![]() |
Người phụ nữ chân yếu tay mềm "quen" làm việc nặngđó là chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh. Trong ảnh, chị Minh với "khẩu súng" bắn ốc đang làm việc tại cửa hàng của mình. |
“Quen rồi không bỏ được”
Nạy, tháo lốp xe ra khỏi vành, chị chăm chú tìm kiếm cái đinh, mảnh sắt hay con vít gì đâm thủng lốp. Dùng kèm, tuốc-nơ-vít tháo các con vít, cây đinh “thủ phạm” ra rồi qua công đoạn vá, bơm… Cứ thế liên tục chữa hết chiếc lốp này sang chiếc lốp khác; đổi dụng cụ này sang dụng cụ khác cứ thoăn thoắt nhưng xem ra chị không phải “tiêu hao” năng lượng nhiều là mấy. Tóc búi cao, da trắng, sống mũi thẳng, dáng người nhỏ nhắn song thao tác nhanh nhẹn, dứt khoát.
Nghe tôi hỏi, chị cười và trò chuyện rất tự nhiên trong khi hai tay không ngơi nghỉ. Chị kể mình vốn xuất thân là thợ uốn tóc nhưng rồi duyên nghiệp mà gắn với công việc này. Nhiều người thân, bạn bè ai cũng nghĩ với đôi bàn tay mềm mại, trắng trẻo chuyên làm đẹp cho nữ giới lẽ ra nơi phù hợp với chị phải là ở trong một salon tóc.
Nơi có các trang thiết bị hiện đại và nội thất sang trọng với nào là ghế tạo kiểu tóc, các loại máy sấy tóc…Cớ sao trong cửa hàng bán lốp xe ô tô, hàng dãy lốp bụi bám treo chất trên cao, dưới đất chỏng chơ lốp xe ô tô hỏng các loại rồi máy nén khí, máy tháo vỏ xe, súng xiết bu lông… lại níu giữ chân chị? Chị cười thổ lộ: “Nó quen rồi anh! Cái nghề này cha truyền con nối mà!”. Chị gây cho tôi sự tò mò...
Chị tên Nguyễn Thị Nguyệt Minh, năm nay 46 tuổi nhưng có thâm niên nghề thay lốp, vá lốp ô tô gần 15 năm! Ba chị, ông Nguyễn Văn Trì “lão làng” của nghề mua bán lốp xe, vá và thay lốp ở đất cao nguyên. Ông từng được nhiều hãng lốp xe nổi tiếng của Pháp, Nhật… mời đi tham quan nước ngoài vì là đại lý có mức tiêu thụ lốp đạt doanh số cao.
Dạo ấy, ông đã gần bảy mươi, hay đau ốm. Chị đến cửa hàng phụ ba làm các việc lặt vặt như quét dọn, sắp xếp đồ nghề gọn gàng hoặc mua cơm nước và quản lý thu chi tiền. Thấy có lúc chị chăm chú nhìn thợ làm, thỉnh thoảng ông cụ chỉ bày các thao tác sử dụng dụng cụ thay, vá lốp. Chị thấy vui vui, hay hay, thử làm gọi là “giết thời gian” thôi nhưng rồi “nhập vai” lúc nào không biết. Đến khi sức khỏe ba giảm sút, ở nhà hẳn không còn lui tới cửa hàng, chị cùng cậu em trai quản lý cửa hàng và… nối nghề luôn cho đến nay.
![]() |
Thực ra, chân yếu tay mềm chỉ là một cách nói; với công việc nặng nhọc bẩy lốp ra khỏi vành này còn đòi hỏi người phụ nữ phải có sức khỏe dẻo dai. |
Cửa hàng mở cửa từ 6 giờ rưỡi sáng đến 5 giờ rưỡi chiều. Khách cứ nườm nượp. Có lúc ăn sáng gộp với ăn trưa đủ thấy công việc không hở tay là thật. Thu nhập hằng ngày thì không chừng. Ngoài bán lốp, vá lốp xe tùy loại lốp lớn hoặc nhỏ, công từ 30 nghìn đến 35 nghìn đồng. Riêng vá lốp cho xe của DaLat taxi hợp đồng với cửa hàng thì chỉ 25 nghìn đồng/lần vá.
Có ngày, riêng chị thay lốp, vá lốp cả hàng chục chiếc các loại. Có sức khỏe thôi chưa đủ. Công việc còn đòi hỏi chủ yếu ở sự kỹ lưỡng lẫn kỹ thuật. Tuy máy móc có hỗ trợ phần nhiều nhưng khi thao tác không tập trung chú ý sẽ dễ dẫn đến hỏng hóc lốp hoặc tai nạn cho mình.
Chị kể mình thường xử lý những loại lốp “khó nuốt” như lốp cứng hoặc lốp mâm đồ chơi kiểu có hông rất mỏng. Do đó khi xử lý phải hết sức cẩn thận. Gặp lốp có van cảm ứng nếu thao tác không chắc tay sẽ dễ “bồi thường” 4 hoặc 5 triệu đồng cho khách như chơi. Mà khi đã bồi thường có nghĩa là uy tín thương hiệu cửa hàng phần nào sứt mẻ. Bởi cẩn thận có tiếng nên nhiều xe du lịch, chủ yếu những dòng xe đắt tiền, hỏng lốp đều ghé cửa hàng chị để nhờ “chữa trị” cho yên tâm trên.
Hôm tôi đến, cửa hàng đang treo bảng tuyển thợ. Nghe kể, từng có một số thợ thanh niên trẻ khỏe từ Sài Gòn đã trải qua kinh nghiệm tháo bu lông bánh xe, nạy mâm xe… lên “đầu quân” sau khi được tuyển, nhưng chỉ sau vài hôm thể hiện là đã thở dốc, nằm bẹp rồi. Và những chàng trai trẻ ấy đã ra đi không hẹn ngày trở lại!
Giữ uy tín cho thương hiệu
Cửa hàng Kim Thanh, số 2A, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 1, TP. Đà Lạt đã có mặt tại đây, cạnh bến xe Tùng Nghĩa, sau khu Hòa Bình hơn 70 năm! Nghề mua bán và vá lốp xe ô tô các loại đã có từ thời bà cố Kim Thanh của chị Nguyệt Minh. Đến chị là đời thứ tư tiếp nối nghề này. “Phải hết sức để tâm khi thao tác từ nạy đến vá lốp.
Mình làm lớt phớt mang tiếng chết! Tuyệt đối không được chặt chém. Uy tín là hàng đầu”, chị nhỏ nhẻ. Thật vậy, hỏi vài anh lái xe đến vá lốp, các anh đều có chung nhận xét là rất yên tâm khi mang xe đến đây vá hoặc thay lốp mới. Rất nhiều lái xe của các vùng miền đến Đà Lạt đều phong chị Nguyệt Minh là “nữ kiện tướng” hàng đầu trong nhóm 4 nữ kiện tướng thay lốp, vá lốp xe ô tô (ba người còn lại, một ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh, một ở Nghệ An và người còn lại ở Thanh Hóa).
![]() |
Người phụ nữ chân yếu tay mềm - chúng ta vẫn quan niệm như vậy - nhưng công việc nặng nhọc như nâng xe, tháo bánh xe, chị Minh làm rất thành thục. |
Hỏi có khi nào thôi cái nghề này về mở cửa hàng kinh doanh gì khác cho nhẹ khỏe hoặc trở lại với nghề uốn tóc từng trải, chị khẳng định vẫn không thể bỏ cái nghề nặng nhọc mà vui thích này! Chị kể, hiện nhà có mặt bằng lại ở mặt tiền đường phố lớn đủ điều kiện kinh doanh nhưng chỉ dành để nghỉ ngơi, thư giãn sau khi ở cửa hàng về. Chồng chị lái xe, con trai đang học lớp 12.
“Nghề sẽ được truyền lại cho lớp cháu con. Có thể con của cậu em trai em nối nghiệp. Con trai em lại thích nghề dạy học hơn. Nếu sau này có thợ ổn định thì mình chuyển sang quản lý cửa hàng. Được cái không tốn tiền thuê mướn mặt bằng nên cũng dễ chịu”, chị Nguyệt Minh chia sẻ.
Thật sự tôi không dám hỏi thêm gì nữa vì thấy chị không hề ngơi tay, phần khách hàng thì người đang đứng, kẻ đang ngồi chờ đợi... Và ấn tượng đặc biệt để lại trong tôi là khuôn mặt chị không hề biểu lộ sự căng thẳng hay mệt mỏi vì công việc. Thật chẳng hổ danh “nữ kiện tướng” vá lốp ô tô chuyên nghiệp trên thành phố ngàn hoa!
![]() Nhiều người hoảng sợ khi chứng kiến cảnh tượng người phụ nữ đi xe máy bất ngờ lấn làn và đâm trực diện vào đầu ... |
![]() Bắc Bộ tiếp tục nắng hanh, đêm và sáng se se lạnh, trong khi khu vực Trung Bộ lại có mưa to trong ngày 26/9. ... |
![]() Một mình lặng lẽ đạp xe lên xã để xin thoát hộ nghèo, việc làm kỳ lạ của cụ bà 84 tuổi khiến cho nhiều ... |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
