![]() |
Có việc làm lúc này đã là một hạnh phúc khi thất nghiệp chưa đến, song người công nhân vẫn nơm nớp mất việc bất cứ lúc nào. Ảnh có tính minh họa |
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến cực kỳ phức tạp trên thế giới, nguy cơ về một đợt bùng phát mới khốc liệt hơn đang hiện hữu. Nước ta tuy đã khống chế được dịch bệnh, song trong một thế giới mở, khả năng dịch từ bên ngoài xâm nhập vào là rất cao. Hiện tại, sản xuất, đời sống vẫn đang chịu tác động nặng nề.
Trên mạng xã hội công nhân, có bạn viết một cái tút làm tôi suy nghĩ mãi: “Những người có việc chào nhau cái nhỉ! Những người mất việc cũng chào nhau cái nhỉ!”. Hình như bạn muốn quy đội ngũ công nhân lao động nước ta vào hai đối tượng, những người có việc và những người mất việc.
Những người có việc hiện vẫn chiếm số đông, nhưng họ đang đối mặt khả năng mất việc hàng ngày để gia nhập nhóm thứ hai. Nỗi lo lắng việc làm, thu nhập với họ cũng thường trực không kém những người mất việc là mấy. Thực tế, dù còn giữ được việc làm, nhưng công việc cũng không đều, không liên tục, thường xuyên như trước. Một số lượng lớn công nhân trước đây ngoài lương còn trông vào khoản làm thêm, tăng ca, tuy vất vả nhưng mang lại nguồn thu đáng kể giúp họ trang trải cuộc sống; nhưng hiện công việc chỉ còn cầm chừng, nhiều khoản thu giảm sút hoặc mất hẳn.
![]() |
Số người thất nghiệp, mất việc đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp đang ở mức cao. Trong ảnh, người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại một trung tâm dịch vụ việc làm ở tỉnh Bình Dương. Ảnh dantri.com.vn |
Có tới trên dưới 5 triệu người lao động nước ta bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở các mức độ khác nhau; trong đó, số công nhân bị mất việc, bị giãn việc, nghỉ việc tạm thời chiếm tỷ lệ lớn. Gần đây nhất là các đợt cho hàng nghìn người lao động nghỉ việc một lúc ở một số doanh nghiệp có đông công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, khiến dư luận và người lao động choáng váng. Đó là những doanh nghiệp đã sản xuất ổn định nhiều năm, đã hết sức cầm cự chống chọi với ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, duy trì sản xuất, nhưng tình thế đến mức không thể trụ được nữa.
Người có việc đang cố gắng tận dụng công việc hiện có, ra sức làm việc, sát cánh với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống của mình. Nhiều người trong đó lo trường hợp xấu đến lượt mình cũng phải nghỉ việc hoặc dịch bệnh tái bùng phát khiến sản xuất đình đốn đã âm thầm học thêm nghề mới chuẩn bị cho tình huống xấu hơn. Người mất việc thì chạy đôn chạy đáo tìm việc mới, nhưng thị trường việc làm lúc này đang ảm đạm, khả năng tìm được việc làm không cao. Một số quyết định bổ túc lại tay nghề nhưng nguồn kinh phí có hạn; một số trông vào nguồn hỗ trợ của Chính phủ thì thủ tục đang ách tắc...
![]() |
Một số công nhân mất việc ở Khu Công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, Phú Thọ chuyển sang buôn bán nhỏ tạm thời. Ảnh congdoandatto.org.vn |
Cả người có việc và người mất việc đều đang rất khó khăn. Sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau lúc này là vô cùng quan trọng và cần thiết. Cùng với nỗ lực tự thân và sự chia sẻ của cộng đồng, tổ chức Công đoàn, các đoàn thể cũng đang làm tất cả những gì có thể giúp đỡ người lao động.
Dịch bệnh chắc chắn không sớm kết thúc, nhưng cũng không kéo dài mãi. Hy vọng đến lúc người công nhân lao động cơ bản chỉ còn một đối tượng, một thành phần là có việc làm. Còn bây giờ, dù có việc hay mất việc vẫn phải sát cánh, động viên nhau: “Chào nhau cái nhỉ!”.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
