh Bắc Giang. Đó sẽ là cuộc đối thoại lần thứ 6 giữa người đứng đầu Chính phủ với công nhân lao động kể từ năm 2016 đến nay. Nội dung các ý kiến của người lao động lần đối thoại này đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp, vừa được Văn phòng Chính phủ gửi lấy ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Y tế và Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam bao gồm những nhóm vấn đề như: chính sách hỗ trợ công nhân nghèo được vay vốn để tăng gia sản xuất kinh tế hộ gia đình nhằm cải thiện đời sống; vấn đề nhà ở; nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa... của công nhân ở các khu công nghiệp; các chế độ chính sách liên quan đến mức sống tối thiểu và tiền lương tối thiểu cũng như vấn đề mức lương hưu nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội.
Ngoài ra, người lao động cũng kiến nghị Chính phủ giải quyết nhanh chính sách hỗ trợ công nhân bị nhiễm Covid-19; đẩy mạnh đào tạo nghề cho công nhân, phát triển nhiều hơn cơ sở đào tạo nghề tại các khu công nghiệp; xử lý nghiêm tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm, đóng bảo hiểm ở mức thấp, vi phạm quy định về an toàn lao động, không đóng phí công đoàn.
Thông qua các ý kiến kiến nghị của công nhân lao động lần này, có thể thấy nội dung phong phú đa dạng hơn rất nhiều so với các lần đối thoại trước đây. Điều này chứng tỏ hình thức đối thoại này đã tạo được sự tin tưởng từ phía người lao động đối với Chính phủ.
![]() |
Nhiều kiến nghị về việc làm, thu nhập của công nhân sẽ được tập hợp để chuẩn bị cho chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 vào ngày 12/6/2022 tại Bắc Giang. Nguồn: nguonluc.com.vn |
Với sự tham gia tích cực, quyết liệt của Chính phủ trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, mà trước hết là tạo ra mặt bằng pháp lý rõ ràng, công bằng sẽ làm cho quan hệ lao động ở Việt Nam phát triển một cách lành mạnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời làm cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế làm cho xã hội phát triển phồn vinh.
![]() Cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và công nhân lao động sẽ diễn ra sáng 12/6/2022 tại Bắc Giang. |
![]() Đến nay, đã 5 lần Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động. Rất nhiều tâm tư, nguyện vọng, kiến ... |
![]() Sáng mai, 12/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân tại Bắc Giang. |
Tin mới hơn

Kinh tế tư nhân phát triển: Công nhân lớn mạnh, công đoàn vững chắc

Kinh tế tư nhân và bứt phá thể chế

Công đoàn đồng hành cùng kinh tế tư nhân phát triển bền vững
Tin tức khác

Phát triển kinh tế tư nhân: Cơ hội và thách thức với tổ chức Công đoàn Việt Nam

Học tập suốt đời – Động lực phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam
Nêu bật vai trò của công đoàn trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Gợi mở văn hóa Công đoàn Việt Nam hướng đến 100 năm hình thành và phát triển
Nhiệm vụ trọng tâm đưa Luật Công đoàn (sửa đổi) vào cuộc sống
