Ký ức buồn về 9 ngày chạy vạy lo viện phí cho con
Trò chuyện với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, bà Lê Thị Lượng, mẹ chồng chị Lê Thị Ngân (nữ công nhân Công ty Haprosimex đã qua đời do ung thư máu vào buổi sáng ngày 17/10/2012), vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc tồi tệ khi nghe tin con dâu mắc bệnh hiểm nghèo.
“Khi ấy tôi đang đi làm, nhận được cuộc điện thoại của chồng Ngân, bảo mẹ ơi mẹ về ngay mang tiền cho vợ con đi viện. Hỏi bị bệnh gì không nói, ra đến viện bác sĩ bảo cháu nó bị ung thư máu giai đoạn cuối rồi, không có bảo hiểm à? Tôi hỏi lại con dâu, nó bảo hằng tháng con vẫn đóng tiền bảo hiểm trong công ty nhưng người ta không phát thẻ bảo hiểm y tế cho...”, người phụ nữ ngoài 60 bật khóc khi nhớ lại chuyện cũ.
![]() |
Bà Lê Thị Lượng, mẹ chồng nữ công nhân Lê Thị Ngân đau đớn khi nhớ về những ngày cuối cùng của con dâu - Ảnh: Ý Yên |
Bà Lượng là người túc trực chăm sóc con dâu suốt 9 ngày từ khi chị nhập viện tới khi trở về trút hơi thở tại nhà. Dường như bà không quên một chi tiết nào về biến cố đau đớn của gia đình, từ chuyện bán trâu, bán bò, đến chuyện vay mượn khắp nơi đóng tiền viện phí cho con...
“Các bác sĩ bảo không có bảo hiểm, điều trị hết nhiều tiền mà bệnh tình như thế thì tốt nhất là cho về. Tôi vừa nói vừa khóc với bác sĩ trưởng khoa, bảo con cái mình sống được ngày nào mình biết ngày ấy, van xin cho cháu ở lại, không nghĩ gì chuyện tiền nong”, bà Lượng kể, nói thêm, suốt những ngày con dâu nằm viện, bà vừa chăm sóc con, vừa gọi điện cho người quen để vay tiền lo viện phí, mỗi lần truyền máu phải đóng tiền, có hôm 5 triệu, có hôm 25 triệu, ...
“Hai mẹ con ở ngoài bệnh viện, nghĩ khổ lắm! Bác sĩ bảo bà ơi ở nhà cố gắng đi xin cái bảo hiểm y tế, rồi chúng cháu miễn giảm cho. Nhưng xin ở đâu được? Người nhà cũng ra Công ty đòi hỏi bảo hiểm, đến ngày thứ năm, thứ sáu làm ầm ĩ lên người ta mới “chạy” cho cái thẻ bảo hiểm y tế, nhưng cháu nó cũng chỉ được hưởng quyền lợi một ngày, hôm sau bệnh viện trả về rồi mất ở nhà”, bà Lượng chia sẻ.
![]() |
Gia đình nữ công nhân Lê Thị Ngân vẫn chưa nhận được chế độ tử tuất, dù chị đã mất hơn chục năm - Ảnh: Ý Yên |
“Trước khi chuẩn bị cho cháu về, ông bác sĩ bảo tôi, bà muốn kiện thì chúng cháu đủ điều kiện hỗ trợ bà kiện công ty. Về nhà lo đám tang, người ta cũng bảo đi kiện nhưng tôi cứ nghĩ con thì cũng đã mất rồi, chị gái Ngân thì còn đang làm ở đấy, tôi cứ nể, gia đình mất con rồi cũng chẳng nghĩ gì nữa”, bà Lượng nói thêm.
Chồng chị Ngân – anh Phạm Văn Tuyến kể rằng hai người kết hôn đúng 4 năm 1 ngày thì vợ mất, để lại đứa con trai 3 tuổi. Biến cố khiến anh khủng hoảng tinh thần nhiều năm sau đó.
“Lúc bình thường chẳng nghĩ gì đến bảo hiểm và đi khám sức khỏe, khi vợ có bệnh mới biết công ty nợ BHXH, không có thẻ BHYT, đi viện không được hỗ trợ viện phí. Hồi vợ tôi mới mất, người ở Công ty về xin giấy chứng tử để làm chế độ tử tuất, từ hồi đó đến giờ chẳng biết người ta làm gì, quyền lợi cũng không có”, anh Tuyến nói.
Mong làm rõ quyền lợi
Chị Lê Thị Là – chị ruột nữ công nhân Lê Thị Ngân, người cũng từng làm việc tại Công ty Haprosimex từ năm 2009 đến khi buộc phải nghỉ việc khi nhà máy cổ phần hóa và rơi vào khủng hoảng nợ lương, BHXH hồi năm 2017, cho biết suốt quá trình làm việc không hề biết Công ty nợ BHXH. Đến khi em gái mắc bệnh hiểm nghèo, hỏi tới bảo hiểm thì mới biết rằng công ty không đóng BHXH, dù hằng tháng vẫn trừ lương để trích nộp khoản này.
![]() |
Chị Lê Thị Là vẫn day dứt khi nghĩ về những thiệt thòi của em gái - Ảnh: Ý Yên |
“Lúc ấy tôi rất bàng hoàng, ngã quỵ luôn tại nhà máy. Buồn, đau vì quyền lợi không được tôn trọng. Những người như chúng tôi khi bác sĩ hỏi đến bảo hiểm, chỉ đơ ra không biết giải quyết sao. Giá như có bảo hiểm thì gia đình đã không vất vả vay mượn chỗ nọ chỗ kia. Đến giờ, công ty vẫn đang nợ em gái tôi - người đã chết chục năm trời họ vẫn chưa trả cái tiền tử tuất”, chị Là nói.
Còn ông Phạm Văn Lư – bố chồng chị Ngân ngậm ngùi cho biết: “Chúng tôi ở nông thôn, hầu như không ai am hiểu về vấn đề bảo hiểm, chẳng ai để ý. Tôi mong mọi chuyện được làm rõ”.
Câu chuyện của gia đình chị Ngân không phải là cá biệt. Bởi, theo ghi nhận của PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, hiện có hàng trăm công nhân lao động đang yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Haprosimex trả quyền lợi về lương, BHXH.
![]() |
Chị Lê Thị Là cũng chưa nhận chế độ thai sản sau khi sinh 2 đứa con, do Công ty Haprosimex nợ BHXH - Ảnh: Ý Yên |
Tập thể công nhân viết đơn cầu cứu các cơ quan chức năng, phản ánh việc Công ty nợ BHXH từ tháng 6/2011 và nợ lương trong khoảng thời gian từ 2016-2017, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Tình trạng trên gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người lao động, nhiều công nhân chưa nhận được tiền thai sản, dù con đã lên 9 tuổi...
Sáng 7/3/2023, trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH TP Hà Nội cho biết chưa nắm được cụ thể số nợ BHXH của Công ty CP Tập đoàn Haprosimex và đang yêu cầu phía BHXH huyện Gia Lâm; BHXH quận Hoàn Kiếm cung cấp số liệu nợ BHXH. Sáng 8/3/2023, bà Hoàng Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt May Hà Nội nói rằng đã trao đổi với lãnh đạo BHXH huyện Gia Lâm nhưng đơn vị từ chối cung cấp thông tin số nợ BHXH của Công ty CP Tập đoàn Haprosimex. Dựa trên giấy ủy nhiệm chi phía Công ty cung cấp, cho thấy từ tháng 6 đến tháng 9/2022, Công ty nộp BHXH trên 6,7 tỷ. Con số nợ thực tế hiện nay của Công ty chưa được phía cơ quan BHXH công bố. |
Với mong muốn tìm hiểu rõ thông tin, nhằm lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, PV liên hệ làm việc với lãnh đạo Công ty. Trao đổi với PV, ông Trần Trọng Phúc – thành viên HĐQT cho biết Chủ tịch HĐQT đang đi nước ngoài chữa bệnh, và ông có đủ thẩm quyền phát ngôn thông tin và ủy quyền cho người làm việc với báo chí, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Phúc sau đó ủy quyền cho ông Phan Lê Hà – Phó Giám đốc phụ trách tài chính – kế toán và bà Đỗ Quyên – Trưởng phòng Hành chính, phụ trách vấn đề bảo hiểm, tiền lương làm việc với PV.
![]() |
Sáng 2/3/2023, công nhân lao động tìm đến chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Haprosimex có địa chỉ tại số 115 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội để đòi quyền lợi - Ảnh: Hà Anh |
Sáng 7/3/2023, trao đổi về những trường hợp thiệt thòi quyền lợi về tử tuất, thai sản, nhấn mạnh trường hợp nữ công nhân Lê Thị Ngân đã qua đời nhưng gia đình mòn mỏi chờ quyền lợi, bà Đỗ Quyên cho biết: “Công ty không trốn trách nhiệm nhưng thực sự có những vấn đề chúng tôi không nắm được, mà các bạn nêu ra chúng tôi mới biết, tôi cũng không biết gì về trường hợp này”. Bà Quyên nói thêm, sẽ phối hợp với cơ quan BHXH huyện Gia Lâm để cùng phối hợp giải quyết.
Về trường hợp này, ông Phan Lê Hà dẫn luật: “Công ty không nộp BHXH thì công nhân không có BHYT, không được hưởng tử tuất”. Vị Phó Giám đốc phụ trách tài chính – kế toán nói thêm rằng đến giờ phút này cách đang giải quyết giống như kiểu “con khóc mẹ cho bú”, ai lên kêu thì công ty trả quyền lợi.
Khi PV đề cập còn rất nhiều trường hợp khó khăn, thiệt thòi quyền lợi cần phải được giải quyết, ông Hà nhấn mạnh: “Lãnh đạo công ty sẽ ưu tiên giải quyết các trường hợp thai sản, tử tuất, tuổi cao trước”.
![]() |
PV Tạp chí Lao động và Công đoàn làm việc với ông Phan Lê Hà và bà Đỗ Quyên, đại diện Công ty Haprosimex, sáng 7/3/2023 |
Sáng 8/3/2023, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Trần Trọng Phúc – thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Haprosimex cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với cơ quan công an, công đoàn ngành và sẽ làm việc với công nhân. Chúng tôi đã làm việc với cơ quan BHXH, trong hôm nay và ngày mai sẽ ưu tiên các trường hợp khó khăn, chế độ tử tuất, thai sản... để đóng cho một số, và chúng tôi giải quyết dần”.
Bà Hoàng Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt May Hà Nội cho biết, chiều mai (9/3/2023) phía Công ty sẽ tổ chức buổi làm việc, đối thoại với công nhân lao động. Buổi này có sự tham gia của các cơ quan, ban ngành, công đoàn.
Tạp chí Lao động và Công đoàn sẽ tiếp tục thông tin.
![]() Công ty CP Tập đoàn Haprosimex nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) nên người lao động không được hưởng quyền lợi theo đúng ... |
![]() Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi nhằm đảm bảo hài hòa ... |
![]() Ông Đỗ Văn Minh - Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Dệt 19/5 Hà Nội tại Hà Nam đưa ra thông báo về việc ... |
Tin mới hơn

Người lao động điêu đứng vì vay tín chấp cho bệnh viện

Trung tâm chờ chỉ đạo từ Sở Y tế, Sở thì chờ báo cáo của Trung tâm

Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc chưa xử lý đơn xin đi làm trở lại của bác sĩ Lê Khắc Thu
Tin tức khác

Vụ Phòng khám Timec nợ lương: Người lao động kiện doanh nghiệp đòi quyền lợi

Vụ tranh chấp lao động tại Công ty Outcubator Việt Nam: Thỏa thuận bất thành vì sao?

Phòng khám Timec nợ lương, người lao động khốn đốn

Phòng LĐ-TB&XH quận Tây Hồ làm việc với đại diện Công ty Outcubator Việt Nam

Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ Lê Khắc Thu có “đủ sức khỏe để làm việc”?
