![]() |
Chị Mặc Thị Xuyến, 45 tuổi ở xã Quyết Thắng (cùng ở TP Hải Dương) bị mất việc do dịch Covid-19 không biết phải làm gì |
Công ty cũ mất việc, công ty mới chỉ tuyển người trẻ
Hơn 1 tháng nay, sau khi nghỉ việc tại một công ty may ở phường Ái Quốc với lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty hết việc nên phải cắt giảm lao động thì chị Mặc Thị Xuyến, 45 tuổi ở xã Quyết Thắng (cùng ở TP Hải Dương) cũng không biết làm gì. Chị Xuyến đã đến nhiều nơi xin việc nhưng họ đều không nhận cũng với lý do sản xuất khó khăn và không tuyển người nhiều tuổi.
Mới đây khi biết một cơ sở gia công bánh đậu xanh trên địa bàn trở lại hoạt động, chị Xuyến nghĩ mình có thể đáp ứng được nên vội vàng đến xin việc. Tuy nhiên chị Xuyến lại thất vọng quay về vì cơ sở này cũng gặp khó khăn chỉ sản xuất cầm chừng nên không tuyển người làm thêm trong dịp này. Theo chị Xuyến, nếu là nam giới thì ở tuổi chị họ vẫn còn sức khỏe để đi làm các công việc tự do như phụ hồ, bốc vác... để có tiền trang trải cuộc sống. Còn phụ nữ ở tuổi chị thì cơ hội có việc làm trong giai đoạn này là hết sức hiếm hoi.
Từ đầu tháng 2, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty nơi chị Trần Thị Lá, 48 tuổi, ở phường Hoàng Tiến (TP Chí Linh) làm việc bị ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công ty này đã có thông báo không biết đến bao giờ mới có thể khôi phục sản xuất nên đành phải cho nhiều công nhân nghỉ việc, trong đó có chị Lá. Mất việc, không còn thu nhập trang trải cuộc sống nên chị Lá cũng sốt sắng đi tìm việc tại một số công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hơn 2 tháng qua, đi đến đâu chị Lá cũng nhận được những cái lắc đầu từ chối.
"Người ta bảo đợt này sản xuất khó khăn nên không có nhu cầu tuyển dụng, thậm chí nhiều nơi cũng phải giảm bớt công nhân. Có một số nơi tuyển dụng nhưng họ cũng chỉ tuyển người trẻ, có sức khỏe, gần như không có công việc phù hợp dành cho những người luống tuổi như tôi", chị Lá buồn bã chia sẻ.
Dịch Covid-19 đến thời điểm này đã để lại hậu quả nặng nề đối với việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đã có nhiều doanh nghiệp phải tạm hoãn hoặc thanh lý hợp đồng với người lao động. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những công ty vẫn có thể hoạt động cầm chừng, trong trường hợp phải cắt giảm lao động họ sẽ nhắm đến những người làm ở bộ phận không quan trọng, người luống tuổi. Điều này đặt gánh nặng lên vai người lao động, nhất là lao động nữ khi tuổi không còn trẻ thì cơ hội có thể xin được việc làm trong dịp này là rất khó khăn như trường hợp các chị Lá, Xuyến nêu trên.
Gánh nặng “cơm áo gạo tiền”
Phụ nữ khi đã luống tuổi thường đã có gia đình và phải có trách nhiệm chăm lo, nuôi dưỡng con cái nên gánh nặng "cơm áo gạo tiền" là nỗi lo hiện hữu hằng ngày. Bởi thế khi mất việc, nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chị Xuyến là mẹ đơn thân. Ngoài con nhỏ đang học lớp 7 chị còn sống cùng mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Năm 2017, sau khi ki cóp, vay mượn thêm chị xây căn nhà mới và được công nhận thoát nghèo. Thoát nghèo nhưng lại thêm gánh nặng nợ nần đặt trên vai. Cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của chị.
Những ngày này, ngoài chăm bón hơn 1 sào ruộng khoán chị Xuyến không có việc gì làm nên cũng không có thu nhập. Bữa cơm gia đình chị thời gian này đã tối giản hết mức có thể. Chị Xuyến buồn bã cho biết: "Nếu không xin được việc làm trong thời gian tới thì tôi cũng không biết phải xoay xở thế nào để duy trì cuộc sống. Chỉ thương mẹ già và con nhỏ cũng phải chịu chung hoàn cảnh với mình. Cứ như thế này thì có khi nhà tôi lại rơi vào cảnh hộ nghèo".
Công ty TNHH Embossa Việt Nam ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) đã buộc phải cho công nhân nghỉ việc trong vòng 6 tháng (từ 11.4 - 10.10.2020). Trong thời gian này, công ty thực hiện tạm hoãn mọi hợp đồng lao động và không chi trả bất cứ chế độ nào cho công nhân. Đáng nói là trong thông báo của công ty cũng nói rõ đây chỉ là thời gian dự kiến còn sự hoạt động trở lại của công ty phụ thuộc vào việc có ký kết được các đơn hàng hay không.
Điều này khiến chị Đinh Thị Thúy, 43 tuổi ở khu 5 phường Cẩm Thượng từng làm việc tại công ty đứng ngồi không yên. Dù mới nghỉ làm nhưng chị Thúy đã không ngại dò hỏi các nơi xin việc dẫu biết rằng hy vọng không nhiều. Vợ chồng chị có 3 người con, trong đó đứa bé mới gần 3 tuổi. Chồng chị hiện là lao động tự do, thu nhập cũng bấp bênh. Nếu chị không có việc làm thì cuộc sống gia đình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Để trang trải cuộc sống những ngày gần đây chị còn theo chồng đi bốc vác cho các tiểu thương ở chợ Hội Đô vào ban đêm.
Khó khăn trong dịp này là khó khăn chung của toàn xã hội, của mọi người dân. Nữ công nhân luống tuổi mất việc họ không chỉ đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày mà còn trăn trở nỗi lo tìm việc làm phù hợp trong tương lai.
Mong rằng cơ quan chức năng sớm triển khai để gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ theo chủ trương của Chính phủ sớm đến với người dân nói chung, công nhân nói riêng để họ có điều kiện chi phí cho cuộc sống trong thời gian này. Mặt khác, các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương cần có biện pháp hỗ trợ tìm việc hoặc tạo việc làm tại chỗ, với phương châm ưu tiên cho những công nhân thuộc nhóm đối tượng này. Các doanh nghiệp sau khi khôi phục sản xuất trở lại cũng nên quan tâm đến những nữ công nhân luống tuổi để giúp họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
![]() Cập nhật thông tin đến 7h sáng ngày 3/5, Covid-19 đã xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3,47 triệu ... |
![]() Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, nhiều công nhân phải tạm ngưng việc làm hoặc thời gian nghỉ và ... |
![]() Các nhà khoa học mới đây cho biết đã tìm thấy một loại kháng thể đầu tiên có khả năng vô hiệu hóa được virus ... |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
