![]() |
Mùa mưa lũ đến và dịch bệnh trở lại khiến nhiều người dự cảm phía trước sẽ là những ngày rất khó khăn. Hình ảnh người dân, công nhân, lao động đeo khẩu trang khi đi trên đường, đi làm, ra nơi công cộng đã trở nên quen thuộc. Ảnh baoquangbinh.vn |
Hà Nội bắt đầu có mưa. Dự báo thời tiết mấy ngày tới ở miền Bắc, miền Trung sẽ có mưa to đến rất to. Lượng mưa ở một số tỉnh dự báo có thể tới 200 đến 400 mm, thậm chí 500 mm. Tôi chưa bao giờ thấy lượng mưa lớn đến thế. Chỉ nghĩ đến con số 500 mm nước đổ xuống trong một, hai ngày đã cảm thấy nước ngập đến cổ rồi. Trên một trang mạng xã hội công nhân, có bạn thốt lên: “Đang nắng nóng không chịu nổi, lại chuẩn bị đến lũ?”.
Từ đợt lũ lụt khủng khiếp ở Trung Quốc, nhiều người dự đoán tình hình thời tiết cực đoan có thể sẽ tràn đến nước ta. Vừa rồi cả nước cũng trải qua cả tháng nắng nóng kỷ lục. Rải rác đó đây, một số anh chị công nhân cũng đặt câu hỏi: Liệu nắng nhiều rồi có mưa lắm và bao giờ nó xảy ra?
![]() |
Dự báo những ngày tới sẽ có đợt mưa rất lớn, nguy cơ cao lại xảy ra lụt lội. Trong ảnh: Trận lũ lụt ở Hà Tĩnh năm 2016. Ảnh toquoc.vn |
Nhưng trên hết là nỗi lo dịch bệnh. Có bạn công nhân viết trên facebook: “Bao giờ lại giãn cách xã hội?”
Đã có ba người tử vong vì dịch bệnh, nhưng khi bài viết này đến bạn đọc thông tin có thể “việt vị” rồi, bởi còn mười mấy ca đang diễn biến rất nặng. Dịch cũng đã đến Thái Bình; một số địa phương bước đầu xác định có người nghi bị nhiễm. Thống kê cho thấy, riêng ở Hà Nội, trong tháng 7, có khoảng 20.000 người đã đi du lịch, thăm thân, công tác tới Đà Nẵng; con số của cả nước là 80.000 người. Bao nhiêu người trong đó có thể mang mầm bệnh về và lây ra cộng đồng? Những ngày tới chắc chắn con số người nhiễm, địa phương có người nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên. Đến lúc nào mọi sự mới dừng lại?
Tôi ám ảnh với lời than của một bạn công nhân: “Covid lại về, công ty thì ít việc, lương không đủ ăn”. Nhưng không riêng anh và công ty của anh, hầu hết các ngành nghề sản xuất đang điêu đứng vì dịch bệnh. Du lịch, dịch vụ những ngày này đang kêu trời. Hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, kéo theo biết bao công nhân, người lao động như anh mất việc, không còn nguồn thu nhập. Cuộc sống sẽ ra sao?
![]() |
Đời sống người công nhân hiện rất khó khăn. Giá thịt lợn vẫn cao khiến công nhân, người lao động phải cân nhắc khi quyết định mua. Ảnh luatvietphong.vn |
Trên một trang mạng xã hội công nhân phía Nam, có chị viết: “Thịt lợn lại tăng giá. Lo quá trời!”. Chợ khu tôi ở chưa thấy giá thịt lợn tăng, dù vẫn ở mức cao nhưng các chợ công nhân khác thì tôi không biết… Rồi tin cơ quan chức năng bắt giữ, khởi tố những kẻ đưa người nước ngoài vào trong nước được công nhân chia sẻ rầm rộ. Anh chị em cũng kêu trời vì giá khẩu trang vẫn tiếp tục tăng, bất chấp sự lên án của cộng đồng và lời cảnh báo của một số admin “có tâm”, như: “Xin thông báo, bất cứ ai chào giá khẩu trang trên 80k một hộp sẽ bị block ra khỏi nhóm ngay lập tức” hoặc: “Bạn nào bán khẩu trang nhắn tin về giá, chất lượng cho ad kiểm chứng trước, nếu không sẽ không được duyệt”…
![]() |
Mạng xã hội công nhân xuất hiện nhiều lời lên án gay gắt những người tăng giá bán khẩu trang, khiến việc phòng, chống dịch gặp khó khăn hơn. Ảnh chụp từ Facebook |
Những ngày dài khó khăn vẫn còn ở phía trước. Ti vi lại vừa phát bài hát “Vũ điệu rửa tay” nổi tiếng, vang vọng tới cả phương Tây một thời. Bài hát chúng ta từng tự hào nhưng bước vào “trạng thái bình thường mới” đã sớm quên đi. Giai điệu vui nhộn, hấp dẫn, lời hát ngộ nghĩnh, dễ nhớ, dễ thuộc khiến tôi cảm thấy lòng mình thư giãn đôi chút. Lại tiếp tục rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang; hạn chế tụ tập, ra đường khi không thật cần thiết; bảo đảm khoảng cách với người bên cạnh 2 m…
Những ngày dài khó khăn còn ở phía trước.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
