![]() |
Gia đình anh Phương hoàn tất thủ tục để lên đường về quê. Ảnh N.N |
Vợ chồng anh Phương thất nghiệp 4 tháng nay. Gia đình anh có 4 người gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ. Con trai lớn của anh năm nay chuẩn bị vào lớp 1 và bé gái khoảng 3 tuổi. Anh Phương quyết định đưa vợ con về quê một phần cũng để cho con đi học vì ở thành phố không đủ tiền lo cho con ăn học.
Tại chốt kiểm soát cửa ngõ phía Tây, (đoạn gần ngã tư Quốc lộ 1A - Bùi Thanh Khiết), huyện Bình Chánh, TP HCM, anh Phương cùng nhiều gia đình người lao động khác đang làm thủ tục xét nghiệm nhanh để về quê. Hành trang về quê của gia đình anh Phương là chiếc balo lỉnh kỉnh đồ đạc.
Anh Phương nói cả nhà không có gì giá trị, toàn quần áo và đồ dùng của con. Trong túi của anh chỉ còn khoảng 300 ngàn đồng. Đó là cả gia tài của gia đình sau 4 tháng thất nghiệp.
![]() |
Người dân muốn về quê cần được xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm soát gần ngã tư Quốc lộ 1A - Bùi Thanh Khiết, huyện Bình Chánh, TP HCM. |
Anh Phương kể, vợ chồng anh làm việc tại TP HCM đã nhiều năm nay, cuộc sống vợ chồng cũng ổn định. Anh là công nhân của một doanh nghiệp tư nhân, vợ anh làm công nhân trong Khu chế xuất Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM).
Trước dịch, vợ chồng anh Phương làm lụng tuy vất vả nhưng cũng đủ để nuôi 2 đứa con. Nhìn các con khỏe mạnh, anh chị cùng cố gắng làm việc. Dịch bệnh đã xuất hiện ở TP HCM gần 2 năm nay, đến bây giờ anh chị đã khánh kiệt. Chờ đợi mãi, thành phố cũng nới lỏng giãn cách nên gia đình khăn gói chở nhau trên chiếc xe máy để về quê.
“Không chịu nổi nữa rồi! Tôi cũng nhớ nhà nữa nên quyết định đưa vợ con về quê. Từ TP HCM về Bạc Liêu khoảng 300 km, vợ chồng tôi chạy xe máy đến sáng mai chắc là sẽ về đến nhà”, anh Phương nói.
![]() |
Hai đứa nhỏ con vợ chồng anh Phương đang ngồi trên xe chờ cha mẹ lấy kết quả xét nghiệm. Ảnh N.N |
Khi đứng chờ vợ lấy kết quả xét nghiệm, anh Phương được một người bạn nhắc nên vào bên trong xin cơm cho tụi nhỏ. Anh Phương trả lời đã có cơm rồi. Sau đó, người bạn này vẫn đưa cho anh phần cơm và nhắn “cầm lấy cho tụi nhỏ ăn, lát nữa sẽ đói”.
Trời mưa lớn, dòng người về quê vẫn nườm nượp trên đường. Tôi có hỏi anh Phương và nhiều người lao động khác, chạy xe ban đêm không an toàn, anh chị có sợ không? Anh Phương và mọi người cười, trong câu nói của họ thể hiện vẻ hạnh phúc: “Được về quê là sướng nhất!”.
![]() |
Người dân nườm nượp về quê trong buổi tối. Ảnh N.N |
Trong đoàn người rời TP HCM về quê ngày hôm nay có nhiều công nhân, người lao động đã kiệt quệ về tiền bạc. Họ chỉ mong muốn được về quê. Theo quan sát của phóng viên, mỗi chiếc xe máy là một gia đình 3, 4 người ngồi trên đó, kèm theo là đồ đạc lỉnh kỉnh. Trời lại bắt đầu mưa.
Đang đứng xếp hàng chờ đến lượt xét nghiệm nhanh, chị Nguyễn Thị Hồng Đào (quê Sóc Trăng) chia sẻ, giờ chỉ mong muốn được về nhà. Bốn tháng qua thất nghiệp, chị sống lay lắt một mình tại xóm trọ ở TP Thủ Đức. Đầu giờ chiều nay chị đi từ TP Thủ Đức về quê nhưng do kẹt xe nên đến 19 giờ, chị Đào mới đến được điểm xét nghiệm.
![]() |
Chị Hồng Đào (ngoài cùng bên phải) chờ đến lượt xét nghiệm nhanh để về quê. Ảnh N.N |
“Tôi làm thời vụ ở Khu công nghệ cao (TP. Thủ Đức), 4 tháng nay thất nghiệp, bị “kẹt” lại thành phố. Tôi không đi làm nên không có thu nhập. Tôi quyết định về vì cuộc sống quá khó khăn, không xoay xở được. Bốn tháng nay tôi không được giảm tiền trọ, mỗi tháng tôi phải đóng 1,5 triệu tiền phòng, chưa tính tiền điện nước. Tôi không có tiền, bây giờ tôi chỉ trả được tiền điện nước và còn nợ lại 2 tháng tiền nhà. Cực quá, tôi quyết định về quê và xin chủ nhà trọ cho nợ, về đến quê tôi sẽ gửi tiền lên trả lại cho họ", Chị Đào rưng rưng.
Đối với chị Hồng Đào, thời gian qua là những tháng ngày khủng khiếp khi phải một mình ở lại thành phố, không việc làm, không được đi lại và nỗi lo lắng về dịch bệnh. Khi được hỏi, có muốn quay lại thành phố nữa không, chị Đào lắc đầu: “Không, tôi sợ lắm!”.
![]() |
Nhiều gia đình công nhân dừng lại ở điểm chốt để làm thủ tục xét nghiệm nhanh. Ảnh N.N |
Anh Phương, chị Đào là một trong những hoàn cảnh công nhân, người lao động bị “mắc kẹt” lại TP HCM trong 4 tháng qua. Những con người ấy không việc làm, không có tiền, không chỗ nương tựa lúc khó khăn. Vì vậy họ cần được về quê, về với vòng tay của cha mẹ, gia đình và quê hương thân yêu.
![]() Ngày 1/10, TP HCM chính thức thực hiện nới lỏng giãn cách sau 4 tháng thực hiện các biện pháp siết chặt để phòng dịch ... |
![]() UBND TP. HCM vừa có văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp vận chuyển người lao động từ tỉnh, ... |
![]() TP HCM sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19 cả trước mắt và lâu dài, giúp các em ... |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
