![]() |
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai Trần Lệ Nhung trao quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: LĐLĐ tỉnh Gia Lai. |
Gần nhất là chuyện tặng quà Tết cho cán bộ giữ rừng ở LĐLĐ Gia Lai. Chị Nhung, Chủ tịch LĐLĐ Gia Lai kể, cùng làm nhiệm vụ, cùng phải bám đất bám rừng, không được về với gia đình, nhưng biên phòng thì nhiều quà, kiểm lâm thì thưa thớt. Năm nào mình cũng đi chúc bộ đội, sau mới phát hiện ra công đoàn viên của mình ở ngay sát đó thì chẳng ai thăm. Đến nơi các em mừng mừng tủi tủi. Có em kể biết tin đoàn đến thao thức cả đêm. Có cái áo sơ mi mua mà chẳng biết mặc với ai, hôm nay may, các chị qua, em mới có dịp là phẳng lần đầu.
Giữa năm qua LĐLĐ Quảng Trị nghe chuyện tổ chức ký thỏa ước lao động tập thể kiểu “Con gà…”. Các bạn mời các doanh nghiệp chế biến gỗ cùng đến ký thỏa ước với đại diện người lao động. Đưa doanh nghiệp này đọc điều khoản ở doanh nghiệp khác. Mà những điều khoản có lợi hơn cho công nhân thì lại được đưa ra hoan nghênh nhiều nhất. Các ông chủ không ai muốn mình kém hào phóng hơn người. “Tiếng gáy” càng to thì công nhân càng thích. Công đoàn cũng càng vui.
Đầu năm, mình được một Chủ tịch công đoàn đề nghị gặp. Anh ấy vừa là Chủ tịch công đoàn lại cũng là Phó Tổng giám đốc của Công ty 1/5. Công ty vừa nợ lương vừa nợ đóng bảo hiểm cho người lao động. Vừa rồi hàng trăm công nhân đã đưa đơn ra tòa kiện. Anh Phó Tổng kiêm Chủ tịch đề nghị Tạp chí không đưa bài điều tra bảo vệ công nhân. Mình từ chối tiếp. Việc cũng chẳng phải lăn tăn nhiều, ngoại trừ trong lòng đọng lại điều trăn trở: Bao giờ mới hết cảnh cán bộ công đoàn kiêm nhiệm kiểu này để quyền lợi công nhân không bị đặt sau giới chủ.
Kể thêm một chuyện về công nhân ở Công ty 1/5. Chị Dương nấu cơm 18 năm cho cả ngàn người ăn. Chồng chết vì ung thư. Rồi chị cũng phát hiện bị ung thư. Công ty không có việc làm. Bị nợ lương. Đi khám chữa bệnh mới biết bảo hiểm cũng bị nợ nên không được thanh toán. Cùng quẫn, chị viết tâm thư thông qua Tạp chí Lao động và Công đoàn gửi Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.
Rồi thì bảo hiểm của chị cũng được chốt sổ cùng vài người cực kỳ khó khăn khác. Chúng tôi đến thăm, chị bảo sẽ bán sổ đi hình như được gần 70 triệu, nhưng phải nằm viện nhiều quá chưa làm thủ tục được. Hôm đó chị đã xạ trị xong, hóa trị còn 3 liều nữa, khối u ở phổi vẫn tăng thêm kích thước. Muốn điều trị tiếp thì có thể tiêm với phác đồ khoảng 60 triệu trong 3 tháng. Chị bảo thôi mình về với thuốc nam…
Hỏi chị mong muốn gì ở Tết. Chị cười khẽ, mong con trai sắp hết nghĩa vụ kiếm được việc làm. Rồi chị nhờ, các bác đi nhiều có biết ở đâu dạy nghề tốt?
Tôi đưa chị cái phong bì nho nhỏ. Chị bảo lần trước bác tặng quà em rồi, em không dám nhận nữa. Tôi không nói nổi gì, chỉ nắm tay chị, im lặng.
Thật lòng chúng tôi đâu giúp chị được gì nhiều. Cái chị cho lại chúng tôi còn lớn gấp nhiều lần. Đó là cái cảm giác tự tin mình còn làm được việc trong nghề cầm bút, nghề cán bộ công đoàn.
Cuối cùng cũng lại tự hỏi mình, năm Trâu làm được gì?
Cả Tạp chí tất tả kiếm tiền nuôi nhau suốt mấy mùa dịch Covid. Cả năm không chậm lương. Hết năm không thua lỗ. Mỗi người vài triệu thưởng Tết. Biết đủ là đủ.
Muốn tự động viên thì chỉ cần nhìn hệ thống công đoàn đang chuyển rõ rệt là thấy vui rồi.
![]() Năm nay, không khí mua sắm Tết trầm lắng hơn do tình hình dịch bệnh phức tạp. Người lao động sau một năm khó khăn ... |
![]() Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, các doanh nghiệp tại Bình Dương đang hồi phục và tăng tốc sản xuất dịp cuối năm nhưng ... |
![]() Hiện nay, doanh nghiệp tại Bình Phước đang cần tuyển gấp khoảng 10.000 lao động. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, vấn đề tuyển ... |