![]() |
Nâng cao năng lực đào tạo nghề, đa dạng hóa các phương thức, hình thức đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Cơ khí chế tạo Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc thao tác trên máy tiện vạn năng. Ảnh: Hoàng Hùng. |
Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vừa qua.
Liên kết tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người học
Trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đã phát huy lợi thế về vị trí, địa điểm được đặt tại trung tâm các tỉnh, thành phố, hằng năm tổ chức đào tạo nghề cho trên 40 nghìn người lao động có tay nghề; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đổi mới công tác tuyển sinh, đa dạng các loại hình đào tạo và cơ cấu ngành nghề hợp lý, tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Sau khi tốt nghiệp hầu hết sinh viên, học sinh ra trường có việc làm và có thu nhập ổn định.
Việc tổ chức dạy nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn đã đóng góp tích cực vào việc ổn định thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động; góp phần xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X).
Theo đó, sau khi sắp xếp và tổ chức lại theo Phương án số 473/PA-TLĐ, ngày 25/5/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, năm 2022, có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn, trong đó: 3 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp và 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đang hoàn thiện phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2023 – 2025.
Tổng số học sinh, sinh viên tuyển sinh năm 2022 là 86.551 người, trong đó: Đào tạo nghề 26.727 người (cao đẳng 544 người; trung cấp nghề 8.162 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên là 18.021 người), tăng 9% so với năm 2021 và đạt 105% so với kế hoạch; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 15.762 đoàn viên, người lao động; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn cho 20.376 người…
Tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp năm 2022 là 77.612 người, trong đó: Học sinh, sinh viên tốt nghiệp học nghề là 21.634 người (cao đẳng nghề 420 người; trung cấp nghề 4.023 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 17.182 người); 15.762 đoàn viên, người lao động được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; 20.376 người được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn…
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để học sinh, sinh viên cao đẳng và trung cấp thực tập tốt nghiệp. Trong quá trình thực tập, hầu hết học sinh, sinh viên học các nghề kỹ thuật, có kỹ năng tay nghề và yêu thích nghề đều được các doanh nghiệp nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn đều có tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt từ 80 – 85% với thu nhập hằng tháng bình quân từ 6 – 9 triệu đồng mỗi người.
![]() |
Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn. Ảnh: Nguyệt Thu |
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp về các kỹ năng mềm của người học chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lương cao, ngành nghề mới như: Tác phong công nghiệp, khả năng làm việc tổ, nhóm; kỹ năng nghề, năng lực nghề nghiệp… Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu giáo viên cơ hữu, một bộ phận cán bộ, giáo viên chưa gắn bó lâu dài với cơ sở đào tạo; kinh phí đầu tư của Nhà nước và tổ chức Công đoàn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất và đổi mới thiết bị dạy học. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đổi mới các hoạt động nên không có khả năng đạt được chỉ tiêu đào tạo theo nhiệm vụ được giao hàng năm…
Nâng cao năng lực, thích ứng trong tình hình mới
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Ngọ Duy Hiểu cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cáo chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Đồng thời, trước yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập đang làm gia tăng tính cạnh tranh về lao động lành nghề trong khu vực và quốc tế, nhu cầu mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động với yêu cầu lao động phải có tay nghề thực chất… nhiều vấn đề mới và lớn đang và sẽ đặt ra mà Tổng LĐLĐ Việt Nam, các LĐLĐ tỉnh, thành phố và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn cần tập trung thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
![]() |
Khảo sát điều kiện làm việc của công nhân may Công ty TNHH Crystal Martin (Bắc Giang). Ảnh: Viện Công nhân Công đoàn |
Cụ thể, tiếp tục củng cố, kiện toàn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt. Hướng tới đảm bảo tự chủ về tài chính, trong đó từ 2023 - 2025 tự chủ chi thường xuyên; từ năm 2025 - 2030 định hướng tự chủ chi đầu tư và có lộ trình cho từng năm.
Chú trọng nâng cao năng lực đào tạo nghề, đa dạng hóa các phương thức, hình thức đào tạo như: Đào tạo thường xuyên, đào tạo chuyên sâu, đào tạo cập nhật, đào tạo lại; phối hợp đào tạo tại doanh nghiệp với tại cơ sở đào tạo; đào tạo trực tuyến, tạo cơ hội để người lao động thuận lợi trong việc tham gia học nghề…
Quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề bảo đảm số lượng biên chế cơ hữu theo quy định; nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề tương ứng với tiêu chuẩn, yêu cầu của việc dạy từng nghề cụ thể trong đó có các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, cấp độ khu vực và thế giới.
Đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ các tỉnh, thành phố đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh phong trào thi đua trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường đôn đốc giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá các hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Cùng với đó, để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn có điều kiện phát triển và phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc ổn định thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cũng cần có sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính…góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ phê duyệt.
Tin mới hơn

Đột phá khoa học công nghệ, chuyển đổi số và sứ mệnh mới của tổ chức Công đoàn

Chuyển đổi số trong công đoàn: Đòi hỏi sống còn, không chỉ là khẩu hiệu

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kiểm tra công đoàn để làm mới công tác giám sát
Tin tức khác

Giữ nguyên mô hình 3 cấp của Ủy ban kiểm tra: Lựa chọn cần thiết trong bối cảnh mới

Tháng Công nhân ở Huế: Đồng hành và sẻ chia

Đêm hội văn hóa thắm tình đoàn kết của người lao động Hàng hải Việt Nam

Suy nghĩ hay, hành động đẹp – khắc họa chân dung người lao động Thủ đô thời đại mới

Gương mẫu thực hiện tinh giản tổ chức bộ máy
