![]() |
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội với Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc Việt Nam |
Hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp
Theo ThS. Nguyễn Thu Phượng - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Công ngiệp Dệt May Hà Nội: “Việc đổi mới công tác đào tạo thực hành gắn với doanh nghiệp nhằm phục vụ công tác đào tạo lý thuyết và thực hành, thực tập nâng cao trình độ, bổ sung nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp khi sinh viên tốt nghiệp tại nhà trường. Nhờ đó, sinh viên được đào tạo có kỹ năng nghề nghiệp cao, sát với thực tế sản xuất, có thể tiếp nhận ngay các vị trí công việc tại doanh nghiệp mà không cần đào tạo lại”.
Để việc đào tạo gắn với doanh nghiệp hiệu quả, trường luôn chủ động kết nối, xây dựng các chương trình liên kết, và đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Trường đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với hàng chục doanh nghiệp dệt may như: Tổng Công ty May Hưng Yên - CTCP; Tổng Công ty Đức Giang - CTCP; Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ; Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG; Công ty Cổ phẩn May Sông Hồng (Nam Định), CTCP - Tổng Công ty May Bắc Giang LGG, Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam…
Ngoài ra, trường còn đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho các doanh nghiệp dệt may. Đến nay, Công đoàn trường phối hợp với bộ phận chuyên môn mở 133 lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn với hơn 4.400 học viên là cán bộ kỹ thuật, tổ trưởng sản xuất, giám đốc nhà máy thành viên, cán bộ quản lý đơn hàng merchandiser…
Riêng năm 2020, phối hợp với Công đoàn Dệt May Việt Nam mở được 20 lớp đào tạo chuyển đổi nghề, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, người lao động tại khu vực miền Bắc và miền Trung với gần 1.000 đoàn viên, người lao động.
![]() |
Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội thực tập tại Trung tâm Sản xuất dịch vụ của trường. |
Kết nối giữa sinh viên - nhà trường - doanh nghiệp
Đáp ứng việc đào tạo thực hành gắn với doanh nghiệp đạt hiệu quả, nhà trường đã triển khai “Mô hình doanh nghiệp trong nhà trường” với sự ra đời của Trung tâm Sản xuất dịch vụ. Trung tâm hiện có gần 500 cán bộ, công nhân viên được trang bị những thiết bị hiện đại với quy mô hoạt động tương đương một doanh nghiệp loại vừa.
Trung tâm thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản... và hướng dẫn sinh viên thực tập. Đây là môi trường lý tưởng để sinh viên thực hành, thực tập nghề nghiệp, áp dụng những kiến thức, kỹ năng được trang bị.
Vẫn theo chị Phượng, trung bình, mỗi năm có khoảng 2.000 - 2.500 lượt sinh viên được thực tập tại trung tâm này. Ngoài ra, sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp ngoài trường khoảng 700-800 lượt. Để đáp ứng nhu cầu học hỏi của sinh viên, nhà trường luôn luôn đổi mới phương pháp hướng dẫn sinh viên thực tập bằng các sản phẩm xuất khẩu tại tất cả các khâu thiết kế, chuẩn bị sản xuất, xuất nhập khẩu, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng... theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp sinh viên tự đánh giá khả năng đáp ứng của mình với thực tế doanh nghiệp, đánh giá được năng suất và chất lượng đạt được so với doanh nghiệp và hội nhập tốt với môi trường chuyên nghiệp trong các doanh nghiệp dệt may.
Bên cạnh đó, nhà trường đều tổ chức hoạt động kết nối giữa sinh viên - nhà trường - doanh nghiệp thông qua Ngày hội việc làm hằng năm. Đây chính là diễn đàn giúp cho sinh viên của trường được tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp tuyển dụng, giúp trường gặp gỡ và giao lưu với doanh nghiệp thông qua các hoạt động trao học bổng, ký kết thỏa thuận hợp tác, tọa đàm chia sẻ trong ngày hội…
Năm học vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch nên nhiều hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp chưa được triển khai. Tuy nhiên, tính riêng năm học 2019-2020, nhà trường đã hợp tác với các doanh nghiệp trong nhiều hoạt động như: đưa 662 lượt giảng viên, sinh viên tham quan, thực tế, thực tập tại 71 doanh nghiệp; hỗ trợ tuyển dụng cho 24 doanh nghiệp. Đặc biệt, ký kết với 24 doanh nghiệp tài trợ học bổng cho 70 suất, tổng giá trị 343.000.000 đồng.
![]() |
Công nhân dệt của Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam (Hưng Yên). |
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng trong nước, trường còn thực hiện hoạt động kết nối, hợp tác Quốc tế như giới thiệu sinh viên đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp, liên kết đào tạo với các nước cho cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Việc đổi mới công tác đào tạo thực hành gắn với doanh nghiệp của trường đang được các doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá cao. Theo số liệu khảo sát sinh viên đại học khóa 1 (2016-2020), sau 12 tháng tốt nghiệp tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 94,2%; tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành và liên quan đến ngành đào tạo là 90,5%. Điều này khẳng định chất lượng đào tạo đầu ra, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Có thể nói, mô hình đào tạo thực hành gắn với doanh nghiệp của Trường Đại học Công ngiệp Dệt May Hà Nội đã và đang khẳng định được vị thế, uy tín trong hệ thống các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên cả nước; trong thành công đó có phần đóng góp không nhỏ của tổ chức Công đoàn trường.
![]() Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2026 giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhấn mạnh nội ... |
![]() Sáng 17/11, Tạp chí Lao động và Công đoàn và LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phối hợp ... |
![]() Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/06/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình ... |