![]() |
Học viên nhí tham gia rèn luyện các kỹ năng tự vệ. |
“Hôm nay con được tham gia “Ngày hội gia đình”. Có rất nhiều câu chuyện cảm động về bố mẹ. Con cảm thấy thật may mắn khi có bố, khi có mẹ, có một gia đình ấm áp… Con muốn gửi tới bố mẹ lời cảm ơn đã cho con nhiều điều tốt đẹp và cho con cuộc sống này! Con yêu bố mẹ”.
Đó là một phần trong bức thư cậu con trai 11 tuổi viết gửi mẹ, trong những ngày cậu bé tham gia khóa rèn luyện “Học viên sĩ quan trẻ tuổi” trong quân đội. Và điều khiến phụ huynh cậu bé - chị Nguyễn Khánh Vân (quận Long Biên, TP. Hà Nội) - cảm thấy hài lòng nhất sau khóa học đó là sự trưởng thành trong ý nghĩ và hành động của con mình.
Cho con đi để rèn luyện…
Hè về, tạm biệt thầy cô và mái trường, nhiều bậc phụ huynh đã lên phương án cho con có những trải nghiệm hè thú vị sau 2 học kỳ căng thẳng: Nhà gửi con về quê; nhà đưa con đi du lịch; có gia đình chọn tham gia những khóa học thêm về văn hóa, thể dục thể thao, bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu…
Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều gia đình “săn” cho con tham gia “học kỳ thứ ba”, trở thành “chiến sĩ” công an, quân đội nhí với tên gọi như “học kỳ quân đội”, “học kỳ công an”; thậm chí sang hơn là trại hè quốc tế - vừa rèn luyện, trau dồi về ngoại ngữ, vừa có thêm những trải nghiệm thú vị về cuộc sống, văn hóa nước ngoài…
![]() |
Nắng đấy nhưng các em vẫn say sưa theo dõi huấn luyện viên. |
Trở lại câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Khánh Vân (quận Long Biên, TP Hà Nội). Lý do chị chọn cho 2 cậu con trai tham gia khóa huấn luyện “học viên sĩ quan trẻ tuổi” là muốn các con tạm quên đi các thiết bị điện tử như điện thoại smartphone, máy tính, ti vi kết nối internet; trải nghiệm môi trường đào tạo “thiết quân luật” nghiêm khắc của quân đội từ giờ ăn - ngủ - sinh hoạt… qua đó rèn luyện ý thức tự phục vụ, sắp xếp công việc của bản thân.
Sau khóa học 8 ngày, đón con trở về khóa huấn luyện “học viên sĩ quan trẻ tuổi”, chị Vân không khỏi ngạc nhiên về sự “trưởng thành” của hai cậu con trai. Chị kể: Nhật ký “hành trình” con ghi lại sự khó khăn, “gian khổ” trong những ngày đầu con phải đối mặt như: Bị đánh thức từ 5 giờ sáng, mắt nhắm, mắt mở phải tự gấp chăn, màn; tham gia rèn luyện theo giờ rất khắt khe; ăn xong, tự mang bát đũa đi rửa; phải tự giặt quần áo; sinh hoạt trong điều kiện nắng nóng nhưng không có điều hòa... (đây đều là những việc từ trước đến nay con chị chưa phải làm, bởi ở nhà đều quen có bố mẹ trợ giúp và máy móc phục vụ).
Vậy nhưng, theo từng ngày, cảm giác bỡ ngỡ, xa nhà, lạ lẫm nhanh chóng trôi qua, con chị Vân nhanh chóng hòa nhập với các bạn, tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, vui chơi, rèn luyện… Đặc biệt, sau khóa học, cậu bé vẫn sinh hoạt khá điều độ theo lịch quân ngũ, còn tỏ ra khá thích thú và hào hứng, xin được kéo dài thêm thời gian ở… quân ngũ.
Trung tá Nguyễn Công Thịnh - Trưởng Ban Thanh niên Trường Sĩ quan Lục quan 1 - đơn vị phối hợp tham gia khóa huấn luyện “học viên sĩ quan trẻ tuổi” cho biết: Từ chương trình phối hợp giữa Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, qua 10 năm phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức, chương trình “học kỳ quân đội” đã tuyên truyền, giáo dục tới học sinh, thanh thiếu niên các trường tiểu học và THCS hiểu biết sâu sắc hơn về lich sử, truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, về bản chất, hình ảnh tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ, qua đó xây dựng cho các em học sinh niềm tin, lòng tự hào dân tộc, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ý thức tự giác học tập, rèn luyện, chấp hành pháp luật, bồi đắp lý tưởng vươn lên…
Trong khóa học ngắn ngủi khoảng 1 tuần, học viên được rèn luyện: Thức dậy đúng giờ, tự vệ sinh cá nhân, sắp xếp quân tư trang… Bên cạnh đó, học viên được trang bị kỹ năng sống như: Những nguyên tắc “vàng” tự bảo vệ mình khỏi xâm hại tình dục; thực hành kỹ năng băng bó vết thương; thể hiện tài năng, năng khiếu, kiến thức qua các trò chơi, cuộc thi; đặc biệt, chương trình sẽ dành những giây phút lắng đọng để các học viên nhí sinh hoạt bên nhau về chủ đề tình bạn, gia đình…
…để con “lớn” lên
![]() |
Các bạn nhỏ hào hứng với trò chơi trong khóa huấn luyện “học kỳ quân đội” |
Gửi cô con gái 12 tuổi tham gia học kỳ công an, chị Hoàng Thúy An (Tây Hồ, Hà Nội) đã rất ngỡ ngàng khi thấy sau khóa huấn luyện, con gái đã tự giác hơn trong vệ sinh cá nhân, biết quan tâm hơn đến mọi người thân trong gia đình. “Tôi cảm nhận được rất rõ thái độ biến chuyển từ thói quen “được phục vụ, hưởng thụ” sang “tự phục vụ”. Bạn ấy đã biết cầm cây chổi lau nhà, biết dọn bát đũa trước giờ ăn… Dù thời gian rất ngắn, chưa đủ chứng minh nhiều, nhưng rõ ràng bạn ấy đã “ngộ” ra rất nhiều điều trong cuộc sống, có sự “lớn lên” trong suy nghĩ, lời nói và hành động”, chị An chia sẻ.
Đầu tư cho con trai 11 tuổi tham gia trải nghiệm trại hè tiếng Anh tại Philipins trong 1 tháng, chị Đỗ Thu Trang (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: Không điện thoại, không internet, tôi cảm nhận rõ sự trưởng thành của con sau 2 tuần xa bố mẹ. Trước khi đi, tôi có giúi vào balo cho con quyển truyện, từ một cậu bé rất lười và ngại đọc, vậy mà, khi gọi điện về, cậu ấy đã gửi lời cảm ơn mẹ vì cuốn truyện rất hay. “Thành công lớn nhất là chàng đã tự nguyện đọc truyện và khen nó hay”, chị Trang vui mừng khoe.
Chị Trang cho biết, trong 1 tháng du học, học viên sẽ được rèn luyện về ngoại ngữ, tham gia trải nghiệm nếp ăn ở, sinh hoạt, giao tiếp… “Ở nhà, bình thường bạn ấy rất lười, ngoài việc học, gần như chả quan tâm đến cái gì, nhưng giờ thì anh ấy đã tự biết xấu hổ vì sự lười biếng của mình, biết chăm chỉ, ý thức về việc học hành của mình. Tôi cảm nhận con đã chững chạc, biết suy nghĩ hơn”, chị Trang bộc bạch…
![]() Kinh tế phát triển, ăn mặc không còn là nỗi lo thường trực thì nhu cầu làm đẹp lên ngôi song vấn đề này hiện ... |
![]() Ông Lê Đức Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện ATVSLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã đưa ra một số góp ý ... |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
