![]() |
Đây là hình ảnh người lao động xếp hàng xin việc ở Thái Nguyên năm 2018 khiến nhiều người bị "choáng"; song, ở thời điểm này, nếu có doanh nghiệp nào đăng tải tuyển dụng rộng rãi, có lẽ số người xếp hàng còn đông hơn. Ảnh nguoiduatin.vn |
Tình cờ tôi thấy dòng tút này trên một mạng xã hội công nhân. Có lẽ người viết nó đang mệt mỏi sau một ngày hoặc một số ngày “vác” hồ sơ đi xin việc thất bại. Trở về phòng, đêm nằm trằn trọc - như một bạn công nhân viết “nghèo quá không ngủ được” - nhìn ra màn đêm, nghe tiếng mưa rơi và lướt đọc tin, toàn thấy tình trạng giống mình hỏi han chỗ nào có việc và chỗ nào có phòng trọ; bạn chán chường viết dòng chữ này.
7,8 triệu công nhân, người lao động đã mất việc, ảnh hưởng việc làm, thu nhập; gần 31 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Dự báo, tới đây mỗi tháng có thể hàng trăm nghìn công nhân, người lao động khác tiếp tục mất việc. Nhiều người đăng tin thanh lý đồ để về quê; nhiều người bán hàng online kiếm thêm nhưng cũng không ít lời than thở bán hàng ế ẩm, thậm chí bị “bùng” hàng. Đang lúc khó khăn, người ta phải tính toán, cân nhắc từng đồng trước khi mua hàng thì việc bán hàng có lẽ cũng không mấy sáng sủa.
![]() |
Hình ảnh công nhân mất việc, lo âu tìm việc rất quen thuộc trong những tháng dịch bệnh này. Đã mất việc, rất khó tìm việc mới, thành ra "thất nghiệp bền vững". Ảnh minh họa của danviet.vn |
Bạn có lý khi nói “thất nghiệp bền vững”. Câu chuyện thất nghiệp không phải như năm ngoái, năm kia, mất việc chỗ này có thể ung dung nghỉ ngơi ít ngày rồi đi xin việc ở nơi khác. Bây giờ ở đâu cũng thất nghiệp, chỗ nào cũng thất nghiệp, đi xin việc giống như cái đèn cù, chạy một vòng rồi trở lại điểm xuất phát ban đầu: Vẫn không có việc.
Nhưng không thể không có việc, bởi như bạn nói, “sống sao đây?”. Không phải ai cũng có quê để về, vì đi đã lâu, đã bứng hẳn gia đình ở quê ra phố thị; đã bán hết tài sản ở quê nhà; hoặc, đã cắm rễ quá sâu, còn nhà cửa, con cái học hành, không phải đơn thân hay vợ chồng son, bí quá thì vác ba lô lên vai đi luôn không cần suy nghĩ mấy. Nên những bạn công nhân đã có gia đình, thêm một hai đứa con đang tuổi ăn học thì vấn đề việc làm lúc này nan giải vô cùng.
Nhiều bạn tạm tìm công việc thời vụ cũng không dễ dàng. Hàng chục vạn lao động trẻ vừa tốt nghiệp phổ thông, không thi được đại học hoặc không có điều kiện học đại học cũng gia nhập “đội quân” tìm kiếm việc làm thời vụ này. Rất nhiều bạn như thế gửi thông tin trên mạng xã hội công nhân tìm việc chân tay, lao động phổ thông, nhận việc nửa ngày, một ngày hoặc vài giờ. Người công nhân đã mất việc càng dễ “thất nghiệp bền vững”.
![]() |
Công nhân thất nghiệp chạy chợ kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Ảnh nld.com.vn |
Tôi tin rồi mỗi người sẽ tìm ra cách để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thích nghi là một trong những khả năng ưu việt của con người mà nhờ thế, con người đã vượt qua biết bao gian khổ để tồn tại và phát triển. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, trước có việc, chi tiêu thoải mái hơn, ít tính toán hơn; thì nay, các nhu cầu sẽ được rà soát và thắt chặt; cái gì chưa thật cần thiết thì dừng lại; cái gì không sử dụng không chết người thì tạm thời không mua. Cùng với đó, sau nỗi thất vọng, chán chường, ngủ một giấc dậy mai lại “đèn cù” miệt mài tìm việc.
Đầu tiên phải đi, có quyết tâm đi đã thì mới có thể đến.
Chúc bạn thành công!
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
