![]() |
Quang cảnh Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Ảnh: M.A |
Chiều 27/3, tại Hà Nội, Ban soạn thảo (nhóm 2) do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.
Đến tham dự Hội thảo có đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng nhóm 2 Ban Soạn thảo Nghị định; đồng chí Phạm Huy Giang - Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thường trực Ban Soạn thảo; đồng chí Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cùng đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
![]() |
Đồng chí Phạm Huy Giang - Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương, Thường trực Ban Soạn thảo. Ảnh: M.A |
Đề xuất 14 nội dung cần đưa ra thảo luận
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Thanh Hải cho biết, thực hiện Kế hoạch xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng, ngày 06/02/2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến đối với dự thảo (lần 1) Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng, các đại biểu đã tập trung góp ý vào Đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng trong 10 điều dự thảo Nghị định theo phân công của Ban soạn thảo; ghi nhận rất nhiều ý kiến góp ý sâu sắc, cụ thể, xác đáng, xuất phát từ thực tiễn trong công tác chỉ đạo và triển khai công tác thi đua, khen thưởng tại các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành.
Tổ Biên tập đã tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý tại hội thảo lần 1, trong đó, có nội dung phải tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn, toàn diện hơn để xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bên cạnh đó, vẫn còn những nội dung có ý kiến trái chiều, cần tiếp tục được đóng góp ý kiến từ các cấp, các ngành trên nhiều lĩnh vực nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản; bao quát các lĩnh vực, đối tượng, chính xác, khả thi về tiêu chuẩn, hình thức khen thưởng...
![]() |
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng nhóm 2 Ban soạn thảo Nghị định phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: M.A |
Ngay sau đó, ngày 28/2/2023, Bộ Nội vụ đã có văn bản số 766/BNV-BTĐKT gửi các Bộ ngành, địa phương về việc góp ý dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Tại Hội thảo góp ý dự thảo lần 2, Ban soạn thảo và tổ biên tập (nhóm 2) đề xuất các nội dung trọng tâm cần đưa ra thảo luận trong Dự thảo lần này như sau:
1. Về các nội dung tại điều: 6, 7, 8, 9 10; 14, 15,16, 20, 21 trong Dự thảo Nghị định liên quan đến việc cụ thể hóa đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng đối với cá nhân: Có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; Có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
2. Về việc quy định chức danh tương đương, thời gian khen thưởng quá trình cống hiến. Nội dung này hiện có nhiều ý kiến về việc quy định chức danh tương đương, thời gian khen thưởng cho phù hợp với quy định của Đảng (theo Kết luận số 35 hiện nay có nhiều chức danh tương đương Phó Vụ trưởng). Về thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến đối với cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý để phù hợp với quy định tuổi nghỉ hưu của Luật Lao động 2019.
3. Về việc quy định tiêu chuẩn “được giải thưởng cao của thế giới”, “được giải thưởng quốc tế cao nhất của khu vực”, “được giải thưởng quốc tế cao của khu vực” đối với Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba (Điều 14, Điều 15 và Điều 16 dự thảo Nghị định). Dự thảo Nghị định đã quy định cá nhân được Nhà nước Việt Nam cử tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và các hoạt động khác đạt được thành tích thì được tặng hoặc truy tặng Huân chương Lao động các hạng.
4. Đối với khen thưởng cá nhân có quá trình cống hiến được thực hiện 01 lần hay cứ đủ tiêu chuẩn thì khen thưởng theo quy định.
5. Về khái niệm “tổ chức kinh tế khác” được quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 cần được làm rõ hơn.
6. Về nội dung Quỹ thi đua, khen thưởng: Qua rà soát công tác thành lập, trích, sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng ở các bộ, ngành, địa phương thì hiện nay khối bộ, ngành (kể cả Bộ Tài chính) từ trước đến nay đều không có trích quỹ thi đua, khen thưởng. Kinh phí chi cho công tác thi đua, khen thưởng hầu hết được lấy từ kinh phí chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị (trừ một số khen thưởng chuyên đề, đột xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được bố trí riêng). Mặt khác theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp sẽ bãi bỏ quy định mức lương cơ sở. Vì vậy, cần nghiên cứu, đề xuất để thống nhất giải pháp tháo gỡ những bất cập này.
7. Về quy định thủ tục hồ sơ; bổ sung hồ sơ đối với những trường hợp chưa đảm bảo hồ sơ, thành tích khi đã trình Thủ tướng Chính phủ. Bổ sung quy định tạm để lại các trường hợp bổ sung hồ sơ để không thiệt thòi cho các đối tượng được đề nghị khen thưởng.
8. Về việc không dùng hình thức khen thưởng theo chuyên đề làm tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng các hình thức cao hơn.
9. Về quy định thực hiện hiệp y khen thưởng do bộ, ngành, tỉnh hay do Ban Thi đua khen thưởng thực hiện, cũng cần có sự lựa chọn linh hoạt để hồ sơ được thẩm định nhanh nhất.
10. Quy định về tuyến trình khen thưởng; đối tượng khen thưởng đối với các doanh nghiệp cổ phần có tỷ lệ vốn nhà nước dưới 50%, các tập thể tham gia các phong trào thi đua do các địa phương phát động; khen thưởng các trường học ngoài công lập; công nhân lao động, nông dân.
11. Về hướng dẫn điều kiện, thủ tục xét, công nhận sáng kiến và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến; quy định tỷ lệ đóng góp khi tham gia đề tài, đề án, công trình khoa học để làm căn cứ xét danh hiệu thi đua.
12. Quy định về tỷ lệ tặng Cờ Thi đua của Chính phủ.
13. Quy định Báo cáo kết quả kiểm toán đối với các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước đối với doanh nghiệp.
14. Về quy định mẫu Tờ trình; Bổ sung mẫu báo cáo thành tích đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Bộ, ban, ngành, tỉnh.
Nhiều ý kiến đóng góp
Tại Hội nghị lần này, đại diện các cơ quan ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội sẽ đưa ra ý kiến thảo luận tại Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 như Bộ LĐ,TB và XH, Quốc hội, Uỷ ban MTTQVN, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, Công đoàn Công thương, Công đoàn Điện lực Việt Nam.
"Các nội dung được đưa ra góp ý trong Hội thảo lần này từ các cấp, các ngành trên nhiều lĩnh vực sẽ đảm bảo được tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản; bao quát các lĩnh vực, đối tượng, chính xác, khả thi về tiêu chuẩn, hình thức khen thưởng", đồng chí Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng, đúng người, đúng thành tích, đúng hình thức để thi đua khen thưởng thực sự trở thành động lực phấn đấu của các tập thể, cá nhân. Song song với đó, việc các quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng phải chặt chẽ. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, đại diện các cơ quan ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý những nội dung chưa hợp lý.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang góp ý tại Hội thảo. Ảnh: M.A |
Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cho biết, tại các điều 16, điều 23 mục 7 có sự không công bằng giữa Phó Bí thư thường trực cấp ủy, quận, huyện, thị với phó ban, ngành, đoàn thể trung tỉnh trong đối tượng được tặng Huân chương lao động hạng Ba. Đồng chí cũng đề nghị nên bổ sung thêm việc tặng Huân chương lao động cho các đối tượng có thành tích đặc biệt, đột xuất ở các lĩnh vực công tác khác.
Hay như tại khoản 1, điều 29 trong dự thảo Nghị định là điều bất cập đối với các doanh nghiệp FDI đứng chân trên địa bàn các Khu công nghiệp (KCN). Bởi, con người và quỹ lương thuộc các tập đoàn quản lý, do đó rất khó để tập đoàn trình khen thưởng.
Ngoài ra, theo điều 83, UBND cấp xã không quản lý các doanh nghiệp trong các KCN. Chính vì vậy, các doanh nghiệp FDI trình lên Ban Quản lý các KCN, từ đó, BQL các KCN có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng.
Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất 02 vấn đề trọng tâm cần xem xét, giải quyết. Vấn đề thứ nhất là thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đảm bảo hài hòa về giới, phù hợp với lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nữ. Vấn đề thứ hai là cần rà soát toàn bộ quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và dự thảo Nghị định để bảo đảm khắc phục toàn diện, tối đa các khoảng cách về giới, nhất là các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ.
Đồng chí Phạm Huy Giang - Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thường trực Ban Soạn thảo cũng nhấn mạnh sự cần thiết của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng. Đồng chí cũng cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng được thông qua gần 1 năm nay, đang trong lộ trình đưa vào thực tiễn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
Thông qua các ý kiến góp ý tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hải đề nghị các thành viên chung trong nhóm 2 làm tốt trách nhiệm, rà lại các ý kiến trong các Nghị định này, trên cơ sở đó làm báo cáo tổng kết hoàn chỉnh về các vấn đề được đưa ra.
![]() Chiều 6/2, tại Hà Nội, Ban Soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ... |
![]() Đây là một trong những nội dung kết luận tại buổi làm việc giữa Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Lâm Đồng với lãnh đạo ... |
Tin mới hơn

Đột phá khoa học công nghệ, chuyển đổi số và sứ mệnh mới của tổ chức Công đoàn

Chuyển đổi số trong công đoàn: Đòi hỏi sống còn, không chỉ là khẩu hiệu

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kiểm tra công đoàn để làm mới công tác giám sát
Tin tức khác

Giữ nguyên mô hình 3 cấp của Ủy ban kiểm tra: Lựa chọn cần thiết trong bối cảnh mới

Tháng Công nhân ở Huế: Đồng hành và sẻ chia

Đêm hội văn hóa thắm tình đoàn kết của người lao động Hàng hải Việt Nam

Suy nghĩ hay, hành động đẹp – khắc họa chân dung người lao động Thủ đô thời đại mới

Gương mẫu thực hiện tinh giản tổ chức bộ máy
