![]() |
Người dân TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thoát khỏi cảnh ngập nước mỗi khi trời mưa lớn. Ảnh: Mạnh Linh |
Công tác chống ngập được coi là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBND TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.
Theo kế hoạch đề ra, TP. Hồ Chí Minh xác định giải quyết 40 tuyến đường ngập do mưa, giải quyết 9 tuyến đường ngập do triều và 179 tuyến hẻm; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 2 nhà máy xử lý nước thải, nâng cấp công suất một nhà máy và khởi công xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải khác.
So với kế hoạch, đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành gần 60% tuyến đường ngập do mưa, khoảng 55% tuyến ngập do triều và xây dựng nhà máy xử lý nước thải đạt hơn 28%.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Ban Đô thị Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Đa số các dự án bị chậm tiến độ, một số mục tiêu khó có thể đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Đối với dự án đã hoàn thành khi đi vào hoạt động vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập khiến người dân bức xúc..."
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, cho biết công tác chống ngập của TP Hồ Chí Minh chưa hiệu quả còn do tình trạng người dân lấn chiếm kênh rạch thoát nước khiến hệ thống kênh rạch không phát huy tác dụng.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến các dự án chống ngập dù hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: “TP Hồ Chí Minh không còn ngập nặng như 5 - 7 năm trước, nghĩa là thành phố đã bớt ngập. Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình sau khi hoàn thành nhưng đường vẫn ngập cục bộ trong một thời gian ngắn mới rút hết”.
Theo ông Võ Văn Hoan, bài toán chống ngập tại TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn khá nan giải, bởi nguyên nhân khách quan hiện nay là do triều cường, mưa, sạt lở, sụt lún và nguyên nhân chủ quan là quản lý nhà nước chưa tốt, nhận thức của dân cư chưa cao.
Cũng theo ông Hoan, để giải quyết tình trạng ngập nước, sắp tới thành phố sẽ tập trung nhiều nhóm giải pháp để chống ngập, như rà soát lại quy hoạch; đánh giá hiện trạng các sông, kênh rạch để xem mức độ sụt lún, sạt lở…
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên dùng vốn ngân sách cho giải phóng mặt bằng, các dự án cấp bách và cải tạo lại hệ thống thoát nước; ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải, hồ điều tiết, kênh trục...
Tuy nhiên, để chống ngập nước hiệu quả, cần nâng cao ý thức người dân không xả rác bừa bãi xuống kênh rạch làm tắc nghẽn cống thoát nước, dòng chảy của kênh rạch; không lấn chiếm hành lang kênh rạch để hệ thống thoát nước tự nhiên có điều kiện phát huy hiệu quả tốt nhất.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
