
“Mái nhà chung” cho người lao động khu vực phi chính thức |
Những nỗi lo thường trực
Hơn chục năm nay, chị Nguyễn Thị M. (40 tuổi) rong ruổi bên chiếc xe đẩy ở khắp các ngõ phố trung tâm Thủ đô để bán nước uống, đồ ăn vặt. “Bữa đực, bữa cái” là câu trả lời được chị M. đưa ra khi hỏi về mức thu nhập của cái nghề “phơi mặt” cả ngày ngoài đường này.
“Học xong cấp ba là đi làm luôn. Tôi cũng có xin vào một công ty làm, nhưng vì thiếu hiểu biết về luật pháp mà không được ký hợp đồng lao động, các chế độ cơ bản cũng không có. Từ đó, tôi chuyển sang bán nước dạo. Mùa hè thì chủ yếu là các loại trà chanh, trà quất; mùa đông thì bán thêm chè nóng, giá bán cũng chỉ dao động 10.000 - 20.000 đồng/cốc. Vất vả nhất là những hôm mưa, tấm bạt cũng chỉ đủ che đồ đạc để bán, còn mình thì chấp nhận vừa mặc áo mưa vừa bán. Những ngày này, cũng ế lắm”, chị M. chia sẻ.
Theo lời chị M., khách chủ yếu là công nhân tại các công trình, nhân viên văn phòng... nên chị thường di chuyển liên tục qua các địa điểm, được “khách nào hay khách ấy”. Dù vất vả nhưng chị M. vẫn chọn gắn bó với công việc này.
“Không có bằng cấp, chứng chỉ nghề cũng không có, tuổi thì nhiều rồi, chẳng xin được việc ở đâu nữa. Nếu không làm thì lấy gì nuôi con, cho con học hành thành tài để đỡ vất vả như mình, nên tôi vẫn cứ cố thôi. Nói vậy, nhưng nếu giờ được tham gia một tổ chức nào đó, được bảo vệ quyền lợi, chăm lo thì tốt quá”, chị M. tâm sự.
![]() |
Thu nhập của nhiều lao động phi chính thức đến từ những gánh hàng rong. |
Cũng giống như chị M., bà Bùi Thị H. năm nay đã gần 70 tuổi, vẫn cần mẫn chắt bóp từng đồng từ chiếc xe đạp chở theo thùng cà phê. “30 năm nay rồi!", bà nói về thâm niên trong nghề.
"Khi vừa sinh con gái út thứ ba thì gia đình tôi xảy ra biến cố, nợ nần chồng chất, thế là bỏ việc làm ruộng để lên thành phố bán tào phớ. Sau này, thấy hình thức bán cà phê dạo nổi hơn thì lại chuyển. Bằng tuổi tôi giờ người ta có lương hưu, hưởng an nhàn vì đi làm được đóng bảo hiểm. Còn mưu sinh tự do, tự sản tự tiêu thế này, cũng phải chấp nhận thôi”, bà H. chia sẻ.
Thu nhập bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng nhiều người lao động phi chính thức vẫn chấp nhận gắn bó với các ngành nghề có tính chất dễ thay đổi và không yêu cầu trình độ cao. Phần lớn họ có trình độ học vấn thấp, quá tuổi lao động hoặc những người đến từ khu vực nông thôn, thiếu cơ hội việc làm chính thức.
Thu nhập thấp hơn đáng kể so với nhóm chính thức
Theo Báo cáo tổng quan lao động có việc làm phi chính thức ở Hà Nội giai đoạn 2021 – 2023 do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vừa phát hành, cho thấy trong giai đoạn này, lao động phi chính thức tại Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, từ thu nhập thấp hơn đến thiếu quyền lợi và bảo vệ.
Theo đó, tính đến năm 2023, số lao động phi chính thức trên thị trường Hà Nội là 1,89 triệu người (tăng 15,3% so với năm trước) và chiếm 50,17% tổng số lao động có việc làm.
Lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn đáng kể so với lao động chính thức. Thu nhập từ công việc chính của người lao động trong năm 2021 - 2023 lần lượt đạt 6,305 triệu đồng, 8,572 triệu đồng và 8,303 triệu đồng, tương ứng lần lượt bằng khoảng 63%, 80% và 71% thu nhập của lao động khu vực chính thức cùng năm.
Tại thành thị, chênh lệch thu nhập giữa lao động chính thức và phi chính thức khoảng 4 triệu đồng (bình quân thu nhập trong giai đoạn 2021 - 2023 của lao động chính thức là 12,026 triệu đồng so với chỉ 7,916 triệu đồng của lao động phi chính thức).
Ở khu vực nông thôn, mức chênh lệch này khoảng 1,5 triệu đồng (bình quân thu nhập trong giai đoạn 2021 - 2023 của lao động chính thức là 9,037 triệu đồng so với 7,617 triệu đồng của lao động phi chính thức).
![]() |
Lao động phi chính thức thường khó tiếp cận với các việc làm chinh thống và các chế độ xã hội. |
“Sự chênh lệch này phản ánh nhiều yếu tố, từ quyền lợi và chế độ phúc lợi mà lao động chính thức được hưởng đến điều kiện làm việc ổn định hơn. Lao động phi chính thức thường gặp phải những rủi ro về việc làm, không có hợp đồng lao động rõ ràng và ít được hưởng các chính sách hay quyền lợi khác” - báo cáo nêu.
Thu hút người lao động phi chính thức tham gia nghiệp đoàn
Hầu hết lao động phi chính thức (97,8%) không có bảo hiểm xã hội (BHXH); chỉ có 0,1% được đóng BHXH bắt buộc và 2,1% BHXH tự nguyện. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản.
Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, cần “chính thức hóa” lao động phi chính thức bằng biện pháp tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ mà không cần phải chuyển vào khu vực kinh tế chính thức.
![]() |
Nghiệp đoàn Thợ xây Hà Nội tập hợp những người lao động tự do cùng ngành nghề. |
Bên cạnh đó, với các tổ chức Công đoàn, việc thành lập các nghiệp đoàn cơ sở, tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, theo địa bàn hoặc theo đơn vị sử dụng lao động, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam đang được quan tâm chú ý.
Đoàn viên nghiệp đoàn sẽ được hưởng mọi quyền lợi như đoàn viên của một công đoàn cơ sở, được tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, được tham gia những chương trình phúc lợi, các hoạt động công đoàn và kịp thời chia sẻ khó khăn để người lao động an tâm hơn trong công việc.
Tại Hà Nội, nhiều mô hình nghiệp đoàn được ra đời, củng cố niềm tin của người lao động Thủ đô với tổ chức công đoàn. Có thể kể đến: Nghiệp đoàn Lái xe vận tải và dịch vụ Hà Nội, Nghiệp đoàn Thợ xây Hà Nội, Nghiệp đoàn Gốm huyện Gia Lâm, Nghiệp đoàn Mầm non tư thục huyện Đan Phượng,...
Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể, cho biết: Tổ chức công đoàn huyện đang tập trung nhiều giải pháp để vận động, thu hút nhóm lao động phi chính thức tham gia nghiệp đoàn. Bên cạnh đó, tuyên truyền về quyền lợi nghĩa vụ của đoàn viên nghiệp đoàn tới người lao động phi chính thức, lãnh đạo địa phương và cả những chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất đang sử dụng nhóm lao động này...
![]() “Vận động lao động phi chính thức tham gia tổ chức Công đoàn nhằm mang lại quyền lợi cho người lao động, đóng góp vào ... |
![]() Các cấp Công đoàn tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực, sáng tạo để thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công ... |
![]() Nghiệp đoàn cơ sở nghề cá thị trấn Cửa Việt là nghiệp đoàn đầu tiên do LĐLĐ tỉnh Quảng Trị và các cấp công đoàn ... |
Tin mới hơn

“Thay” tư duy - “đổi” vận mệnh

Bất cập chính sách khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo
Tin tức khác

Biến phế phẩm thành “vàng” – sáng kiến của người cán bộ yêu nghề

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay

Nghị quyết 57: Người lao động có cơ hội “thăng hoa” cùng thời đại số

“Kênh ba bên” - mô hình đối thoại cần thiết trong nền kinh tế thị trường
