![]() |
Thất nghiệp, mất việc làm do dịch Covid-19, nhiều công nhân lao động chuyển sang bán hàng online kiếm thu nhập bảo đảm cuộc sống. Rất có thể sự chuyển đổi bất đắc dĩ này sẽ trở thành công việc mới cho thu nhập cao cho người lao động trong tương lai. Ảnh có tính minh họa của tapchitaichinh.vn |
Tôi xin lỗi vì tít bài có vẻ hơi khiêu khích, có thể gây sốc hay hiểu nhầm cho một số người. Xin giải thích ngay, tôi không có ý định tán dương con virus Corona gây ra trận đại dịch vẫn chưa chấm dứt kia, mà chỉ định nói về cơ hội - mặt tích cực bất đắc dĩ nó mang lại.
Đến nay, cả nước đã có hàng triệu công nhân bị mất việc làm, giãn việc làm vì đại dịch. Cuộc sống của họ và hàng triệu khẩu ăn theo bị đe dọa. Báo chí liên tục đưa tin người công nhân tìm đủ mọi cách để mưu sinh, người bán đồ online, người tập tành kinh doanh. Các cụ ta nói “đói thì đầu gối phải bò” là vậy.
Câu chuyện người công nhân vất vả sinh nhai làm tôi nhớ tình huống ở hai làng của một tỉnh miền núi phía Bắc. Ngăn cách hai làng là một con sông nhỏ khiến bên lở, bên bồi. Bên lở cứ bị lở mãi, cho đến khi dòng sông lượn vào tận chân núi. Ngược lại, bên bồi đồng ruộng ngày một rộng thêm, đất đai phì nhiêu, xóm làng trù mật.
![]() |
Trong thời gian nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số công nhân lao động Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tạm thời chuyển sang buôn bán nhỏ. Có thể sẽ có người thành công trong công việc mới mẻ này và gắn bó với công việc mới dài lâu. Anh có tính minh họa của baophutho.vn |
Người dân bên lở hết ruộng đất, đói nghèo. Họ tha hương đi tứ xứ làm ăn. Sau một thời gian, họ học được trí khôn, những ngón nghề thiên hạ. Về quê, người làm bánh, người mở xưởng mộc, người xây lò ấp trứng… bán hàng ra thị trường. Chẳng mấy chốc, làng bên lở đã giàu. Những nhà cao tầng mọc lên san sát; đường đi lối lại khang trang. Con cái được học hành.
Nhìn sang bên kia, làng bên bồi vẫn phì nhiêu, trù mật. Họ yên tâm trên đồng ruộng của mình. Nhưng người dân vẫn chỉ biết trông vào lợi thế đất đai, sản xuất quảng canh cây lúa. Dân làng chỉ dư dả thóc ăn, có nhu cầu mua gì cũng chỉ biết bán đi hạt thóc. Một sự ổn định thâm căn cố đế đến mức tù đọng bao bọc cả làng.
Dịch Covid-19 là điều không ai mong đợi. Bên cạnh tác hại quá lớn và rõ ràng thì dịch bệnh cũng vô tình bứng người công nhân khỏi nếp ổn định mà mỗi ngày đều giống hệt nhau. Giờ thất nghiệp, người công nhân không còn cảnh vô lo, sáng đi tối về hoặc theo nhịp vào ca, cuối tháng lĩnh lương như tháng trước, năm trước. Lúc này họ phải căng óc ra nghĩ, phải tính toán làm gì, làm như thế nào để sống.
![]() |
Người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tìm hiểu chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại Cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Người công nhân thất nghiệp sẽ phải tìm công việc mới; có thể sự chuyển đổi đó khó khăn ban đầu nhưng sẽ mang lại thành công cho nhiều người. Ảnh có tính minh họa của nhandan.com.vn |
Sự năng động được kích hoạt. Sức sáng tạo vốn ngủ quên được đánh thức. Ai cũng phải tìm lấy một công việc, một nghề để tồn tại trong trạng thái “bình thường mới”.
Trong hàng triệu người công nhân thất nghiệp hiện nay, tôi nghĩ sẽ có hàng chục vạn người kiên nhẫn chờ sản xuất phục hồi để đi làm trở lại; song, cũng sẽ có hàng triệu người khác mạnh dạn làm một công việc mới. Họ sẽ bỡ ngỡ, sẽ gặp khó khăn, sẽ nếm trải đắng cay và thất bại. Nhưng hàng chục vạn người chắc chắn sẽ thành công. Khi ấy, nhìn lại chặng đường đã qua để có một cuộc sống mới ý nghĩa hơn, bản thân mình là người chủ chính cuộc sống, công việc của mình, hẳn sẽ có người phải thốt lên: “Cảm ơn Covid!”.
Tôi tin như vậy.
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
