Số lao động có việc làm phi chính thức là những lao động chưa được bao phủ bởi mạng lưới an sinh xã hội.
Tình trạng người lao động mất việc đã giảm
Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm 9 tháng năm 2023 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,8 triệu người, chiếm 27% và giảm 118.200 người so với cùng kỳ năm 2022; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,2 triệu người, chiếm 33,5% và tăng 318.500 người; khu vực dịch vụ là 20,2 triệu người, chiếm 39,5% và tăng 575.700 người.
![]() |
Tình trạng người lao động bị mất việc đã giảm trong 9 tháng qua. Ảnh minh họa: internet |
Đánh giá thị trường lao động 9 tháng qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho rằng bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, vẫn có nhiều ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng.
Nhờ tốc độ tăng ở một số ngành đã giúp giải quyết việc làm cho người lao động, ổn định đời sống trong thời gian qua. Ngoài ra, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cũng cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2023, cả nước có 116.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 748.900 người. Trong quý 4/2023, có 37,3% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 39,4% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 23,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm đơn hàng.
Còn về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 30,9% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 44,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 24,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm. Doanh nghiệp tìm kiếm được đơn hàng kéo theo nhu cầu tuyển dụng ở quý cuối năm 2023 cũng có những tín hiệu khởi sắc.
![]() |
Cũng theo đánh giá từ Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4 năm 2022 đã giảm. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong các tháng đầu năm 2023 vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Sự tích cực được thể hiện rõ nét tại các thị trường lao động lớn, như tại Hà Nội nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn góp phần giải quyết việc làm nhờ tình hình kinh tế - xã hội thành phố thời gian qua tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới thành lập phản ánh triển vọng tốt về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tích cực.
Cần tăng cường bảo đảm an sinh xã hội cho lao động phi chính thức
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, lao động có việc làm dù có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Tính chung 9 tháng qua, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm gần 65%, và chỉ giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động.
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tập trung vào các chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm như trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…
Trước tình trạng lao động phi chính thức còn khá đông và nằm ngoài diện bao phủ của mạng lưới an sinh, TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cần đầu tư phát triển kỹ năng cho lao động phi chính thức, nhất là lao động nữ để họ có thể tiếp cận đến việc làm chính thức.
![]() |
Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tập trung vào các chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm như trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mất việc. Ảnh minh họa: Internet |
Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ người lao động phi chính thức chuyển đổi sang việc làm chính thức thông qua đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ hoạt động vào các nghiệp đoàn. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị kinh tế phi chính thức gia nhập khu vực chính thức.
TS. Trịnh Thu Nga cho rằng, cần tăng cường bảo đảm an sinh xã hội cho lao động phi chính thức, nhất là lao động nữ. Cụ thể, sửa đổi Luật BHXH 2013 theo hướng mở rộng độ bao phủ của BHXH đến toàn bộ lực lượng lao động và phát triển hệ thống BHXH đa tầng; tiếp tục nâng cao nhận thức và hiểu biết của lao động trong khu vực phi chính thức về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về lao động phi chính thức; kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy thanh tra lao động địa phương và điều chỉnh chế tài xử phạt vi phạm pháp luật lao động cả ở khu vực chính thức và khu vực phi chính thức.
Đồng chí Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, thuộc Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, 9 tháng qua, Công đoàn Hà Nội thống kê khoảng 7.560 lao động bị chấm dứt hợp đồng, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Đáng chú ý là thị trường lao động có sự dịch chuyển rất nhanh.
“Đang có làn sóng dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang phi chính thức rất lớn. Những công nhân đang làm việc trong nhà máy có xu hướng chuyển ra ngoài làm, thậm chí là dịch chuyển lao động trong các doanh nghiệp với nhau”, đồng chí Tạ Văn Dưỡng chia sẻ thêm.
![]() Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 07 doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều lao động có năng lực, tâm huyết cùng đồng hành ... |
![]() Đó là chia sẻ của đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tại ... |
![]() Những năm qua, người lao động (NLĐ) tại Tổng công ty (TCT) Cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) luôn yên tâm vì được TCT ... |
Tin mới hơn

Chinh phục nhà tuyển dụng: Bí kíp săn việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Kết nối việc làm, ổn định thị trường lao động Thủ đô
