![]() |
Chàng công nhân trẻ phấn khởi nhận được hợp đồng thử việc. Anh nói vui, nắm trong tay hợp đồng lao động lúc này còn thích hơn nắm tay người yêu. Ảnh chụp từ facebook |
Tôi mượn ý dòng trạng thái của một bạn trên mạng xã hội công nhân để làm tiêu đề của bài viết này. Dòng trạng thái ban đầu khiến tôi khá ngạc nhiên. Tuổi trẻ lãng mạn và giàu ước mơ, khao khát hạnh phúc lứa đôi thường là điều cháy bỏng, mãnh liệt trong họ hơn bất cứ điều gì khác. Vậy mà còn có thứ nắm được thích hơn nắm bàn tay của người yêu ư? Sự thực dụng từ bao giờ đã lên ngôi và sự lãng mạn của tuổi trẻ sao dễ dàng mất đi đến thế?
Bạn viết: “Nắm tay của người yêu cũng thích thật đấy, nhưng thời buổi này nắm cái này trong tay mới ra gì nhé”. "Cái này - ra gì" mà bạn nói được "giải thích" ở hai bức ảnh kèm theo. Đó là bản hợp đồng thử việc và thẻ nhân viên của một công ty. Lưu ý mới chỉ là hợp đồng thử việc thôi, vậy sao có thể “thích hơn nắm tay người yêu”? Có gì đó khiến lòng tôi tê tái...
Nhưng tôi nhanh chóng tỉnh ra. Không, bạn không thực dụng, không đánh mất sự lãng mạn và niềm khao khát lứa đôi; đơn giản vì “thời buổi” - chữ bạn viết - khiến bạn cảm thấy đó là điều quan trọng nhất lúc này. Một cơ hội hiếm hoi mà bạn nhất định phải nắm lấy, không được phép để nó tuột đi. Còn em yêu, hãy thông cảm và chờ anh nhé. Mình còn nhiều thời gian tính chuyện trăm năm. Anh không có ý so sánh em với một công việc thậm chí có thể chỉ là tạm thời, nhưng chỉ như thế mới sống; và đầu tiên phải sống đã rồi tính tiếp…
![]() |
Thất nghiệp, mất việc, người công nhân tìm việc, gửi đơn khắp nơi; nhưng lúc này việc làm thực sự là một vấn đề nan giải. Ảnh có tính minh họa của giaiphapthoathiem.com |
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa diễn ra, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay, đã có 7,8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Một con số quá lớn. Cũng có thông tin, tới đây, hàng chục, hàng trăm nghìn công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… - những tỉnh có đông công nhân nhất ở khu vực phía Nam - có thể sẽ mất việc; trong đó có cả một số công ty lớn đã cho nghỉ một lúc hàng nghìn lao động vừa rồi.
Báo Lao động có bài viết về vợ chồng chị Vân Anh, hai người làm cho hai công ty ở Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long; nơi người chồng đã phải nghỉ việc từ tháng 5 và tới ngày 3/7, đến lượt chị Vân Anh mất việc. Đã gần mười năm thuê trọ, giờ là lần đầu vợ chồng anh chị phải rơi vào cảnh này. Nhiều công nhân khác chưa mất việc nhưng một tuần có khi chỉ làm một ngày, nghỉ đến năm ngày. Lúc này được dậy từ 5 giờ sáng để đi làm là niềm hạnh phúc và giờ bỗng trở thành kỷ niệm của “một thời đã qua”...
![]() |
Dệt may là ngành bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc, làm việc cầm chừng. Đến lúc này, 7,8 triệu lao động đã mất việc, giãn việc, nghỉ việc luân phiên. Nắm trong tay hợp đồng lao động lúc này là hạnh phúc lớn, "hơn cả nắm tay người yêu". Ảnh tuoitre.vn |
Việc làm, việc làm, việc làm… Mấy tiếng ấy vang lên thiết tha, khắc khoải. Các mạng xã hội công nhân tràn ngập thông tin tìm việc làm. Nhưng dịch bệnh thế giới vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Việt Nam dù đã khống chế được dịch, nhưng trong một thế giới hội nhập, phụ thuộc lẫn nhau, nhiều khâu sản xuất, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy thì toàn bộ hệ thống tê liệt, đình trệ. Người công nhân đã, đang và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.
Trở lại dòng trạng thái của bạn công nhân trẻ đầu bài viết này, tôi hoàn toàn thông cảm và đồng tình với anh. Tôi nhớ nhà văn Nam Cao có viết đại ý, đôi môi đỏ của người thiếu nữ nhìn hấp dẫn thế nhưng nó phải được nuôi từ những hạt cơm. Công việc lúc này gần như là tất cả…
![]() |
![]() |
![]() |
Tin mới hơn

Nghị quyết 57: Cởi trói pháp lý, mở đường sáng tạo

Nghị quyết 57: “Cánh cửa vàng” mở ra kỷ nguyên mới cho công nhân Việt Nam

“Gieo hạt” tri thức, “gặt mùa” đổi thay
Tin tức khác
