![]() |
Bản dự trù chi tiêu gia đình của "vợ người ta" trong một tháng. Quá ít ỏi, khó khăn phải không bạn? Ảnh chụp từ Facebook |
Nhìn vào bức ảnh trên, ban đầu tôi hơi buồn cười vì sự chi ly của người phụ nữ này trong bảng kê dự trù chi tiêu của chị; rồi tôi thấy một nỗi buồn man mác bởi cuộc sống của phần đông chúng ta, trong đó có người công nhân hiện quá khó khăn; sau nữa tôi thấy phục chị - bởi chị, cũng như những người phụ nữ khác - có trách nhiệm duy trì bếp lửa và sức khỏe của cả gia đình chỉ với khoản chi phí ít ỏi. Cuối cùng, tôi thấy xấu hổ, nỗi xấu hổ vì sự vô tâm, hoang phí và bất lực của một người đàn ông làm chồng, làm cha.
Chỉ với một bảng kê khô khan mà sức chấn động nó gây ra trong tôi thật lớn. Với bốn cung bậc cảm xúc trải qua, có lẽ nó tác động đến tôi hơn cả khi tôi đọc xong một cuốn sách thông thái rất dày. Điều làm nên sự kỳ lạ ấy là hiện thực trần trụi của cuộc sống; là sự giản dị đến vĩ đại của những người phụ nữ trong thời buổi khó khăn.
Thật ra, còn những bữa cơm chi tiêu tằn tiện không kém. Như một bài viết cách đây không lâu trên Tạp chí Cuocsongantoan.vn, một gia đình gồm người mẹ và hai đứa con ở thành phố Hồ Chí Minh hằng ngày chi tiêu cho ăn uống không quá 50 nghìn. Nghĩa là một tháng chỉ dành cho việc ăn 1,5 triệu đồng. Nhưng ở đây không chỉ là chuyện ăn, chị có con nhỏ nên còn là chi cho thuốc thang, sữa, tiền học, điện, nước, dầu ăn, gas... và cả những việc tế nhị khác. Nghĩa là gần như toàn bộ chi phí của gia đình trong một tháng. Vậy sự ăn liệu có còn được năm mươi nghìn đồng?
![]() |
Thu nhập không còn hoặc giảm sút, những người vợ công nhân phải chi tiêu tằn tiện mới đủ duy trì cuộc sống gia đình. Trong ảnh, những bà "vợ người ta" đang lựa chọn món hàng giá rẻ hợp túi tiền. Ảnh của thanhnien.vn |
Bạn chụp bảng kê này đăng lên mạng xã hội phải thốt lên: “Đúng là vợ nhà người ta không bao giờ làm chồng phải thất vọng. Em buồn quá mọi người ơi. Em hai mươi triệu còn hết chứ nói gì năm triệu”. Vậy đấy, nhiều no, ít đủ, quả trứng đĩa rau cũng qua ngày.
Người công nhân đang rất khó khăn. Nhất là những người bị mất việc, giãn việc. Không phải doanh nghiệp, công ty nào cũng có điều kiện và đủ lòng tốt để hỗ trợ cho người công nhân nghỉ việc như ở Công ty PouYuen, nơi người công nhân làm việc trên hai mươi năm nghỉ việc có thể được nhận tới 250 triệu đồng.
Tổ chức Công đoàn đã vào cuộc hỗ trợ bằng nhiều cách. Khoản tiền kết dư của các cấp công đoàn được Tổng Liên đoàn cho phép sử dụng giúp đỡ người lao động. Song, mọi sự giúp đỡ đều nhỏ bé so với nhu cầu của những người công nhân. Như người ta nói, cho “con cá” chỉ ăn một bữa là hết; chỉ có cho “cần câu” để mỗi người tự “câu cá” mới bền.
![]() |
Bữa ăn đạm bạc mỗi suất mười nghìn đồng của một nhóm công nhân xây dựng. Ảnh của vn.sputniknews.com |
Nhưng cái “cần câu” ấy - việc làm - đang bị dịch bệnh phá hỏng. Cả thế giới cũng đang lo ngại sự bùng phát lần thứ hai của đại dịch. Hiện dịch bệnh ở nước ta đã được kiểm soát nhưng những nguy cơ vẫn còn đó. Chuỗi cung ứng toàn cầu dù bắt đầu hoạt động trở lại nhưng để đạt đến trạng thái bình thường như khi chưa có dịch còn mất rất nhiều thời gian. Bản thân thế giới dường như cũng không còn như trước nữa.
Vì thế, trong thời gian không ngắn sắp tới, sự an toàn, ổn định; sức khỏe, học hành, chuyện béo gầy… của mọi người mọi nhà vẫn đặt cả lên triệu triệu đôi vai người vợ, người mẹ. “Vợ người ta” là ai? Là vợ tôi, vợ anh, vợ chúng ta - những người phụ nữ xung quanh. Xin được nói một lời cảm ơn đến họ!
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
