![]() |
Đổi mới hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Ảnh minh họa |
Đây không chỉ là vấn đề các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học quan tâm, mà còn là nỗi trăn trở của cán bộ CĐCS và đoàn viên, NLĐ. Có thể coi đó là một tín hiệu đáng mừng. Một số ý kiến dưới đây cho thấy điều đó.
PGS. TS. Vũ Quang Thọ, Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn: "Tôi rất hy vọng vào sự đổi mới"
Công đoàn Việt Nam đang hoạt động trong bối cảnh thuận lợi ít mà khó khăn thì rất nhiều, đặc biệt là những khó khăn không giống với thời kỳ trước đây Tổng Liên đoàn đã trải qua. Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP. Điều này đặt ra cho Tổng LĐLĐ Việt Nam phải đổi mới phương thức, cách thức, vận động CNLĐ để công nhân tin công đoàn. Cái này, quả thật rất khó khăn.
Khó khăn thứ nhất ở chỗ, lực lượng cán bộ công đoàn phải giảm xuống do yêu cầu tinh giản. Thứ hai, chất lượng cán bộ công đoàn chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu để tổ chức các hoạt động công đoàn, chưa nói đến việc chăm lo tốt đời sống cho CNLĐ.
Nguyên nhân là do cán bộ công đoàn bị ảnh hưởng bởi thời kỳ bao cấp quá dài nên chủ yếu vẫn làm theo mệnh lệnh hành chính. Vì vậy, khả năng thuyết phục, thu phục CNLĐ còn yếu. Thứ ba, một bộ phận không nhỏ CNLĐ càng ngày càng tỏ ra không tin vào tổ chức Công đoàn. Đây là cái yếu “chết người” mà các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Tổng Liên đoàn đã nhận ra.
Khả năng đổi mới của tổ chức Công đoàn có nhưng vẫn còn chậm chạp, hiệu quả không lớn. Nay lại chịu sức ép của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, thì yêu cầu đổi mới về mọi mặt càng phải mạnh mẽ và quyết liệt, không còn “dền dứ” nữa. Nếu không đổi mới, chắc chắn mình sẽ không giữ vững được trận địa.
Khi đó, các lực lượng khác, tổ chức khác sẵn sàng chen chân vào các chỗ mà trước đây công đoàn “cắm chân” khá lâu. Đây là thử thách rất lớn đối với tổ chức Công đoàn, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải thay đổi. Đại hội lần thứ XII, Tổng Liên đoàn đã thể hiện quyết tâm đổi mới, trong đó tập trung vào 3 khâu đột phá nhằm nâng cao sức mạnh của tổ chức Công đoàn để công đoàn thực sự là tổ chức của công nhân và vì công nhân, qua đó lấy lại niềm tin của CNLĐ.
Tôi rất hy vọng vào sự đổi mới của tổ chức Công đoàn, bởi không đổi mới là chết. Sự đổi mới đó phải quyết liệt bằng hành động chứ không đổi mới bằng khẩu hiệu.
Lâm Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch CĐCS, Trưởng Ban Nữ công Công ty TNHH Tỷ Xuân, KCN Hoà Phú, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, Vĩnh Long: "Phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên"
Làm việc tại một công ty 100% vốn nước ngoài với gần 21.000 lao động, tôi cho rằng vấn đề đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nội dung hoạt động công đoàn phải phù hợp với mỗi cơ sở, đối tượng khác nhau, phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ.
Trong giai đoạn hiện nay, công đoàn phải luôn giữ được mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và NLĐ dựa trên nền tảng thương lượng để giải quyết mâu thuẫn nhằm mang lại lợi ích cho hai bên. Đổi mới hoạt động phải đi đôi với việc thực hiện tốt các quy chế dân chủ; lắng nghe ý kiến của NLĐ, thông qua việc tổ chức hội nghị NLĐ định kỳ; thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại 3 bên tại nơi làm việc để giải quyết mọi vướng mắc một cách kịp thời.
Để hoạt động của các cấp công đoàn thực sự hiệu quả, cần đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục CNLĐ, đoàn viên công đoàn hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình; bám sát mục tiêu của Tổng LĐLĐ Việt Nam về chăm lo lợi ích đoàn viên, NLĐ. Các CĐCS phải chú trọng cho đoàn viên của của mình được hưởng lợi từ “Năm lợi ích đoàn viên” bằng việc ký kết với các đối tác để đoàn viên được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi, để thấy rõ quyền lợi khác biệt khi là người đoàn viên công đoàn,…
Đinh Minh Hải, giáo viên trường THCS Tả Lèng, Tam Đường, Lai Châu: "Phải xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh"
Mỗi một cơ quan hay tổ chức dù nhà nước hay tư nhân đều rất cần đến tổ chức Công đoàn. Song, công đoàn cần hoạt động thực chất chứ không chỉ mỗi các phong trào văn thể. Muốn vậy, công đoàn cần đổi mới hoạt động. Muốn đổi mới hoạt động thì phải xây dựng được tổ chức CĐCS vững mạnh. Bởi CĐCS là gốc, là nền tảng của tổ chức Công đoàn nói chung như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói “Gốc có vững thì cây mới bền”.
Vì vậy, ngay từ khi giác ngộ quần chúng lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn chúng ta cần phải tuyên truyền sâu rộng để mọi người hiểu được tổ chức Công đoàn là gì? Mỗi công đoàn viên đứng trong tổ chức đó cần thực hiện quyền và nghĩa vụ gì?
Mọi người cần có trách nhiệm như thế nào trong một tổ chức? Và mỗi người đoàn viên sẽ được bảo vệ những quyền lợi chính đáng gì? Làm tốt được điều này sẽ giúp cho người đoàn viên có nhận thức đúng, đủ về tổ chức mình tham gia, từ đó có trách nhiệm xây dựng và mở rộng tổ chức của mình.
Bùi Thị Luân, công nhân Công ty May Vĩnh Hưng TMI (quận 12, TP. Hồ Chí Minh): "Cần chăm lo tốt hơn quyền lợi người lao động"
Với việc tổ chức hội nghị NLĐ hằng năm; đối thoại hằng quý, hằng tháng, cán bộ CĐCS đã tạo ra được cầu nối giữa CNLĐ và chủ sử dụng lao động. Đặc biệt, bằng việc xây dựng, đàm phán, ký kết TƯLĐTT, CĐCS đã tạo ra “bộ luật con” để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên và NLĐ.
Hiện nay, cùng với việc giám sát chủ sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ với NLĐ theo quy định của pháp luật, cán bộ CĐCS ở công ty tôi cũng quan tâm đến đời sống tinh thần của NLĐ bằng cách tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; các buổi tham quan, nghỉ mát hằng năm; hỗ trợ NLĐ khi gặp khó khăn, hoạn nạn...
Bản thân tôi đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của cán bộ CĐCS. Song, tôi hi vọng cán bộ CĐCS sẽ sáng tạo những nội dung hoạt động mới, đặc biệt là cần chăm lo ngày một tốt hơn quyền lợi của đoàn viên và NLĐ. Vì chỉ có như vậy công đoàn mới khẳng định được vai trò của mình, “giữ chân” được đoàn viên và thu hút thêm nhiều NLĐ.
![]() Công đoàn Việt Nam là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Trong suốt lịch sử hình thành và ... |
![]() Công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới; tổ chức Công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động là nội dung đổi mới ... |