![]() |
Ảnh minh họa |
Cần tạo được niềm tin của người lao động
Một ngày đầu năm 2019, tại một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nam Định, có khoảng 4.000 - 5.000 lao động suýt nữa thì xảy ra đình công mà nguyên nhân là do công đoàn chưa thực sự hiểu và hành động vì công nhân khó khăn. Câu chuyện xảy ra như sau:
Tại một đơn vị, có một công nhân bị bệnh nan y, gia cảnh rất khó khăn. Anh em trong tổ thương cảm và muốn mọi người cùng chung tay giúp đỡ cho đồng nghiệp của mình nên đã báo cho công đoàn biết để vận động mọi người giúp đỡ. Bởi đây cũng là một đơn vị có tinh thần tương thân tương ái khá tốt. Tuy nhiên, do đang trong chiến dịch sản xuất nước rút, lại vào thời điểm cuối năm quá nhiều việc nên công đoàn chưa kịp thăm và quyên góp ủng hộ thì công nhân đó qua đời.
Cho rằng công đoàn không quan tâm đến người lao động (NLĐ), các đoàn viên công đoàn định tổ chức đình công để phản đối. Sự việc được báo lên cơ quan Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Ngay lập tức, LĐLĐ tỉnh cử đoàn xuống để lắng nghe công nhân chia sẻ, nắm bắt tình hình. Qua ý kiến phản ánh của công nhân ở cơ sở, chúng tôi thấy Công đoàn cơ sở (CĐCS) ở đây thực sự đã có những thiếu sót, chưa quan tâm, trợ giúp cho đoàn viên khó khăn này, gây bức xúc trong công nhân.
Nắm được sự tình câu chuyện, chúng tôi đã kịp thời chỉ đạo cán bộ công đoàn cơ sở nhận trách nhiệm trước toàn thể đoàn viên trong công ty và xin lỗi NLĐ của tổ công nhân đó. Sau buổi làm việc, công nhân lao động của tổ sản xuất này đã đồng tình với cách giải quyết của LĐLĐ tỉnh.
Anh chị em công nhân cũng cam kết thường xuyên thông tin kịp thời tới BCH công đoàn công ty những vướng mắc trong quá trình sản xuất hay việc giải quyết chế độ, chính sách để công đoàn đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo công ty có hướng giải quyết, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Từ việc trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt và giải quyết tình hình, LĐLĐ tỉnh cũng thấy được một số hạn chế của các đồng chí cán bộ công đoàn ở đơn vị đó. Để khắc phục, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở yêu cầu CĐCS bổ sung BCH, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp giữa công đoàn với chuyên môn. Ngoài ra, công đoàn cấp trên còn hướng dẫn CĐCS đề nghị lãnh đạo công ty sửa đổi quy chế chi tiêu nội bộ để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích cho đoàn viên.
Sau khi kiện toàn lại BCH và xây dựng quy chế phối hợp, hoạt động công đoàn của công ty đã có nhiều tiến bộ trong việc tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, như đề nghị công ty lắp đặt cabin vắt trữ sữa dành cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ; tổ chức thi cấp bằng xe máy cho công nhân. Đặc biệt, trong Tháng Công nhân vừa qua, công đoàn công ty đã tổ chức “Phiên chợ công nhân”, Ngày hội "Gánh hàng rong" với hơn 50 gian hàng ẩm thực, gian hang lưu niệm; tổ chức nhiều trò chơi độc đáo, biểu diễn nghệ thuật... thu hút đông đảo công nhân tham gia.
Trong các hoạt động đó, LĐLĐ tỉnh đã kết hợp với CĐCS hỗ trợ cho mỗi công nhân thi tham gia thi bằng lái xe máy từ 100 - 200 nghìn đồng và đề nghị Sở Giao thông - Vận tải ưu tiên mở lớp sát hạch và phát bằng lái xe máy cho công nhân tại doanh nghiệp. Điều này khiến công nhân rất vui và tin tưởng hơn vào tổ chức Công đoàn. Hoạt động vì NLĐ, công đoàn đã tạo được niềm tin nơi NLĐ.
Từ câu chuyện này, chúng tôi rút ra được bài học cho mình, tổ chức Công đoàn muốn thành công, thì mỗi cán bộ công đoàn cần bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị chính đáng của công nhân. Khi NLĐ thấy được quan tâm chăm lo, họ sẽ tin tưởng tham gia, gắn bó với tổ chức Công đoàn.
Hoạt động vì lợi ích của NLĐ
Hoạt động công đoàn ngày càng khó và chịu sự cạnh tranh, đặc biệt khi quy định về việc được tự do thành lập tổ chức đại diện NLĐ theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được thực hiện. Không đổi mới để có những hoạt động thiết thực thì công đoàn sẽ tự làm yếu mình và mất vai trò, NLĐ sẽ rời xa.
Xác định tinh thần đó, các cấp công đoàn tỉnh Nam Định đã tăng cường tổ chức các hoạt động vì lợi ích đoàn viên, cụ thể, trong dịp Tháng Công nhân và những ngày gần đây, công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền có những hoạt động thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ, như tổ chức “Ngày hội CNLĐ” tại nhiều doanh nghiệp; tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa UBND tỉnh với gần 300 CNLĐ đại diện cho hơn 100 nghìn CNLĐ trên địa bàn tỉnh để lãnh đạo tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ khó khăn của NLĐ, qua đó có những biện pháp tháo gỡ, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, giúp họ yên tâm lao động và sản xuất làm giàu cho gia đình, quê hương.
Trong Tháng Công nhân, LĐLĐ tỉnh cũng vận động CNLĐ ủng hộ Quỹ “Mái ấm Công đoàn” để sửa chữa, xây dựng mới 30 nhà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức gặp mặt cán bộ công đoàn chuyên trách và lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên. Rà soát TƯLĐTT và đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động cam kết để NLĐ có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”; nâng cao chất lượng bữa ăn ca của CNLĐ.
Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Tư vấn pháp luật lưu động dành cho CNLĐ đang sinh sống tại khu nhà trọ thuộc địa bàn xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định. Tổ chức khám bệnh cho 200 nữ đoàn viên công đoàn tại Công ty Cổ phần May thêu Việt Phát trên địa bàn xã Nam Cường huyện Nam Trực...
Đổi mới hoạt động theo hướng vì đoàn viên công đoàn chính là cách công đoàn xây dựng niềm tin đối với NLĐ.
![]() Ông Lê Đức Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện ATVSLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã đưa ra một số góp ý ... |
![]() Sự đổi mới đang được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều đơn vị thuộc tổ chức công đoàn. Đổi mới thế nào cho hiệu ... |