![]() |
Đối với những công nhân xa nhà, ngày ông Công ông Táo cũng chỉ như bao ngày bình thường - Ảnh: M.K |
Cúng ông Công, ông Táo là một tập tục truyền đời, đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu của người Việt Nam trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp mỗi gia đình lại thực hiện nghi lễ này với tất cả sự thành kính bởi trong tâm thức của người Việt, ngày cúng ông Công ông Táo cũng là ngày kết thúc một năm cũ, báo hiệu Tết đã đến.
Có mặt tại chợ Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội vào cuối buổi chiều, khi những công nhân thuộc các Khu công nghiệp - chế xuất trên địa bàn đang tất bật đi chợ chuẩn bị cho bữa cơm tối, chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn với Tiến, quê ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Vừa treo nửa cái bắp cải và mấy bìa đậu phụ vào móc xe máy, Tiến nói: "Thanh niên bọn em có để ý mấy ngày này đâu anh? Với lại những người có nhà cửa đàng hoàng mới quan tâm đến ông Công ông Táo chứ ở trọ như em thì có bao giờ thờ cúng đâu. Ở quê tất nhiên bố mẹ cũng có làm lễ cúng".
![]() |
Nhiều công nhân không thể tham gia Tết ông Công ông Táo cùng với gia đình - Ảnh: M.K |
Trong không gian sinh hoạt tạm bợ ở nơi đất khách quê người, đa phần công nhân thuê trọ ở đây đều có quan niệm như Tiến, họ thường không để ý đến việc thờ cúng thổ công hay vị thần trông coi việc bếp núc. Do vậy ngày này công nhân vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường như bao ngày khác trong năm. Có chăng, sự tất bật của cộng đồng cũng khiến cho nhiều người ăm ắp những nỗi niềm, như chia sẻ của chị Giang - công nhân KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội: "Ở quê cứ sắp đến ngày này là mẹ đi chợ mua đồ chuẩn bị, thứ em nhớ nhất là bộ đồ vàng mã cho ông Công ông Táo. Rồi đến ngày thì cả nhà làm cơm thắp hương. Trong ký ức của em thì ngày đó coi như Tết rồi. Từ lúc đi làm ở đây là 4 năm rồi em cũng không được về quê ngày ông Công ông Táo nữa vì vẫn phải đi làm đến 27, 28 mới được nghỉ. Đến ngày này sốt ruột lắm, nhớ nhà ghê gớm, chỉ mong được nghỉ mà về với mẹ".
Cách xóm trọ nơi chị Giang ở khoảng vài trăm mét, chúng tôi gặp Quỳnh và Thủy - hai công nhân rất trẻ người Vị Xuyên, Hà Giang hiện đang làm việc tại Công ty Daiwa, KCN Bắc Thăng Long. Họ cho biết mới xuống Hà Nội làm việc được hơn 4 tháng thông qua lời giới thiệu của một người cùng địa phương. Vì là người dân tộc Tày nên cộng đồng của họ không có tục thờ cúng ông Công ông Táo. Quỳnh nói rằng: "Em thấy nhiều người đi chợ hay xách về một túi vàng mã giống nhau, cũng thấy lạ, chẳng hiểu lắm vì trên em không có tục này".
![]() |
Những dãy trọ im ắng trước ngày ông Công ông Táo - Ảnh: M.K |
Còn anh Nguyễn Văn Quyền (quê ở Hòa Bình) thì cho biết: "Ở xóm trọ này làm gì có ngày ông Công ông Táo, ai cũng bận đi làm ca làm kíp. Chỉ có chủ nhà trọ cúng ở nhà họ thôi". Gia đình anh Quyền cả thảy 4 người gồm cả mẹ và con trai, sống trong 2 phòng trọ tuềnh toàng rộng chừng 9m2 trong thôn Hậu Dưỡng. Anh tâm sự: "Ở đây có 2 gia đình đông người như nhà tôi. Các bà phải xuống đây trông cháu để hai vợ chồng đi làm cho yên tâm, mấy hôm nay thấy các bà cũng sốt ruột gọi điện về cho ông ở quê chuẩn bị Tết ông Táo, sắm sửa các thứ. Mọi năm thì việc này đều do các bà quán xuyến nhưng năm nay thì ông phải làm tất. Mình thấy cũng chạnh lòng, ông bà vất vả lo cho mình cả đời, bây giờ lại phải lo bế cháu ngày Tết chẳng được về".
Những ngày này, khi người người nhà nhà đang tất bật sửa soạn lễ vật cần thiết để cúng dâng ông Công ông Táo, gửi gắm niềm mong ước về một cuộc sống sung túc, bình an thì đối với những công nhân xa nhà, ngày 23 tháng Chạp cũng chỉ như bao ngày bình thường, không thắp hương thắp khói, cũng chẳng thả cá về trời... Có lẽ, mong ước của họ lúc này là được sớm trở về quê sum họp ăn Tết cùng gia đình sau một năm lao động vất vả.
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
