![]() |
Đồng chí Tạ Thiên Long - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. |
Theo thống kê của Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, từ tháng 03/2020 - 7/2020, Tổng Công ty và một số đơn vị trực thuộc (trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội bài (NASCO), Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS), Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MASCO), Công ty Cổ phần Cung ứng và Xuất nhập khẩu lao động Hàng không (ALS), Pacific Airlines... đã phải cho NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Ngày 19/05/2020, Tổng Giám đốc Tổng Công ty và Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty đã ký ban hành Quy chế phối hợp lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-l9 (gọi tắt là Quỹ Covid-19). Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam là đơn vị đầu tiên trong hệ thống công đoàn báo cáo tình hình với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đề xuất phương án trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động của Công đoàn Tổng Công ty trong bối cảnh ngành hàng không chịu ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19. Từ đó được Tổng Liên đoàn phê duyệt chi 2 tỷ đồng để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn.
![]() |
Trao hỗ trợ cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua các công đoàn cơ sở. |
Trong đợt này, Tổng Công ty và Công đoàn tập trung hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập do phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, không có thu nhập khác nhưng chưa được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Phúc lợi của Tổng Công ty với mức chi 1.000.000 đồng/1 người/1 tháng. Tổng số tiền hỗ trợ là 4.006.000.000 đồng. Trong đó 1 tỷ đồng được trích từ tài chính công đoàn.
Theo đồng chí Đặng Anh Tuấn - Trưởng ban Truyền thông Thương hiệu (Vietnam Airlines): “Dù đã chủ động lên phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhưng khi dịch bệnh bùng phát, Tổng Công ty đã có cán bộ, công nhân viên bị nhiễm Covid-19. Doanh thu của Tổng Công ty giảm 50.000 tỷ đồng, lỗ 15.000 tỷ đồng. Đã có lúc, tưởng chừng thị trường vận tải hàng không có tín hiệu tốt thì làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, dự kiến Tổng Công ty sẽ phải tiếp tục áp dụng chính sách tiết giảm nhân lực thắt chặt hơn so với giai đoạn từ tháng 3 - 7/2020. Đời sống NLĐ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn”.
Đồng chí mong muốn Công đoàn với vị thế là tổ chức gần gũi với NLĐ sẽ lan tỏa đến cán bộ, công nhân viên toàn Tổng Công ty sự quan tâm của lãnh đạo Tổng Công ty và các cấp công đoàn cùng NLĐ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Từ đó, thấu hiểu và chia sẻ, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, xây dựng Tổng Công ty phát triển.
Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Khi tình hình dịch bệnh bùng phát, Tổng liên đoàn đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn sử dụng nguồn tích lũy của các cấp công đoàn để hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức 500.000 đồng/người. Trong thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của đoàn viên, NLĐ. Do đó, đối với Công đoàn Tổng Công ty Hàng không nói riêng và các công đoàn tỉnh, thành phố nói chung căn cứ vào thực tiễn ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể trình phương án để Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét, chỉ đạo thực hiện. Mục tiêu làm sao để NLĐ khó khăn chưa nhận được hỗ trợ sẽ có được sự quan tâm chăm lo của các cấp công đoàn”.
Là đơn vị có đông đoàn viên, NLĐ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bà Hoàng Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Công đoàn Đoàn Tiếp viên chia sẻ: “Tổng Công ty cũng như Đoàn Tiếp viên đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch cho NLĐ, chống lây lan trong cộng đồng. Công đoàn Đoàn Tiếp viên đã bàn bạc với chuyên môn trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ và xây dựng các cẩm nang hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho NLĐ. Đồng thời động viên tinh thần những cán bộ, công nhân viên nhiễm bệnh, người phải thực hiện cách ly gặp nhiều khó khăn do không được hưởng các chế độ đi bay, thu nhập eo hẹp. Hằng tháng, Công đoàn phối hợp với chính quyền rà soát số NLĐ bị ngừng việc, nghỉ việc, chưa nhận được hỗ trợ để có sự quan tâm kịp thời”.
Được biết, ngay từ khi dịch bệnh chớm bùng phát, Công đoàn Tổng Công ty đã chủ động chỉ đạo các cấp công đoàn cắt giảm các nội dung, hoạt động chưa thực sự cấp thiết để tập trung nguồn lực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ. 100% cán bộ công chức Cơ quan Công đoàn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tự nguyện thực hiện các chính sách tiết giảm nhân lực, tiền lương của Tổng Công ty mặc dù đối với cán bộ công chức nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không có yêu cầu.
Công đoàn tích cực tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách sử dụng nhân lực, tiền lương và nỗ lực tìm phương án đảm bảo tối đa quyền lợi NLĐ, hạn chế thấp nhất việc cắt giảm lao động. Tham mưu với doanh nghiệp đảm bảo chế độ giãn việc; đảm bảo các chế độ, chính sách cho NLĐ khi bị cắt giảm. Quan tâm đến lao động nữ, lao động có con nhỏ, lao động gặp nhiều khó khăn….
![]() |
![]() |
![]() |