![]() |
Học sinh Trường Tiểu học Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) tan học buổi chiều. |
Gặp chị Lê Thị Thảo, công nhân Công ty Nissan Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đón con khi vừa tan ca làm. Gương mặt chị Thảo lộ rõ sự mệt mỏi, lo âu. Năm nay, đứa con trai lớn của chị vào học lớp 1 tại Trường Tiểu học Hải Bối. Bao khoản lo, nhất là tiền đóng học cho con hiện rõ trên khuôn mặt của người mẹ trẻ.
Chị Thảo làm công nhân ở đây được 4 năm. Chồng chị là lao động tự do. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến thu nhập của gia đình chị giảm nhiều. Hơn nữa, đứa con trai lớn vào lớp 1 với nhiều khoản phải lo, đặc biệt là các khoản tiền đóng học đầu năm của con. “Con mới đi học được một tuần, tôi vừa phải nộp hơn 2 triệu đồng tiền học cho con. Năm nay chưa phải đóng học phí, chỉ mới đóng các khoản: quần áo, ăn bán trú, tiền lắp điều hòa và mua máy tính cho cô giáo…”.
![]() |
Chị Thảo vừa tan ca làm, đến cổng trường đợi đón con về. |
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mức thu nhập của chị Thảo bị giảm nhiều so với mọi năm. “Lương của tôi hiện tại chỉ hơn 5 triệu đồng, sang tuần chắc phải đóng thêm cho con 2-3 triệu nữa. Nhiều lắm!… Chồng tôi đi làm bên ngoài cũng chỉ đủ trang trải cho gia đình. Giờ hai con vào năm học cũng vất vả hơn…”, chị Thảo chia sẻ.
![]() |
Buổi chiều tan học của các em học sinh Trường Tiểu học Hải Bối. |
Theo chị Thảo, năm nay, con chị vào lớp 1 nên nhiều khoản phải đóng, cứ khi có thông báo đóng tiền thì phải đóng. Mặc dù, trong một tuần vừa qua, rất nhiều phụ huynh bức xúc về việc nhà trường nơi con chị đang học thu nhiều khoản không theo quy định như: máy tính cho cô giáo, lắp điều hòa… nhưng chị Thảo không hề hay biết. “Thấy mọi người báo đóng tiền lắp điều hòa thì tôi đóng cho con. Ba hôm trước, chồng tôi cùng với hai phụ huynh nữa đã đi mua máy tính cho cô giáo và lắp điều hòa trong lớp cho con rồi. Thời tiết này, các con ở bán trú tại trường không có điều hòa nên các phụ huynh trong lớp bảo nhau lắp điều hòa cho các con, tôi thấy hợp lý nên cũng đóng tiền luôn”.
![]() |
Hết giờ học, chị Thảo vào tận lớp đón con ... |
Giống như chị Thảo, vợ chồng anh Đỗ Trọng Tùng (quê ở Bắc Giang) làm công nhân một tháng thu nhập hơn 10 triệu đồng. Hai con vào năm học cũng khiến anh chị lo lắng. Rất nhiều khoản thu đầu năm học của con phải lo. Anh chị phải cắt giảm chi tiêu, tích góp để đóng tiền học cho con. Với mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình nên anh chị đã quyết định cho con học tại Hà Nội. Theo anh Tùng: “Trường học này hầu hết dành cho con công nhân làm ở khu công nghiệp. Nếu học ở quê thì không phải đóng những khoản ngoài như điều hòa, máy tính cho cô giáo. Nhưng vì học ở đây nên phải theo. Hơn nữa, nếu đóng 500 nghìn đồng trong 5 năm học của con ở đây thì tôi nghĩ cũng bình thường. Con được hưởng điều kiện học tập tốt, vợ chồng tôi sẽ cố gắng”.
![]() |
Anh Tùng đón hai người con của mình tan học về... |
“Trong lớp có 35 bạn mà 20 bạn đồng ý thì vẫn phải theo, không theo không được. Không có tiền thì mình vẫn phải cố. Kinh tế công nhân bây giờ cũng khó nhưng thấy các con khổ thì cha mẹ lại thương”, anh Tùng chia sẻ thêm.
Đối với nhiều bậc phụ huynh công nhân có con đi học, khi biết có nhiều khoản thu ngoài thì tỏ thái độ bức xúc, nhưng rốt cuộc, vì con nên họ đều “tặc lưỡi” cho qua. Việc học của con là việc được ưu tiên hàng đầu.
Với mức thu nhập như hiện tại, nhiều gia đình công nhân đang đau đầu với những khoản thu đầu năm học của con. Cuộc sống khó khăn, công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thu nhập bấp bênh… Nhưng tiền đóng học cho con thì vẫn phải lo, vẫn phải ưu tiên. Gánh nặng tiền học của con mỗi mùa tựu trường vẫn luôn là nỗi lo thường trực của nhiều gia đình công nhân và tất cả chỉ trông chờ vào đồng lương hàng tháng.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
