![]() |
Xóm trọ công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: Lâm Dũng |
Trong phòng trọ chỉ 12m2, chị Trang – vợ anh đang ngồi bệt dưới nền nhà dỗ dành đứa con trai 18 tháng tuổi. Đó là đứa thứ hai của vợ chồng chị.
Tiếng vù vù của chiếc quạt điện thổi hắt cái nóng ra không gian chật hẹp, cùng với âm thanh ồn ào của người lớn, trẻ nhỏ trong cái căn phòng hơn chục mét vuông lỉnh kỉnh đồ đạc ấy, khiến cho bầu không khí càng trở nên ngột ngạt.
Chừng 5 phút sau, nước sôi, anh Chuẩn bỏ 2 gói mỳ tôm, cắt thêm vào đó 2 cái xúc xích, thế là xong bữa trưa cho 3 người. Giờ này, đứa lớn chắc cũng đang ăn trưa ở lớp.
Vợ chồng anh Chuẩn đã ở trong xóm trọ giữa thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội qua 6 mùa hè. Hai đứa trẻ cũng dần lớn lên trong cái không gian nhỏ bé này, qua vài đợt nắng kỷ lục. Nhưng, đối với gia đình quê gốc Chiêm Hoá, Tuyên Quang, mùa hè năm nay dường như khiến họ chật vật hơn.
![]() |
Bữa trưa của gia đình anh Chuẩn - Ảnh: Lâm Dũng |
“Sau Covid-19, vợ chồng tôi đi làm thì lương cũng tạm ổn hơn so với lúc trong dịch, nhưng việc chưa đều. Lại vào đúng thời điểm giá cả leo thang, rồi nắng nóng cũng ảnh hưởng nhiều đến vấn đề chi tiêu”, anh Chuẩn, công nhân Công ty TNHH Phụ tùng xe máy Showa Việt Nam nói.
Vợ anh, chị Trang, người đã có hơn 10 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long nói thêm vào: “Tháng vừa rồi hết gần 500 nghìn tiền điện, còn tháng này chắc chắn phải nhiều hơn. Thực phẩm thì đắt đỏ, tiền điện tăng gấp 3, gấp 4 so với trước kia, trong khi việc ít, không có giờ làm thêm, lương chẳng tăng”.
Anh chị cho biết, thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng khoảng chục triệu đồng. Tiền nhà trẻ cho đứa lớn cộng với tiền thuê người trông đứa nhỏ hàng tháng cũng mất gần 4 triệu đồng. Rồi chi phí thuê nhà trọ, bỉm sữa cho con, tiền sinh hoạt cho cả gia đình mỗi tháng khiến anh chị dù tằn tiện lắm cũng chỉ vừa đủ trang trải. Mỗi lần con ốm, là một lần anh chị lao đao!
Những chuyến về thăm quê của cả gia đình cũng theo đó mà thưa dần…
Chị Trang bảo, ở quê neo người, lại thương con, nhớ con nên không đành lòng đưa chúng về cho ông bà nuôi nấng như giải pháp của nhiều gia đình công nhân hiện nay. Mùa hè, anh chị cũng phải cố sắm cái máy điều hoà cho các con đỡ khổ. Mà phải khi nóng lắm mới dám bật. “Mình thì thế nào cũng gắng chịu được nhưng mà con còn bé, nhìn nó lăn lóc vì nóng nực khổ lắm. Bố mẹ nào chả muốn điều tốt cho con. Mà nó có ngủ được thì mình mới ngủ được, mới có sức khoẻ để đi làm”, chị nói.
![]() |
Chị Hường và con gái - Ảnh: Lâm Dũng |
Cùng chung dãy trọ với gia đình anh Chuẩn, chị Trang còn có vài hộ gia đình. Gần 12h trưa, đa số đóng cửa “cố thủ” trong phòng, chỉ còn mỗi chị Hường (27 tuổi, quê Lộc Bình, Lạng Sơn) - công nhân Công ty TNHH Asahi Intecc Hà Nội, là bế con đi lại dọc hành lang, vừa đi vừa bón cháo. Đứa bé có vẻ biếng ăn khiến chị phải luôn miệng dỗ dành, có lúc phải nạt nộ. Mồ hôi ướt đẫm cả hai mẹ con.
Chồng chị - anh Lượng thì vẫn còn đang ngủ dở giấc. “Đi làm đêm về thì cố gắng ngủ sớm, tranh thủ lúc trời còn mát. Đến khi nóng quá thì lúc ấy đã ngủ được một giấc rồi”, chị Hường nói.
Chị cho biết, sau dịch Covid-19, công việc của hai vợ chồng mới tạm ổn. Tuy vậy, thu nhập còn hạn chế, mọi chi tiêu trong gia đình phải thắt chặt hơn thì tiền lương mới trang trải đủ.
“Ngày trước 70-80 nghìn/kg thịt lợn, bây giờ lên tới 170-180 nghìn/kg, nó ảnh hưởng nhiều quá. Nhiều lúc ở công ty ăn một bữa, về nhà lại ăn bữa nữa, nếu không thì chắc một tháng đi làm chẳng đủ tiền chi tiêu”.
Rồi chị kể rằng, giữa những ngày nắng như đổ lửa, chị vẫn nghe loáng thoáng về việc một số công ty cắt giảm công nhân lao động. Mỗi lần nghe tin ấy, nỗi lo lắng chợt ập tới. Chị hiểu rằng, cả hai vợ chồng vẫn còn mong muốn được gắn bó với xóm trọ công nhân lâu thêm nữa. Và, những đợt nóng kỷ lục phả hầm hập trên mái ngói fibro xi măng cũng chẳng nghĩa lý gì so với cảnh mất việc của hàng chục ngàn công nhân hiện nay.
Tiết giản bữa ăn, cắt bỏ các chi phí không cần thiết trong sinh hoạt như quần áo, giày dép, thậm chí, những bữa ăn "tươi" đang thưa dần trong cuộc sống của nhiều gia đình công nhân hậu COVID19...
Họ đang đợi chờ vào những cơ hội ổn định mới sau dịch bệnh, và mơ hồ e ngại về chuỗi ngày dịch bệnh vừa qua vẫn có thể quay trở lại!
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
