Tại buổi họp báo công bố tình hình lao động, việc làm quý I/2023 của Tổng cục Thống kê ngày 6/4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Quang cảnh buổi họp báo về tình hình lao động quý I/2023 . Ảnh: VGP/Minh Ngọc |
Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý I/2023 là khoảng 885,5 nghìn người, giảm 12,4 nghìn người so với quý trước và giảm 443,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,94%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,31%; khu vực nông thôn là 2,34%.
Bên cạnh đó, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so với quý trước và giảm 65,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2023 là 52,2 triệu người, tăng 88,7 nghìn người so với quý trước và tăng hơn 01 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I là 7,0 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong dịch vụ là 8,3 triệu đồng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 766.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy các chỉ số về việc làm, lực lượng lao động và thu nhập đều trên đà hồi phục nhưng trên thực tế, thị trường lao động việc làm vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp ở một số ngành thâm dụng lao động như Dệt may- Da giày; Điện - Điện tử,… buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu sản xuất.
![]() |
Dệt may là một trong những ngành đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu đơn hàng. Ảnh minh họa: HẢI MINH |
Bên cạnh đó, sự gia tăng thu nhập của người lao động trong quý này không diễn ra ở tất các ngành kinh tế. Trong khi thu nhập bình quân của người lao động một số ngành kinh tế tăng, một số ngành kinh tế khác có sự sụt giảm thu nhập bình quân so với quý trước.
Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 10,5 triệu đồng, giảm 2,6%, tương ứng giảm 275.000 đồng; thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 9,8 triệu đồng, giảm 1,3%, tương ứng giảm 125.000 đồng; ngành xây dựng lao động có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, giảm khoảng 1%, tương ứng giảm 41.000 đồng.
Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, Tổng cục Thống kê đề xuất 3 giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: Da giày, Dệt may, Điện - Điện tử... Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm. Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội. |
![]() Báo cáo của Tổng cục thống kê TP. Hà Nội mới đây cho biết, số lao động được giải quyết việc làm trong quý I/2023 ... |
![]() Theo thông báo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung quý I năm 2023, cả nước có gần 34 ... |
![]() Năm 2022, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã đạt được nhiều kết quả mới, quan trọng với ... |
Tin mới hơn
