- Bác sĩ ơi! em đau quá. Cái chân của em có lúc không đi nổi. Em cảm giác nó như tê liệt cả người.
- Vùng vai gáy của tôi đau nhức đến mức không quay nổi cái cổ. Nhiều đêm, đau quá tôi không ngủ được bác sĩ ạ.
Đó là cuộc trò chuyện giữa những bệnh nhân đến thăm khám với Thiếu tá, y sĩ Ninh Công Khánh tại nhà sinh hoạt cộng đồng tổ 8, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Thực tế, nghe tiếng anh đã lâu nhưng hôm nay tôi mới có dịp “mục sở thị” để thêm yêu, thêm quý và thêm ngưỡng mộ người chiến sĩ áo xanh – một bông hoa giữa đời thường.
Môi trường quân đội đã rèn cho anh sự kiên trì, nhẫn nại và một trái tim giàu tình yêu thương. Vì thế sau những bộn bề công việc của đơn vị, trở về với cuộc sống thường nhật anh đã miệt mài châm cứu, bấm huyệt miễn phí cho người dân trong suốt 10 năm qua.
Cứ đến 18 giờ hằng ngày, nhà sinh hoạt cộng đồng tổ 8 lại chật kín người. Đây cũng là lúc Thiếu tá Khánh tất bật với công việc châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt cho từng người. "Đôi tay vàng" của người thầy thuốc ấy đã giúp bao bệnh nhân thoát khỏi cơn đau. Có những bệnh nhân uống thuốc nhiều năm không khỏi vì giãn tĩnh mạch, có người liệt nửa người vì thoái hóa cũng đã đi lại được.
Có trường hợp bị tai nạn giao thông với chẩn đoán của Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng là chấn thương sọ não, liệt tứ chi, tưởng rằng cả đời bệnh nhân ấy phải ngồi xe lăn, sống đời sống thực vật nhưng sau thời gian được anh bấm huyệt, chữa trị đã có thể vận động. Và biết bao nhiêu mảnh đời đã được anh tái sinh từ cõi chết.
![]() |
Hình ảnh y sĩ Ninh Công Khánh xoa bóp, bấm huyệt chữa trị cho bệnh nhân. |
Trong căn nhà sinh hoạt cộng đồng khi tôi đến, ước lượng cũng hơn ba mươi người đang chờ anh thăm khám. Nhìn những khuôn mặt bệnh nhân đến nơi đây, tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của họ khi được anh chữa bệnh. Dường như ai cũng đặt tất cả niềm tin, niềm hi vọng vào anh. Họ đã trao sinh mệnh cho anh và tin rằng mình sẽ khỏi bệnh.
Ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng thỉnh thoảng vang lên tiếng cười của bệnh nhân vì y sĩ Khánh cũng là một người hài hước, lâu lâu anh kể chuyện vui khiến cả căn phòng rộn rã tiếng cười. Tôi có cảm giác đây là ngôi nhà hạnh phúc, ngôi nhà của tình yêu thương, ngôi nhà gieo mầm sự sống chứ không phải là phòng khám chữa bệnh.
Chia sẻ với tôi, anh Khánh nói: “Ngoài thời gian trực ở đơn vị, hầu hết thời gian rãnh rỗi tôi đều ở phòng khám này. Cũng may vợ tôi cũng là người làm trong ngành Y nên rất thông cảm và ủng hộ”.
Chính vì có một hậu phương vững chắc nên anh đã tận tụy, miệt mài với công việc bằng tất cả sự đam mê. Điều đáng quý ở anh là biết bà con khó khăn nên anh chữa bệnh miễn phí. Mỗi đêm anh phải điều trị cho hàng chục người nhưng anh vẫn niềm nở, tươi cười.
Có những hoàn cảnh khó khăn anh Khánh còn cho tiền mua thuốc uống, thậm chí còn đến nhà châm cứu. Theo lời kể của anh Khánh, trước kia anh công tác ở Đồn Biên phòng Hải Vân. Thấy bà con vùng biển Kim Liên vất vả, lại đau yếu nhiều nên quyết định mượn nhà sinh hoạt cộng đồng để chữa trị cho bà con. Thời điểm mới hoạt động, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng anh Khánh không nản lòng. Anh tự bỏ tiền túi mua những vật dụng cơ bản để khám chữa bệnh. Anh Khánh nhớ lại lúc mới hành nghề, phòng khám chỉ có một ống nghe, một bộ đo huyết áp, một bộ châm cứu, một đèn hồng ngoại.
Lúc đầu phòng khám chỉ có vài người bệnh vì mọi người còn e dè, chưa tin vào tay nghề của anh, nhưng khi người này đỡ bệnh truyền đến người kia thì người đến nhờ anh chữa bệnh ngày càng đông. Và khi số bệnh nhân tăng lên anh phải vận động anh em trong đơn vị, mạnh thường quân hỗ trợ để mua thuốc chữa trị cho bà con. Nếu bà con khó khăn thì anh phát thuốc miễn phí, còn khá giả thì gửi lại tiền để duy trì tủ thuốc.
Anh Khánh luôn tâm niệm “sống là để chia sẻ, chừng nào còn sức thì còn phục vụ bà con”. Có lẽ vì tâm niệm “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” nên phần lớn thời gian anh dành chữa bệnh miễn phí cho bà con.
Đối với anh việc đến với bà con vùng biển Kim Liên như một cái duyên. Cho đến thời điểm này đã hơn mười năm anh gắn bó với vùng đất này, gắn bó với những người dân nghèo thật thà, chất phác nơi đây và cũng đã hơn mười năm người lính cụ Hồ ấy đã dồn tất cả tình yêu thương, lòng nhiệt huyết vào đôi tay để xoa bóp, bấm huyệt, chữa trị, chăm sóc cho bệnh nhân.
Anh Khánh tâm sự, khi đại dịch Covid - 19 bùng phát, thành phố giãn cách xã hội, anh phải tạm gác công việc chữa bệnh của mình để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Hơn nữa đơn vị “cấm trại” phải duy trì con số trực chiến 100%, anh Khánh lại tham gia vào tổ phòng, chống dịch nên không thể đến với bà con. Ngoài những ngày trực anh cùng với tổ công tác phòng, chống dịch đi phun thuốc khử khuẩn ở những nơi có mầm bệnh và tranh thủ trao những món quà yêu thương đến với bà con.
Đối mặt với hiểm nguy trên mọi mặt trận, người lính cụ Hồ ấy vẫn không nao núng tinh thần chỉ mong đại dịch qua nhanh để anh có thể sớm gặp lại bệnh nhân của mình.
![]() |
Anh Khánh trao quà cho người dân. |
Con đường từ nhà đến đơn vị dài 20 cây số, ngoài những hôm trực ở đơn vị, anh vẫn vượt quãng đường dài để về chữa trị cho các bệnh nhân. Tiếng lành đồn xa nên bệnh nhân đến với anh ngày càng đông. Có những bệnh nhân ở các tỉnh xa như Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng tìm đến anh với một sự tin tưởng tuyệt đối. Nhiều hôm trở về nhà anh mệt đến mức không bưng nổi bát cơm nhưng trái tim giàu tình yêu thương ấy vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng mỗi ngày để có thể phục vụ Nhân dân.
Rời khỏi ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng và nhìn theo bóng dáng người y sĩ ấy tôi đã khóc. Tôi khóc vì xúc động trước trái tim ấm áp của anh. Tôi khóc vì thấy mình thật nhỏ bé trước sự vĩ đại của anh. Anh Khánh mãi là anh bộ đội cụ Hồ, là người thầy thuốc trong lòng Nhân dân.
![]() |
![]() Không giấu được xúc động khi nhận giải thưởng, Nguyễn Thị Minh Anh (thí sinh đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh trực tuyến “Trai xinh ... |
![]() Cuộc thi viết về mô hình, tấm gương người tốt, việc tốt trong phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) TP Đà ... |
![]() Từ khi phát động Cuộc thi đến nay, Ban Tổ chức Cuộc thi viết về mô hình, tấm gương người tốt, việc tốt trong phong ... |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
