Gặp những nông dân miền Tây làm công nhân phụ việc trên công trường cao tốc
Đời sống

Gặp những nông dân miền Tây làm công nhân phụ việc trên công trường cao tốc

TRẦN LƯU
Tác giả: TRẦN LƯU
Các gói thầu thuộc các dự án cao tốc đã tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, nhất là nông dân các tỉnh, thành miền Tây đi làm công nhân, giúp cuộc sống bà con khấm khá hơn…
Sẵn sàng khởi công tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên ở ĐBSCL

Những bác "Hai lúa" trên công trường

Không có nhiều ruộng vườn, đất đai canh tác, cũng từng lặn lội lên TP. HCM làm công nhân nhưng phải quay về quê do công ty khó khăn, tìm được một công việc để có nguồn sống ổn định với anh Trần Văn Tấn Phát (SN 1992, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) là mơ ước.

Khi nghe tin tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vừa khởi công, anh Phát đã tìm đến xin “ứng tuyển”, rồi được nhà thầu (Tập đoàn Định An) nhận vào làm công nhân tại bộ phận thi công dầm, trụ cầu, thuộc gói thầu 11 thi công nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ).

Gặp những nông dân miền Tây làm công nhân phụ việc trên công trường cao tốc
Anh Trần Văn Tấn Phát làm việc tại gói thầu số 11 thuộc nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Ảnh: Tr.L.

Anh Phát mừng mừng kể: “Mấy năm lên miền Đông Nam bộ, dù không qua trường lớp nào, nhưng tôi học được rất nhiều điều, làm được rất nhiều việc khác nhau, như: làm sắt, làm hồ…. Có thời điểm khó khăn phải làm “thợ đụng” – tức là “đụng đâu làm đó”; nên khi đến công trường xin việc tương đối thuận lợi, được nhận ngay”.

Công việc mới đã mang lại cho anh Phát nguồn thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập rất ổn so với mặt bằng cuộc sống ở nông thôn, nhờ đó, cuộc sống gia đình anh đã đỡ hơn rất nhiều. “Mỗi ngày tôi chịu khó đi về (hơn 20km), tính ra tiền xăng cũng không tốn bao nhiêu; lại được tiết kiệm rất nhiều khoản như: chi phí nhà trọ, điện nước… so với lúc còn ở TP. HCM. Nhờ có cao tốc mà cuộc sống đỡ vất vả hơn”.

Đang cặm cụi làm việc cùng với những cuộn bấc thấm (là vật liệu kỹ thuật có tính ứng dụng cao trong công trình cầu đường), ông Nguyễn Văn Mai (SN 1972, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ), chia sẻ: Khi chưa có công trình cao tốc, ông ở nhà làm 5 công ruộng trồng lúa, còn vợ thì mua bán nhỏ lẻ. Quần quật suốt năm, hai vợ chồng chỉ đủ lo cho cái ăn học.

Bốn tháng trước, ông Mai cũng được nhận vào làm công nhân ở gói thầu số 11. “Công việc của tui làm ở bộ phận cuộn bấc thấm với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Công trình nằm ở gần nhà, mỗi ngày đi làm rất thuận tiện, cao tốc đã giúp nhiều lao động ở địa phương có cuộc sống ổn định hơn. Mấy hôm nay thời tiết mưa nắng thất thường, anh em công nhân luôn phải cố gắng làm việc để đảm bảo tiến độ”, ông Mai cho hay.

Gặp những nông dân miền Tây làm công nhân phụ việc trên công trường cao tốc
Công trình cao tốc đã mang đến nhiều việc làm cho người dân địa phương. Ảnh: Tr.L.

Điều thú vị của công trường cao tốc quan trọng này không chỉ có những bàn tay góp mặt như anh Phát, anh Mai mà còn rất nhiều nông dân khác. Họ là những "công nhân" thời vụ, phụ việc trên công trường nhưng cũng tự hào đóng góp vào việc xây dựng công trình trọng điểm trên quê nhà.

Như gia đình anh Nguyễn Thanh Nhàn (huyện Vĩnh Thạnh) quanh năm cũng làm ruộng. Riêng anh có thêm nghề tài xế lái máy xúc cho các công trình xây dựng cầu đường. Nhưng mấy năm gần đây kinh tế khó khăn, việc làm và thu nhập của anh đều không ổn định. Từ khi cao tốc khởi công, anh xin vào làm tài xế ở công trường, được trả lương 12 triệu đồng/tháng.

"Thu nhập tốt, lại được làm việc gần nhà, nên mấy tháng qua, cuộc sống gia đình đã tốt hơn rất nhiều. Mỗi người một việc, hạnh phúc nhất là được góp chút sức xây dựng cao tốc, mong ngày mới quê hương mình giàu đẹp hơn trên những cung đường", anh Nhàn tâm sự.

Gặp những nông dân miền Tây làm công nhân phụ việc trên công trường cao tốc
Hình ảnh thi công bấc thấm tại các công trình cao tốc của Tập đoàn Định An. Ảnh: Tr.L.

Ông Nguyễn Tất Đạt - Chỉ huy trưởng gói thầu 11 (Tập đoàn Định An), cho biết: Trên công trường, ngoài những công việc đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; vẫn có rất nhiều công việc giản đơn, dễ làm, với nhu cầu cần tuyển dụng lao động tương đối lớn.

“Tính ưu việt của nguồn lao động tại chỗ là dễ tìm, anh em công nhân là người dân địa phương nên rành rẽ mọi thứ, giúp ích rất nhiều trong công việc. Đến nay đã có 20 lao động là người dân địa phương được nhận vào làm việc tại gói thầu số 11, với mức thu nhập từ 9 triệu đồng cho đến 15 triệu đồng/tháng, tùy vào công việc mỗi người”, ông Đạt thông tin.

Tạo thu nhập nhưng đảm bảo chất lượng, an toàn

Dự án dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được khởi công vào tháng 6/2023. Toàn tuyến có chiều dài 188,2 km, quy mô phân kỳ 4 làn xe , sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng; tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần 1, 2, 3 và 4, giao UBND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Riêng dự án thành phần 2 Cần Thơ có chiều dài 37 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.845 tỉ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Gặp những nông dân miền Tây làm công nhân phụ việc trên công trường cao tốc
Công nhân với công đoạn hàn sắt trên công trường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Tr.L.

Theo ông Nguyễn Tất Đạt, ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho công nhân làm việc; vấn đề an toàn lao động luôn được nhà thầu nhắc nhở, quán triệt mỗi ngày, đến mỗi người. Trong đó, ngoài việc nhắc nhở công nhân mặc bảo hộ lao động thì biện pháp thi công đảm bảo an toàn là quan trọng nhất, tuyệt đối không để những sơ suất xảy ra.

Trong khi đó UBND huyện Vĩnh Thạnh cho hay, từ khi các gói thầu đi qua địa bàn huyện được triển khai đã tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp cuộc sống bà con ổn định hơn.

Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh rộng 900 ha, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ. UBND TP. Cần Thơ đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn I rộng gần 294 ha, có tổng mức đầu tư hơn 3.717 tỷ đồng.

Gặp những nông dân miền Tây làm công nhân phụ việc trên công trường cao tốc
Một góc thi công gói thầu số 11, nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Ảnh: Tr.L.

Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đã được khởi công tại xã Vĩnh Trinh. Khu công nghiệp được quy hoạch tổng diện tích 900ha, trong đó giai đoạn 1 có diện tích hơn 293ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.717 tỉ đồng.

Dự án được định hướng xây dựng theo mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững với mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía Nam. Thiết lập mạng lưới logistics “từ trung tâm đến cảng” và hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra khoảng 30.000 đến 50.000 việc làm.

Huyện Vĩnh Thạnh kỳ vọng khi tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề hoàn thành sẽ kết nối với hệ thống giao thông hiện hữu, mở ra không gian phát triển mới, thu hút đầu tư, giải quyết vấn đề lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho người dân...

Theo quy hoạch, khu vực ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc với 1.188 km, gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc (597 km) và 3 tuyến cao tốc trục ngang (591 km).

Đến nay, toàn vùng đã đưa vào khai thác 120 km. Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 311 km, đến năm 2027 có khoảng 526 km, đến năm 2030 có khoảng 740 km.

Ngày 13/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc, cùng nhau làm tạo nên phong trào thi đua trên công trường. Các đơn vị phải làm việc với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ để lấy lại thời gian đã chậm tiến độ từ trước.

Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư làm các tuyến cao tốc tại địa phương phải vừa làm vừa hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, để doanh nghiệp địa phương lớn mạnh dần, chủ động xây dựng được các công trình lớn tại địa phương theo tinh thần 4 tại chỗ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống tưới tiêu, chống sạt lở, hệ thống đường giao thông, xây dựng phố trong làng.

Hàng loạt cao tốc sẽ tăng phí vào đầu tháng sau Hàng loạt cao tốc sẽ tăng phí vào đầu tháng sau

Từ 0 giờ ngày 1/2/2024, bốn tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ ...

Công nhân làm xuyên Tết trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau Công nhân làm xuyên Tết trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Gác lại niềm riêng khi Tết đến Xuân về, nhiều công nhân vẫn miệt mài trên công trường, bất kể ngày đêm. Với họ, mùa ...

Phạt nguội đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc bao nhiêu tiền? Phạt nguội đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc bao nhiêu tiền?

Nhiều độc giả thắc mắc có bị phạt nguội đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc không, câu trả lời là có. Điều này ...

Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Khi pháp luật thôi là rào cản, mà trở thành điểm tựa, người công nhân sẽ không còn là người “thi hành ý tưởng” mà có thể là người “khởi xướng đổi mới”. Chính sách pháp lý ấy, nếu được thực thi đúng đắn sẽ đưa tầng lớp lao động bước vào vai trò trung tâm của cuộc cách mạng đổi mới quốc gia.
Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

Việc Chính phủ được đề nghị phân bổ tối thiểu 3% ngân sách nhà nước cho khoa học – công nghệ và nâng dần lên 2% GDP, là bước chuyển từ “lời nói” thành “hành động”. Đây là tín hiệu cho thấy, Nhà nước đang xác lập một ưu tiên quốc gia mới và ưu tiên ấy không chỉ dành cho các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm cao cấp mà còn dành cho công nhân, kỹ sư, người lao động nơi xưởng máy, công trình, đồng ruộng.
“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Từ ruộng đồng đến nhà máy, từ làng quê đến khu công nghiệp, hàng triệu công nhân và người lao động Việt Nam đang từng ngày nỗ lực vươn lên bằng chính sức mình.

Tin tức khác

7 dự án nhà ở xã hội được quan tâm của TP Hà Nội năm 2025

7 dự án nhà ở xã hội được quan tâm của TP Hà Nội năm 2025

Hà Nội đang nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển và gia tăng nguồn cung cấp nhà ở cho người lao động thu nhập thấp. Trong bối cảnh này, 7 dự án nhà ở xã hội đang thu hút sự chú ý đặc biệt.

Người lao động xếp hàng mua vàng ngày vía Thần tài, cầu lộc đầu năm

Với mong muốn mua vàng vào ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng hàng năm) sẽ mang lại may mắn, tài lộc, nhiều người lao động đã xếp hàng dài tại các cửa hàng vàng bạc đá quý, tranh thủ giờ nghỉ để kịp "rước lộc" về nhà.

Công nhân trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán 2025 với tỷ lệ cao

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không khí lao động sản xuất đã sôi động trở lại trên khắp các nhà máy, xí nghiệp.

Về Tết

Trằn trọc. Đêm nay thật dài. Sáng sớm mai mình sẽ về quê. Sao anh ấy có thể ngủ nhỉ? Mà không phải chạy vạy lo lắng các thứ nữa thì ngủ ngon chứ sao…

Công nhân trở lại làm việc: Mong một năm mới tốt đẹp!

Từ tối ngày 1/2 (mùng 4 Tết) cho đến hôm nay (2/2, mùng 5 Tết), dòng người ở các tỉnh miền Tây bắt đầu quay trở lại các tỉnh Đông Nam Bộ để làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Ngày Tết trên cảng biển Chân Mây

Đêm giao thừa Tết Ất Tỵ, trời Huế mưa rét căm căm. Nhưng sáng mùng Một, biển Chân Mây bừng lên sắc xuân, trời quang, nắng ấm. Đúng thời khắc ấy, du thuyền hạng sang Celebrity Solstice chở hơn 3.000 du khách quốc tế cập cảng. Anh công nhân Lê Dũng, trong bộ đồ lao động đã sờn, sẵn sàng cho công việc đầu tiên của năm mới.
Xem thêm